Ngày 22/9, lễ xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) diễn ra tại An Giang.
Sự kiện đặc biệt này đã chính thức mở ra một chặng đường mới cho hạt gạo cũng như nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên hành trình của các doanh nghiệp sang EU cũng không hề đơn giản.
EVFTA - chìa khóa cho nông sản Việt vào EU
Lần này, tổng lô hàng 126 tấn gạo thơm được Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu sang EU là giống Jasmine 85. Để vào được thị trường EU, Tập đoàn Lộc Trời đã mất nhiều năm xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời thông tin: Để chuẩn bị cho những bước đi dài hạn, Tập đoàn đã đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng lúa gạo, bao gồm cả khâu sản xuất và chế biến. Tất cả đều đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng.
Như vây, qua 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đi EU đạt trên 15.800 tấn, với giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD, trong khi từ ngày 4/9 đến ngày 17/9 đã có 6 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng xấp xỉ 4.300 tấn gạo thơm. Xuất khẩu gạo từ nay đến hết năm dự kiến tiếp tục tăng cho dù chịu tác động từ dịch Covid-19. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 6,4-7 triệu tấn gạo tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu trên 6,3 triệu tấn với trị giá đạt khoảng 2,8 tỷ USD. 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 4,6 triệu tấn với giá trị trên 2,25 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), trong 8 tháng đầu năm, đã có hàng nghìn container gạo Việt Nam được xuất đi, nhưng chỉ có 3 lô hàng bị trả lại. Chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Tại sự kiện này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: EVFTA là chìa khóa để các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng, với 27 quốc gia thành viên, hơn 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD là thị trường lớn có mức thu nhập cao. Với EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm nhằm giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm.
Làm gì để tránh những “cuộc chiến” pháp lý?
Cùng với đó, trước một thị trường khó tính trên 500 triệu dân, vấn đề đặt ra với nông sản Việt Nam là làm thế nào để vượt qua những hàng rào kỹ thuật nhằm tránh những cuộc chiến pháp lý có thể xảy ra.
Nhìn lại năm 2019, ngành nông nghiệp xuất khẩu hơn 40 tỷ USD, trong đó nhiều nhóm hàng lớn như rau quả 3,75 tỷ USD, thủy sản đạt 8,54 tỷ USD, gạo 2,7 tỷ USD..., tuy nhiên, tỷ trọng xuất của các nhóm hàng này vào EU vẫn còn rất khiêm tốn. Trong đó, thủy sản xuất sang EU không những không tăng mà còn giảm 13,09%, trị giá 1,247 tỷ USD và chiếm tỷ trọng trên 14,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, có không ít lô hàng thực phẩm, rau quả và thủy sản của Việt Nam bị giám sát do không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí bị trả về.
Ví dụ: Tây Ban Nha từ chối nhập khẩu 8 lô hạt hạnh nhân có xuất xứ từ Australia và được chế biến tại Việt Nam do chứa chất aflatoxin vượt mức cho phép; Pháp cảnh báo 1 lô hàng cá ngừ từ Việt Nam nhiễm chất cấm nghiêm trọng....Việt Nam nằm trong nhóm các nước có số trường hợp bị cảnh báo và trả hàng về từ châu Âu nhiều nhất. Nguyên nhân do những lô hàng này không đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU, chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm.
Những hạn chế đó cho thấy, dù ngay sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất 0% như cà phê, tôm nước lợ, rau quả, hạt tiêu, mật ong tự nhiên… Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là xuất khẩu có thể bật tăng thần kỳ nhờ thị trường EU rộng cửa nhập nông sản Việt ồ ạt. Nói cách khác, EVFTA chỉ mở đường cho sản phẩm hàng hóa đủ tiêu chuẩn chất lượng, vượt qua các điều kiện kiểm dịch ngặt nghèo cụ thể với từng mặt hàng để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Do đó, cần nhìn nhận những thách thức đặt ra tại EVFTA. Nếu không nâng được chất lượng hàng xuất khẩu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của EU, nhất là vấn đề truy xuất nguồn gốc, chất lượng, doanh nghiệp khó mà tận dụng được các ưu đãi từ thị trường này.
Chủ động nhưng không chủ quan
Khi triển khai EVFTA, ở khía cạnh nông nghiệp, tinh thần của Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường là chủ động nhưng không chủ quan. Không được xem ưu đãi về thuế quan là màu hồng vì đó chỉ là nhưng thuận lợi trước mắt. Chúng ta cần tìm cách vượt qua được hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trước tiên, các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm không chỉ là VietGAP mà phải nâng lên GlobalGAP. Đấy là những thách thức tự nhiên, khi nông sản Việt muốn chinh phục thị trường có GDP lên đến 18.000 tỷ USD.