Kinh tế

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Chưa “hút” được nhiều doanh nghiệp, vì sao?

Khanh Lê 04/04/2024 08:18

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng tầm cho sản phẩm nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn gặp không ít khó khăn.

anhbaitren(3).jpg
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính tại Hậu Giang. Ảnh: Anh Tú.

Tăng giá trị nhờ áp dụng công nghệ

Trước nhu cầu của thị trường, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Hợp tác xã (HTX) dưa lưới Thuận Phát, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang là đơn vị đầu tiên tại Hậu Giang đạt tiêu chuẩn GlobalGAP trên dưa lưới với 4 loại giống gồm: Dưa lưới mật, dưa lưới Hạ Uyển, dưa lưới TL3 và dưa lưới Huỳnh Long. Năm nay, HTX Thuận Phát dự kiến ra mắt thêm sản phẩm dưa lưới sấy nhằm nâng giá trị, tăng thêm nguồn thu cho thành viên. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Hậu Giang, đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên và tiêu biểu ở tỉnh Hậu Giang, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Có được thành quả trên, ông Võ Văn Trưng - Giám đốc HTX cho biết, năm 2020 được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện, ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 600 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng dưa lưới nhà kính theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Ngoài tiết kiệm được 80% lượng nước tưới, 50% chi phí nhân công lao động, phương pháp này còn giúp hạn chế đến 90% dịch bệnh do trồng trong môi trường nhà kính. Từ đó, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ thành công này, ông quyết định thành lập HTX dưa lưới Thuận Phát với 10 thành viên và mở rộng diện tích lên gấp 10 lần. Mỗi năm, HTX cung ứng cho thị trường hơn 200 tấn dưa lưới, lợi nhuận gần 2 tỷ đồng. Gần đây ông Trưng tiếp tục lắp thêm hệ thống kiểm tra dinh dưỡng cho cây dưa lưới. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, ông có thể quản lý được quá trình sinh trưởng và phát triển của cả vườn dù đang ở bất cứ đâu.

Tương tự, theo Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Song Đạt, huyện Thanh Trì, Hà Nội Dương Phương Mai, nhằm đưa thực phẩm "sạch - an toàn - truy xuất nguồn gốc" tới tay người tiêu dùng, công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống dây chuyền pha lóc, sơ chế tự động thịt lợn theo tiêu chuẩn châu Âu, toàn bộ hệ thống được nhập khẩu nguyên bộ và lắp đặt dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài, với công suất trên 70 tấn thịt lợn/ngày đêm. Sản phẩm chế biến dễ làm và thời gian bảo quản được lâu hơn, mang lại giá trị kinh tế cao. Để chủ động nguồn nguyên liệu, công ty đã liên kết xây dựng mô hình chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đại Áng với công suất 2.000 con và được cấp Giấy chứng nhận VietGAP chăn nuôi.

Áp dụng còn khiêm tốn

Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, giải quyết được vấn đề thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp, xử lý các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng sự ưu việt của khoa học, công nghệ. Hiệu quả đã thấy rõ nhưng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn khiêm tốn. Số liệu thống kê của Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp thuộc Bộ NNPTNT cho biết, hiện nay cả nước mới có 68 trong số hàng nghìn DN đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được công nhận là DN nông nghiệp công nghệ cao.

Thời gian qua đã có nhiều cơ chế nhằm đẩy mạnh phát triển công nghệ vào sản xuất nông nghiệp như: Quyết định 429 ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030; Quyết định 130 ngày 27/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030… Mặc dù vậy, cơ chế và chính sách khuyến khích còn chưa linh hoạt và hấp dẫn đủ để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư mạo hiểm và tín dụng. Thiếu hụt các sàn giao dịch công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và sự yếu đuối của những sàn đã có là những thách thức tiềm ẩn. Điều này góp phần làm giảm khả năng của DN nông nghiệp để áp dụng và thí nghiệm các giải pháp khoa học và công nghệ mới.

Mặc dù đã có những tiến bộ trong đầu tư vào ngành nông nghiệp, nhưng theo ông Nguyễn Xuân Bang - Giám đốc Khoa học và Giải pháp kỹ nghệ, Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, ứng dụng công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản vẫn còn tồn tại khoảng cách so với các nước khác, đặc biệt là các nước có nền kinh tế mạnh hơn.

Ông Bang dẫn chứng, cách đây hơn 10 năm, người Thái Lan đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực chế biến rau củ quả. Họ có những chuyên gia đánh giá sản phẩm cụ thể để xuất khẩu vào châu Âu. Lúc đó, Việt Nam vẫn chưa có cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực đủ để làm điều này.

“Để có thể tận dụng lợi thế cũng như nâng cao giá trị nông sản, các DN Việt cần đầu tư vào công nghệ và nguồn nhân lực, cũng như phát triển giải pháp thương mại. Việc kết hợp các yếu tố này không dễ dàng nhưng là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam” - ông Bang nhấn mạnh.

Còn theo TS Nguyễn Hải An - Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, để phát triển được nền nông nghiệp công nghệ cao, đầu tiên phải xác định thế mạnh địa phương sản phẩm chủ lực là gì, thứ hai cần chuẩn bị đầy đủ yếu tố về thị trường trên nguyên tắc sản xuất những gì thị trường cần, đồng thời tập trung vào chế biến sâu tạo ra mạng lưới phân phối rộng khắp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Chưa “hút” được nhiều doanh nghiệp, vì sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO