Nông dân ở đây chỉ còn đủ sức cầm cự được một tuần nữa. Do không thể vận chuyển, nhiều hộ nợ nần chồng chất. Nước mắt của nông dân mùa dịch, mặn chát. Người nông dân phải bán nông sản với giá “rẻ như cho”, thậm chí phải đổ đi nhưng ở một số đô thị người tiêu dùng buộc mua với giá tăng gấp 2-3 lần so với bình thường - ông Nguyễn Văn Tấn, ở xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, nói.
Lâm cảnh nợ nần vì nông sản
Ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng ấp Phú Xuân I, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An lo lắng chia sẻ: “Nông dân chúng tôi ở đây chỉ còn đủ sức cầm cự được một tuần nữa. Do không thể vận chuyển nên không có thương lái nào đến mua nông sản, nhiều hộ bị kiệt quệ, nợ nần chồng chất. Ngoài gia đình tôi, cả ấp Phú Xuân 1 hiện có nhiều hộ còn hàng chục ngàn con gà vườn bán giá lỗ vốn cũng không ai mua, trong lúc hàng ngày vẫn phải chịu nợ chi phí mua thức ăn nuôi gà. Trái cây thanh long cũng lâm vào cảnh tương tự ở khắp huyện Châu Thành này. Người trồng thanh long điêu đứng vì không tiêu thụ được, phải bỏ thanh long cho bò ăn”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đắc Nghĩa, một người trồng rau lâu năm ở xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết, Đơn Dương cũng là nơi trồng rau lớn của tỉnh, chỉ sau Đà Lạt và hiện nay rau ở huyện rất dồi dào nhưng không có thương lái thu mua. Thậm chí, không ít nhà vườn phải cày bỏ những luống rau đã cất công chăm sóc nhiều tháng.
“Gia đình tôi có 30.000 m2 trồng rau do không bán được cũng phải phá bỏ hơn một nửa, số còn lại bán cũng giá rẻ như cho. Như vậy là lỗ nặng, tiếc lắm nhưng chẳng có cách nào khác” - ông Nghĩa chua xót nói.
Gia đình ông Trần Văn Phương (xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu) cho biết, gần 10 năm trồng xoài, chưa năm nào buồn như vậy. Vụ xoài năm nay năng suất cao, nhưng dịch bệnh diễn biến phức tạp, khiến ông trở tay không kịp, ước tính thiệt hại khoảng 85%.
Với 2 ha trồng các loại xoài Thái, cát Hòa Lộc và Đài Loan, sản lượng ước đạt khoảng 25 tấn, đầu vụ đã tiêu thụ được 5 tấn, số còn lại đến nay không ai mua, nên xoài rụng đầy vườn. Hiện tại vườn, giá xoài Đài loan, xoài ghép chỉ 1.500 đồng/kg, cát Hòa Lộc đang có giá chỉ 12.000 đồng/kg, giảm gần 10.000 đồng/kg so với năm ngoái.
“Giá rẻ chạm đáy nhưng thương lái cũng không mua. Nếu thuê nhân công thu hoạch mất 250 ngàn đồng/người/ngày, tiền bán xoài không đủ bù chi phí bỏ ra. Hiện chúng tôi chỉ có thể hái để bán lẻ ngoài chợ, những với hàng chục tấn như vậy thì cũng không thấm vào đâu. Nhìn xoài rụng chín đầy gốc mà bất lực” - ông Phương than thở.
Nhiều chợ đầu mối bị đóng cửa
Hàng nông sản của người dân làm ra bán không được nhưng tại TP HCM hay tỉnh Bình Dương, rau và trái cây rất khan hiếm, điều này đã khiến giá cả tăng một cách khủng khiếp. Khi các chợ đầu mối lần lượt bị đóng cửa, các tiểu thương, đại lý chỉ còn cách tìm mua ở các địa điểm gần chợ. Tuy nhiên, các điểm bán này cũng không có nhiều.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết ở khu vực gần chợ đầu mối Thủ Đức, TP HCM (đoạn ngay cầu vượt Ngã Tư Bình Phước) chỉ có khoảng 3 điểm bán trái cây, được đặt trong nhà dân. Trong khi đó có khoảng 5 điểm bán rau nhưng vì vỉa hè được chắn bằng hàng rào thép gai xoắn nên người bán chỉ đứng phía trong rào, ai tới mua thì đem từ nhà ra giao cho khách.
Mặc dù đây được các tiểu thương xem là điểm thay thế chợ đầu mối trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 như do số người bán ít và lượng hàng không nhiều nên giá cả được “thổi” lên rất cao. Chẳng hạn dưa hấu có giá bán sỉ 320.000đồng/thùng (20kg), trong khi ngày thường tại chợ đầu chỉ báo với giá 160.000 đồng/thùng; chôm chôm Thái có giá 23.000 đồng/kg, ngày thường chợ đầu mối 10.000 đồng/kg; bắp cải bán lẻ khoảng 35.000 đồng/kg (tăng 25 ngàn đồng/kg so với ngày thường); rau muống 40.000 đồng/kg (tăng gấp 3 lần so với ngày thường)…
Vài ngày qua, giá rau củ quả và một số mặt hàng ở các chợ truyền thống tại thị xã Bến Cát, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cũng tăng gấp 2 đến 3 lần. Nguyên nhân theo các tiểu thương, nguồn hàng ở chợ đầu mối tại TP HCM không có. Trong khi đó, giá hàng tại chợ đầu mối ở Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một tăng đột biến. Cụ thể giá bí, dưa leo, khoai tây từ 12.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg. Giá bắp cải từ 10.000 tăng lên 30.000 đồng/kg...
Các tiểu thương lý giải, do hàng hiếm, phải lấy giá cao nên cũng phải tăng giá để đảm bảo chi phí nhưng không ít người tiêu dùng cho rằng, tiểu thương lợi dụng tình hình tăng giá bán. Anh Nguyễn Văn Chung, một tiểu thương gần khu chung cư Marina Tower (phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), kể: “Ngay sau khi khu vực bị phong tỏa bởi có ca nhiễm dịch Covid-19, cửa hàng tôi đã bị một khách hàng hiểu nhầm đưa lên mạng “bóc phốt” rằng, “buổi sáng vợ bán một giá, buổi chiều chồng bán một giá, mọi người tránh xa cửa hàng này nhé”.
Anh Chung cho biết, vì trứng mua buổi sáng là hàng đã được lấy trước đó với giá thấp nhưng khi có thông tin giãn cách theo Chỉ thị 16, đồng thời khu vực bị phong tỏa trứng cũ đã được bán hết. Liền sau đó nhập trứng mới với giá tăng lên rất nhiều, nên buộc phải bán giá cao hơn.
Nhiều tiểu thương cho biết, hầu hết các mặt hàng nông sản trong thời gian này đều tăng giá đầu vào và khan hiếm, nhiều khách hàng cũng biết để thông cảm nhưng có không ít người trách rằng “bán lẻ chém đẹp trong mùa dịch”.