Tuy có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, thế nhưng đa số nguồn nhân lực trong nông nghiệp (với tỷ trọng khoảng 46%) lại chưa đáp ứng được yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ mới.
Với phương thức sản xuất vẫn chủ yếu theo kiểu tự phát, tư duy làm nông “kiểu cũ”, khiến cho ngành nông nghiệp vẫn luôn bị rơi vào tình trạng “ứ thừa, tồn đọng” nông sản năm này qua năm khác. Một nền nông nghiệp công nghệ cao sẽ khó có thể chấp nhận được thực tế này.
Theo dự báo của giới chuyên gia ngành nông nghiệp, đến năm 2020, nguồn nhân lực thuộc ngành này sẽ thiếu khoảng hụt khoảng 3,2 triệu lao động đã qua đào tạo. Trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, thời kỳ của kỷ nguyên số, việc thiếu hụt một lực lượng lớn lao động qua đào tạo, hay nói cách khác lao động tay nghề cao, có trình độ thực sự là một mối quan ngại cho ngành nông nghiệp nước nhà.
Chính bởi vậy, thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm nhà quản lý cần phải hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kỹ năng, phẩm chất và thái độ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh, bởi chỉ khi nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu của thời đại mới, nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao mới có cơ sở để phát triển mạnh mẽ và bền vững.