Khoảng 3 năm gần đây, mía là cây trồng mà nông dân miền Tây phá bỏ nhiều nhất, mỗi năm có đến hàng ngàn hécta mía bị phá bỏ, thay vào đó là các loại cây bắp, rau màu, nhãn, sầu riêng, mãng cầu…
Long An, Trà Vinh, Hậu Giang và Sóc Trăng là những địa phương có diện tích trồng mía lớn ở ĐBSCL. Nhiều năm trước, những ruộng mía bạt ngàn đã từng đưa người nông dân thoát khỏi cảnh nghèo khó, vươn lên khá giả. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, những vụ mía đã thôi ngọt ngào, giá cả bấp bênh, trong khi nhà máy đường đang dần thu hẹp…
Từ tháng 5 đến nay, người trồng mía ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cũng như các địa phương khác trong vùng đang đứng ngồi không yên vì mía đã quá thời điểm thu hoạch nhưng lại vắng bóng thương lái đến thu mua. Đáng nói trong đó đã có nhiều diện tích quá lứa, trổ cờ, giảm năng suất, nhà máy đường thu mua rất chậm.
Còn theo báo cáo của UBND tỉnh Long An, giá mía của tỉnh này đang ở mức khoảng 100 đồng/kg đây là mức giá thấp kỷ lục khiến người trồng mía thua lỗ nặng. Địa phương này cũng cho biết, niên vụ 2020 – 2021 diện tích mía sụt giảm mạnh, diện tích gieo trồng khoảng 481 ha chỉ bằng 10,8% so với cùng kỳ. Ông Thạch Sô Phal- Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Trà Cú cho biết: “Từ đầu năm nay chúng tôi lên kế hoạch sản xuất vụ mía mới 2020-2021 khoảng 1.800ha, giảm khoảng 700ha so vụ trước. Dù vậy, đến giờ này nhiều nông dân vẫn thờ ơ, chưa làm vụ mới chứng tỏ người nông dân đã không còn mặn mà với cây mía nữa”.
Tình hình trồng mía ở Hậu Giang cũng không khá hơn, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang cho biết, vụ mía năm 2018, nông dân trong tỉnh sản xuất hơn 10.581 ha, sang năm 2019 giảm xuống còn 8.147 ha nhưng đến năm 2020 chỉ còn 5.900ha… Nguyên nhân dẫn đến những cánh đồng mía liên tục bị thu hẹp là do tình trạng tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp, chỉ 600-700 đồng/kg. Trong khi chi phí sản xuất, thuê nhân công đốn, chặt mía lại tăng, dẫn đến giá thành sản xuất bằng hoặc cao hơn giá bán khiến nông dân từ huề đến lỗ. Bên cạnh đó, hiện tại ở Hậu Giang chỉ còn 1/3 nhà máy đường hoạt động; máy móc trục trặc, thu mua muộn…nhân công thu hoạch thiếu trầm trọng, làm tăng chi phí và giảm năng suất, thiệt hại cho người nông dân trăm bề.
Được biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến giá mía nguyên liệu giảm do đường sản xuất trong nước khó cạnh tranh với đường nhập khẩu. Trong khi đó tình trạng nhập lậu đường vẫn diễn biến phức tạp, kéo dài. Vì thế, khoảng 3 năm gần đây, mía là cây trồng mà nông dân miền Tây phá bỏ nhiều nhất, mỗi năm có đến hàng ngàn hécta mía bị phá bỏ, thay vào đó là các loại cây bắp, rau màu, nhãn, sầu riêng, mãng cầu…