Điệp khúc “được mùa, mất giá”, “trồng - chặt” lâu nay là chuyện không mới với người nông dân và đang có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng hơn. Thế nhưng việc thay đổi thói quen sản xuất của người nông dân trước ngưỡng cửa hội nhập vẫn đang là thách thức với chính họ và cả các cấp chính quyền địa phương.
Nông dân ngồi ngán ngẩm bên núi dưa ế đọng.
Thành thông lệ, cứ đến chính vụ không riêng gì những người trồng dưa tại tỉnh Gia Lai mà nhiều nông dân ở ta lại cùng chung một nỗi lo tìm đầu ra cho nông sản. Điệp khúc “được mùa, mất giá” rồi “trồng chặt” đang là căn bệnh của ngành nông nghiệp chưa có thuốc chữa thì những ngày qua, dư luận lại “nóng” việc hàng nghìn tấn dưa của nông dân tỉnh Gia Lai đến vụ thu hoạch lại lâm cảnh ứ thừa.
Ông Phạm Văn Lập (P. An Phú, thị xã An Khê than thở: “Tưởng năm nay được mùa thì 2 đợt gió làm trái bị hư hại, không đạt chất lượng. Giờ bán chỉ với giá dưới 1000/kg “dưa tuyển”, còn “dưa bi” thì coi như bỏ rồi. Vớt vát được chút gì thì vớt vát thôi”.
Vậy nên, người nông dân vẫn mãi loay hoay với miếng cơm manh áo, chứ chẳng mơ đến chuyện làm giàu. Mặc dù, thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp... đã tích cực tham gia việc “giải cứu” các mặt hàng nông sản như hành tím, dưa hấu, tỏi... giúp nông dân tiêu thụ với giá bảo đảm có lời và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá tốt nhất. Tuy nhiên, không thể cứ trông chờ vào “lòng hảo tâm” của mọi người và đó chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết phần ngọn vấn đề.
Chưa hết “nóng” chuyện dưa hấu thì nhiều nông dân huyện Mang Yang (Gia Lai) lại đổ xô chặt bỏ cà phê để chạy theo cây chanh dây - một loại cây siêu lợi nhuận nhưng chưa có được thị trường tiêu thụ ổn định. Theo tính toán của người nông dân, với giá cà phê hiện chỉ 30.000/kg người trồng cà phê cầm chắc lỗ nặng. Trong khi, giá chanh dây hiện nay 20.000đ/kg và chỉ mất 6 tháng là cho thu hoạch, khi đến vụ chỉ hai ngày hái một lần. Tính ra trồng chanh dây lời gấp bốn lần cây cà phê đã và đang hút người dân từ bỏ cây cà phê trồng chanh dây.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận đinh, việc người dân phát triển tự phát cây chanh dây có nguy cơ rủi ro rất cao vì không có thị trường và giá cả ổn định. Để phát triển ổn định, giảm thiểu rủi ro việc phát triển cây chanh dây cần gắn liền với công nghiệp chế biến. Trước việc người dân địa phương ồ ạt phá bỏ cà phê trồng chanh dây, lãnh đạo huyện Mang Yang đang tỏ ra hết sức lo ngại và ra văn bản khuyến cáo. Chưa biết giá chanh dây trong tương lai thế nào nhưng việc ồ ạt trồng chanh dây, người nông dân lại tiếp tục đi vào cái “vòng luẩn quẩn” của nhiều loại cây trồng khác như ca cao, cao su...
Tại Hội thảo, ngành nông nghiệp trước những thách thức và cơ hội khi gia nhập TPP vừa được tổ chức tại tỉnh Gia Lai. Ông Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam cho rằng: Nếu nông dân cứ sản xuất theo hướng đại trà, thích gì trồng nấy, không theo quy trình tiêu chuẩn nào thì khó có thể gia tăng giá trị sản phẩm và khó chen chân vào các thị trường khác lớn khi hàng hóa của chúng ta đang phải cạnh tranh khốc liệt từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Để không còn chịu cảnh được mùa rớt giá, theo ông Lượng rất cần hình thành nên lối tư duy mới cho nông dân. Từ bỏ cách trồng trọt tự phát theo kiểu phong trào. Bên cạnh đó, nhà vườn nên tham gia vào các hợp tác xã nông nghiệp, các hội nông dân sản xuất… để được hướng dẫn sản xuất theo kỹ thuật cao và có cơ hội bán hàng trực tiếp cho các nhà phân phối, bảo đảm đầu ra cho nông sản.