Dịch bệnh Covid-19 khiến các giao dịch thương mại truyền thống bị tắc nghẽn. Đối với nông sản Việt, việc tiêu thụ vốn đã khó khăn, trong bão dịch càng khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, sàn thương mại điện tử (TMĐT) được coi là “phao cứu sinh”, giải tỏa các tắc nghẽn trong giao thương hàng hóa, trong đó có nông sản.
Vải thiều Thanh Hà “vào” Lazada
Ngày 14/5, trái vải thiều Thanh Hà của Hải Dương chính thức lên sàn TMĐT Lazada. Đây là lần đầu tiên, trái vải thiều, đặc sản của tỉnh Hải Dương bước chân lên kênh bán hàng online. Đại diện Lazada cho biết, dự kiến sẽ phân phối vải thiều Thanh Hà với hình thức giao hàng nhanh trong 4 giờ đến tận tay người tiêu dùng tại Hà Nội và TP HCM để đảm bảo tối đa sự tươi ngon và hương vị đặc trưng của loại đặc sản này.
“Sau vải Thanh Hà, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại, cùng các đối tác và địa phương khác để đưa thêm nhiều đặc sản Việt Nam lên nền tảng TMĐT. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và mở thêm một kênh kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà bán hàng Việt”, ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam cho hay.
Được biết, sau khi vải thiều Thanh Hà Hải Dương được đưa lên sàn TMĐT, lượng vải được chào bán đã nhận được hàng loạt đơn đặt hàng của người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Hồng Tươi (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết vải thiều là một trong những món sở trường của chị, mùa vải hàng năm, trong tủ lạnh nhà chị Tươi không lúc nào thiếu sản phẩm này, tuy nhiên, chị Tươi bày tỏ: “Do dịch bệnh nên đang rất e ngại việc trực tiếp đi đến các chợ, siêu thị để mua món đặc sản mình ưa thích, thế nhưng giờ trái vải được bán online, tôi có cơ hội mua hàng mà không phải đến tận nơi như trước đây, sẽ giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh”.
Nhiều người tiêu dùng cũng bày tỏ niềm vui khi có thể mua đặc sản vải thiều Thanh Hà Hải Dương trên kênh bán hàng trực tuyến, và không chỉ sản phẩm vải thiều, nhiều sản phẩm nông sản Việt khác cũng bắt đầu được chuyển từ kênh bán hàng truyền thống sang kênh trực tuyến góp phần giúp cho giao dịch mua - bán các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng được thuận lợi, nhanh chóng hơn. Không chỉ là lời giải hữu hiệu cho việc tiêu thụ nông sản, sàn thương mại điện tử còn là chiếc “phao cứu sinh” của bà con nông dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn hoành hành phức tạp trong thời gian qua.
Kênh phân phối bền vững
Trước đó, sản phẩm hành tím của huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cũng đã được đưa lên sàn giao dịch TMĐT. Theo Cục Xúc tiến thương mại, chỉ sau 10 ngày được đưa lên kênh bán hàng trực tuyến “Gian hàng Việt” (từ ngày 5/5 -15/5/2021), 30 tấn hành tím của bà con nhân dân huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã nhận được lượng đơn đặt hàng lên tới 10.000 đơn.
Theo báo cáo từ sàn TMĐT Voso.vn (kênh bán hàng trực tuyến), lượng đơn hàng vẫn tăng lên hàng ngày, trung bình tiêu thụ từ 3 - 5 tấn/ngày. Hiện tại, chương trình vẫn đang được sàn thương mại điện tử Voso.vn phân phối với mức giá ưu đãi cho người mua và hỗ trợ phí vận chuyển. Ước tính sau khi kết thúc chương trình vào cuối tháng 5/2021 sẽ có khả năng hỗ trợ tiêu thụ khoảng 150 tấn hành tím cho bà con Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Nhận định về các kênh tiêu thụ nông sản trực tuyến đang được triển khai mạnh mẽ thời gian qua, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương.
Bên cạnh đó, hoạt động này sẽ góp phần nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đặc biệt khuyến khích tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
“Giải cứu” nông sản nói chung, hay TMĐT đã không còn là câu chuyện mới. Tuy nhiên, việc giải cứu dù là trên kênh nào cũng chỉ là giải pháp tạm thời trong bối cảnh dịch bệnh hay những tình huống biến động khó lường.
Với việc đưa các sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, đây sẽ là một kênh giao dịch thương mại hiệu quả song song với kênh phân phối truyền thống giải quyết bài toán khó về tìm đầu ra cho nông sản Việt, gây đau đầu ngành nông nghiệp suốt thời gian dài qua.
TMĐT đang dần trở thành một kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả giúp bà con nông dân, hợp tác xã cũng như các doanh nghiệp nông nghiệp Việt hướng tới sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số và ứng dụng TMĐT trong sản xuất kinh doanh.