Nóng với sai phạm

H.Vũ 14/08/2018 07:30

Ngày 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến. Hai Bộ trưởng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến quản lý của ngành, đồng thời đưa ra các giải pháp trong thời gian tới.

Nóng với sai phạm

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp.

Vũ “nhôm” là bài học đắt giá trong công tác cán bộ

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, vừa qua cử tri bức xúc trước nhiều một số vụ việc phạm tội có tổ chức liên quan đến một số sỹ quan công an. Vụ Vũ “nhôm” là vụ điển hình thể hiện sự lợi dụng chức vụ để phạm tội, trục lợi. Sau vụ việc này, Bộ có rà soát và còn kiểu Vũ “nhôm” hay không? Giải pháp nào để tránh tình trạng kiểu Vũ “nhôm” thời gian tới?

Còn ĐB Quách Thế Tản (Hòa Bình) nói: Tội phạm sử dụng công nghệ cao được phát hiện ngày càng nhiều. Một số vụ việc lợi dụng chức vụ quyền hạn của cán bộ cấp cao ngành công an gây bất bình trong nhân dân. Cụ thể là đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng vừa qua. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng này?

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, tội phạm có tổ chức liên quan đến ngành công an như vụ Vũ “nhôm” liên quan đến 5 vụ án, và hiện đã xử 1 vụ, và liên quan đến 2 tướng trong ngành, từng là lãnh đạo Bộ. Đây bài học lớn trong công tác quản lý cán bộ, đã hình thành tổ chức “bình phong” để tạo thuận lợi cho vi phạm pháp luật. Đây là bài học đắt giá, không để những người lợi dụng tổ chức để vi phạm pháp luật cho nên ngành đã rà soát và chấn chỉnh không tiếp tục để xảy ra vụ Vũ “nhôm”.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, việc đấu tranh với vụ án cờ bạc trên mạng được Bộ tập trung đấu tranh trong thời gian dài, cho thấy có liên quan đến cán bộ trong ngành. “Đây thực sự là bài học xương máu, nguyên nhân là do cán bộ không chịu rèn luyện thường xuyên, bị đồng tiền cám dỗ. Mảng công nghệ cao không phải lực lượng nào cũng nắm rõ nên có sự lợi dụng để bảo kê. Cho nên khi vụ việc được phát hiện chúng tôi đã có các biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm”- Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Còn ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng, theo quy định của pháp luật nhận tài sản của người khác hơn 1 triệu đồng được coi là chiếm đoạt tài sản nhưng hiện nay có việc chiếm giữ hàng tỷ đồng như chiếm giữ quỹ bảo trì chung cư có giá trị rất lớn, trong đó có các doanh nghiệp của Bộ Công an. Vậy loại tội phạm này có thuộc điều tra truy tố của Bộ Công an hay không? Khi nào khởi tố? Và doanh nghiệp của Bộ Công an có nằm trong diện khởi tố của Bộ Công an hay không?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, đây là loại tội chiếm đoạt tài sản. “Các doanh nghiệp trong ngành cũng bị xem xét, xử lý như các doanh nghiệp khác, không có ngoại lệ, sẽ xử lý triệt để chứ không có vùng cấm”- Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Lắp camera để xử lý tội phạm

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, tình trạng tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Có vụ đối tượng hành động dã man như vụ 2 hiệp sĩ tại TP Hồ Chí Minh bị sát hại. Vậy giải pháp của Bộ trưởng như thế nào để bảo đảm cuộc sống của người dân? Mô hình hiệp sĩ đường phố có nên nhân rộng hay không? Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của bộ?

Nóng với sai phạm - 1

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, thống kê tại 5 thành phố lớn cho thấy số lượng vi phạm hình sự chiếm 25% các vụ án hình sự trên phạm vi toàn quốc. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm 20%, trong đó hiện TP Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước về các vụ trộm, cướp nên gây bức xúc trong xã hội. Qua thống kê trong 6 tháng đầu năm tại TP Hồ Chí Minh xảy ra 2005 vụ, giảm 11% so với năm 2017. Hiện TP Hồ Chí Minh đủ lực lượng và biện pháp để đấu tranh với loại tội phạm này.

Đưa ra giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ sẽ tham mưu cho chính quyền các cấp phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị, tuyên truyền cho người dân cảnh giác; làm tốt quản lý các đối tượng tại cơ sở; tăng cường kiểm tra, khẩn trương điều tra các vụ án, trong đó có tội phạm ma túy vì đây là nơi của nhiều loại tội phạm cho nên ngành đã triệt phá nhiều vụ án ma túy, hay đấu tranh với tội phạm tín dụng đen. Nhiều tụ điểm chơi cờ bạc, bắn cá ở các thành phố nảy sinh trộm cắp Bộ đã tăng cường lực lượng để đấu tranh, đồng thời lắp đặt camera tại các nơi đông người để xử lý các tội phạm tại các thành phố lớn.

Liên quan đến những gian lận xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 mà ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt ra, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đã phối hợp công an địa phương khởi tố 3 vụ án với tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, đối tượng vi phạm đều là người tham gia chấm thi, quản lý bài thi và có vi phạm cho nên đây là hoạt động lợi dụng chức vụ quyền hạn. Đây là thủ đoạn mới đã được phát hiện, kỳ thi trước cũng có gian lận nên Bộ đã phối hợp cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa phương án để tránh bị lợi dụng. Đề cập đến giải pháp, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, cần quy trình quản lý các khâu, tránh sơ hở bị lợi dụng. Còn riêng Bộ có kiểm tra, giám sát, kể cả sử dụng biện pháp kỹ thuật.

Giải pháp nào để thoát “lõi nghèo”?

ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu để đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn cao, thu nhập bình quân thấp so với bình quân của cả nước. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền. “Đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của Uỷ ban Dân tộc? Giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?”- ông Lợi nêu.

Nóng với sai phạm - 2

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Còn ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng, hiện nay nhiều chủ trương chính sách để thoát nghèo nhưng có nhiều nơi không giảm nghèo được, hay còn gọi là “nghèo bền vững”. Vậy giải pháp nào? Chưa kể không có đất sản xuất trông chờ ỉ lại vậy giải pháp trong thời gian tới? Theo ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) hiện các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang là những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao, 40% là hộ nghèo, vậy giải pháp nào để giải quyết lõi nghèo này?

Trả lời, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, đây là vấn đề day dứt, trăn trở của nhiều lãnh đạo và chính bản thân ông. Trong số hộ nghèo thì có 52,66% là đồng bào dân tộc. Thu nhập bình quân chỉ được 7-8 triệu/người/năm với nhiều nhóm dân tộc ở nhiều vùng, bằng 1/5 cả nước. Đề cập đến giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, cần phát triển đồng bộ hạ tầng như giao thông và thông tin là điều hết sức quan trọng. Đặc biệt, phát triển nguồn nhân lực và giáo dục đào tạo khu vực miền núi. Bên cạnh đó là tạo sinh kế, trong đó quan trọng là ổn định dân cư, tuyên truyền để bà con tự lực, tự vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Đồng thời cần tích hợp các chính sách thành chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung chỉ đạo, nguồn lực, mục tiêu cụ thể và tiêu chí đánh giá.

Về chính sách, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cũng thừa nhận, về tổng thể chính sách bao phủ hầu hết các mặt từ y tế, văn hoá giáo dục, hạ tầng, sinh kế. Tuy nhiên, chưa đạt hiệu quả vì chỉ có chính sách khung, chưa xác định rõ nguồn lực, có chính sách chưa cân đối hoặc cân đối thấp. Do đó, theo Bộ trưởng, cần phải có một nghiên cứu tầm quốc gia về chính sách dân tộc miền núi để 14 triệu người dân tộc thiểu số có chính sách tốt hơn. Nếu tích hợp các chương trình thành 1 chương trình mục tiêu quốc gia và do 1 Phó Thủ tướng điều hành sẽ tránh được sự chồng chéo. “Phải ở tầm như thế mới đủ sức mạnh, đáp ứng được sự mong đợi của đồng bào dân tộc thiểu số”- Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nói.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, nên dồn thành một chương trình bởi hiện quá nhiều chính sách. Là người từng đề xuất gộp thành một chính sách, Bộ trưởng Dũng nói: “Trung ương nói lồng ghép nhưng địa phương cũng khó thực hiện, gây lãng phí nguồn lực. Sự phối hợp bộ ngành có khá hơn nhưng nhiều nội dung còn lúng túng, nhất là tổ chức thực hiện ở địa phương”.

Trung ương chuyển biến tích cực, địa phương bắt đầu có chuyển biến

Theo ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam), tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ gây thiệt hại rất lớn trong khi tỷ lệ thu hồi tài sản có chuyển biến tích cực nhưng chưa cao. Nguyên nhân nào dẫn đến thu hồi tài sản đạt không quá 50%? Và giải pháp nào giải quyết triệt để tình trạng trên?

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, đấu tranh chống tham nhũng thời gian qua có sự chuyển biến rất tích cực, nhưng chủ yếu ở Trung ương, còn ở địa phương có bắt đầu chuyển biến. Thu hồi tài sản có tiến bộ, có vụ án thu được gần 50% nhưng còn gặp nhiều khó khăn như vụ án xảy ra lâu, đối tượng tinh vi, có sự chuyển hoá về tài sản cho nên Bộ sẽ tiếp tục tháo gỡ để nâng cao hiệu quả đấu tranh.

Nhiều đối tượng được thế lực thù địch thuê tiền để biểu tình gây rối

ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai): Vừa qua thế lực thù địch lợi dụng một số sự kiện như sự cố môi trường Formosa, Dự án Luật về đặc khu để kích động, lôi kéo biểu tình, bạo loạn chiếm trụ sở cơ quan công quyền, gây thiệt hại lớn về tài sản và làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp ngăn chặn, trừng trị để không để xảy ra vụ việc tương tự?

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết từ những vụ việc vừa qua đã phát hiện nhiều đối tượng hình sự trong đó có nghiện ma túy, bị nhiễm HIV được các thế lực phản động chống phá thuê mướn để tham gia biểu tình với số tiền từ 200.000- 400.000 đồng/ngày, sau đó kích động lôi kéo người dân đi biểu tình gây bức xúc trong nhân dân. Do đó, lực lượng Công an đã nắm tình hình, tiếp tục đấu tranh làm thất bại âm mưu của thế lực thù địch cũng như triển khai hiệu quả các phương án bảo đảm an ninh, an toàn. Bên cạnh đó cần tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân hiểu đúng, không để bị kích động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nóng với sai phạm