Nông thôn mới không chỉ là bê-tông hóa

Trần Duy Hưng 02/06/2016 09:05

Theo thống kê sơ bộ, khoản nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương trong cả nước, tập trung ở một số tỉnh phía Bắc hiện đã lên tới trên 10.000 tỷ đồng (tương đương mức thu ngân sách một năm của một tỉnh thuộc nhóm khá, 2-3 tỉnh ở nhóm trung bình); nhiều xã nợ tới trên dưới 10 tỷ đồng…

Những trận mưa lớn vừa qua đã khiến nông dân trồng dưa ở xã Nam Dương (Nam Trực-Nam Định) thất thu.

Đứng trước ruộng dưa lê héo rũ, vợ chồng ông Bội (nông dân thôn Bái Dương, xã Nam Dương, Nam Trực, Nam Định) như chết đứng. Chỉ còn vài ngày nữa dưa sẽ được thu hoạch. Như giá bán hiện thời, 9-10.000 đồng/kg, bỏ rẻ vợ chồng ông cũng thu được 7-8 triệu đồng/sào. Trừ chi phí khoảng 2 triệu, ông Bội cũng kiếm được 5-6 triệu đồng, gọi là lấy công làm lãi. Nhưng trận mưa lớn vài hôm trước đã khiến vợ chồng ông Bội cũng như nhiều người trồng dưa khác ở Bái Dương lâm cảnh miếng ăn đến miệng còn mất. Vì sao?

Ngán ngẩm, ông Bội than rằng, làm nông dân đến gần hết đời ông vẫn chưa thoát khỏi tâm thế của “người đánh bạc”. Đánh bạc, như lời ông và như những gì vừa xảy ra trên ruộng dưa của ông, trước hết là với thời tiết. Chỉ một trận mưa, bao nhiêu công chăm sóc, vốn liếng đầu tư, niềm hy vọng một vụ dưa được mùa đã bị mất trắng, tắt lịm.

Không phải chỉ có lần này, với cây dưa, trước đó, trong cuộc đời làm nông dân dài dằng dặc của mình, ông Bội cũng như nhiều nông dân ở địa phương nổi tiếng với nghề thâm canh rau màu, đủ loại không thể nhớ nổi đã bao nhiều lần phải đứng trên đồng làng “nuốt nước mắt vào trong” vì bất lực trước sự thất thường của thời tiết, nói như lời các ông là “Giời không thương”…

Không chỉ phải đánh bạc với thời tiết, theo nông dân Bái Dương, nhiều năm nay họ còn phải đánh bạc với thị trường. Theo nghĩa, mất bao nhiêu công chăm sóc, tưới tắm, sản lượng thu được cũng rất lớn nhưng chưa chắc họ đã có thu mà còn phải phụ thuộc vào việc có bán được sản phẩm hay không, bán với giá như thế nào?

Như thực tế thường diễn ra ở đây thì việc này rất thất thường. Năm được mùa thì mất giá, năm được giá thì mất mùa, tất nhiên cũng có năm được mùa được giá. Nguyên nhân của tình trạng này, như chính người dân địa phương đúc kết: tuy là một vựa rau lớn nhưng đến nay ở đây vẫn chưa hình thành được một chuỗi liên kết trong sản xuất, nhất là trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Theo đó, nông dân ở đây vẫn phải tự lo đầu ra, chủ yếu bằng việc dùng xe thồ, xe máy mang sản phẩm đi tiêu thụ quanh vùng. Bằng cách này, họ không thể tự giải quyết một cách bền vững vấn đề đầu ra cho sản phẩm rau màu của mình. Gặp khi ế ẩm, rau màu không tiêu thụ được hoặc phải bán với giá rẻ mạt họ lâm cảnh thất thu dù vẫn rất được mùa, dù trước đó đã đổ quá nhiều mồ hôi…

Liên quan đến “canh bạc” của nông dân Bái Dương, rộng hơn là câu chuyện sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết của nông dân nhiều địa phương hiện nay là câu chuyện nợ đọng xây dựng cơ bản khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang rộ lên trong mấy ngày qua.

Theo thống kê sơ bộ, khoản nợ đọng này của các địa phương trong cả nước, tập trung ở một số tỉnh phía Bắc hiện đã lên tới trên 10.000 tỷ đồng (tương đương mức thu ngân sách một năm của một tỉnh thuộc nhóm khá, 2-3 tỉnh ở nhóm trung bình); nhiều xã nợ tới trên dưới 10 tỷ đồng…

Nợ, khi có “công to việc lớn” thiết nghĩ là việc thường tình. Vấn đề là các nguồn lực, trong đó có cả tiền đi vay đã được sử dụng như thế nào, vào mục đích gì? Nhìn tổng thể thì không khó nhận ra 5 năm qua nhiều địa phương đã sử dụng các nguồn lực huy động được chủ yếu cho việc xây dựng cơ bản; tập trung vào những công trình như trụ sở xã, trường học, đường giao thông, khu xử lý rác thải…

Theo đó, với một lượng lớn tiền của, công sức đổ vào tập trung trong 5 năm qua, “mặt tiền” của nhiều làng quê đã thay đổi hẳn. Trụ sở nhiều xã to đẹp hơn, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa nhiều hơn; nhà văn hóa xóm, nhà văn hóa xã mọc lên nhiều hơn; đường ra đồng cũng được mở rộng hơn.

Và theo kết quả đã công bố đến nay đã có khá nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới, như ở Nam Định có hơn 50%, ở Thái Bình có hơn 60% số xã đã đạt chuẩn; cả nước cũng có tới 23 huyện đã đạt chuẩn “huyện nông thôn mới”…

Nhưng đã thực sự là nông thôn mới chưa khi mà hạ tầng mới chỉ là một nửa câu chuyện về nông thôn mới? Mục tiêu tổng quát Nghị quyết Trung ương 7, khóa 10 về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đề ra là “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ…”.

Theo đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, nhất là nông dân là một trong những mục tiêu quan trọng của xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc phát triển thêm ngành nghề, tạo thêm việc làm, xã hội kỳ vọng qua xây dựng nông thôn mới, khu vực nông nghiệp sẽ hình thành được những mô hình, phương thức sản xuất tiên tiến, có sự liên kết; giúp nông dân nâng cao thu nhập, yên tâm sản xuất, gắn bó với đồng ruộng, làng quê của mình.

Vậy nhưng, nhìn vào thực tế sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương hiện nay, thì thấy mục tiêu này vẫn chưa được hiện thực hóa nhiều sau 5 năm Chương trình được triển khai. Thực tế là, đến nay, hầu hết nông dân các địa phương, nhất là ở miền Bắc, miền Trung vẫn đang “chung thủy” với phương thức sản xuất nông nghiệp cũ, nhỏ lẻ, manh mún và lạc hậu.

Ngoài việc một số địa phương thực hiện được “dồn điền đổi thửa”, qua đó giảm được số thửa trên hộ thì chưa có nhiều sự đột phá về mô hình, phương thức sản xuất, vẫn thiếu vắng sự liên kết, nhất là thiếu vắng bóng dáng doanh nghiệp trên đồng ruộng, trong khi việc chuyển đổi của các HTX từ kiểu cũ sang kiểu mới rất khó khăn, trầy trật…

Điều này đã lý giải tại sao, gần cuối cuộc đời làm nông dân và sau 5 năm được biết đến phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Bội cũng như nhiều nông dân khác vẫn phải than rằng mình chưa thoát ra được tâm thế của “người đánh bạc”?

Lý giải tại sao một bộ phận nông dân ở nhiều địa phương không còn thiết tha, bỏ ruộng bỏ đồng. Suy cho cùng, nông thôn mới là gì ngoài việc ở đó người dân nông thôn, nhất là nông dân yên tâm, gắn bó, không muốn và không cần phải rời bỏ làng quê, đồng ruộng của mình!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông thôn mới không chỉ là bê-tông hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO