Nốt lặng trong lòng hồ Kẻ Gỗ

Hạnh Nguyên 30/05/2016 14:05

Cách đây hơn 40 năm, công trình đại thủy nông hồ Kẻ Gỗ chính thức được phát lệnh khởi công. Và rồi, chỉ 3 năm sau đó, công trình đã đưa nước về tắm mát cho hàng nghìn ha đất đai khô cằn, thỏa lòng mong mỏi của biết bao người dân nghèo ở mảnh đất “nắng nẻ trời” – Hà Tĩnh. Hơn 4 thập kỷ đã trôi qua, hồ Kẻ Gỗ chưa bao giờ ngưng nghỉ sứ mệnh làm giàu cho đời. 

Một góc hồ Kẻ Gỗ.

Giải khát giấc mơ xanh

Cách đây hơn nửa thế kỷ trở về trước, khi chiến tranh còn khốc liệt, hàng nghìn người nông dân nghèo ở các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) vẫn ngày đêm khát khao, kỳ vọng về một công trình thủy lợi nhằm chủ động cấp nước cho lúa, hoa màu, cho sinh hoạt hằng ngày, tránh được các trận lũ, ngập úng triền miên, mùa màng được thịnh vượng. Giấc mơ xanh ấy của người dân chỉ được “giải khát” khi công trình đại thủy nông hồ Kẻ Gỗ ra đời.

Tìm gặp ông Đào Văn Tinh, Chủ tịch Hội TNXP tỉnh Hà Tĩnh, nguyên là Giám đốc Ty Thủy lợi Hà Tĩnh, ông là một trong những người đầu tiên đi xây Hồ Kẻ Gỗ, chúng tôi mới biết hồ Kẻ Gỗ vốn được “thai nghén” từ thời Pháp thuộc.

Đến ngày 23/12/1974, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn “nước rút”, Chính phủ đã ra Quyết định số 318/TTG phê duyệt nhiệm vụ xây dựng hồ chứa nước Kẻ Gỗ ở xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Đầu năm 1976, việc sáp nhập hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh thành Nghệ - Tĩnh là thời cơ chín muồi để thực hiện mục tiêu quan trọng là xây dựng công trình thủy nông mang tầm quốc gia – Hồ Kẻ Gỗ. Ngày 26/3/1976, được sự phê duyệt của Chính phủ, sự thống nhất của Bộ Thủy lợi và tỉnh Nghệ - Tĩnh, công trình đã chính thức được phát lệnh khởi công đúng vào ngày truyền thống của tuổi trẻ Việt Nam.

“Lúc đó có khoảng 60.000 người, cả một biển người rợp bóng cờ hoa, tất cả đều đổ về đây, ai nấy bừng bừng khí thế, vui mừng khôn xiết. Ngoài lực lượng cơ giới còn có lực lượng thủ công, 28 huyện, thị, thành đi từ Anh Sơn, Kỳ Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Hương Khê, Kỳ Anh…đều đi bộ về đây, trên vai có một quang gánh, trên gánh có muối, nước mắm, củi, đuốc…để tự nấu ăn. Quân đội thì có trung đoàn 375 của Quân khu 4 vào thành lập các công trường, mỗi huyện là một tiểu công trường. Sau khi đồng chí Trương Kiện hô rằng: “Tôi là Trương Kiện, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ - Tĩnh phát lệnh khởi công đại công trình thủy nông hồ Kẻ Gỗ” thì khởi động bằng việc cho 3 quả mìn nổ liên tục. Cả một biển người chuyển động, lúc đó tôi bật khóc, mà nhiều người khóc chứ không phải mình tôi đâu…” - ông Tinh xúc động kể.

Chính vì được mục kích khí thế của ngày khởi công cách đây ngót 40 năm nên nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý mới sáng tác bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” nổi tiếng như vậy. “…Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn, mà đời không ngại đào mấy con kênh, đắp hồ xây đập ta nuôi dòng nước ngọt, để dòng mương nhỏ tắm nắng quanh năm, ruộng đồng ta thoả mơ uớc bao ngàn năm…”. Bài hát đã gắn liền với công nhân trên công trường thủy nông Kẻ Gỗ và là động lực thúc đẩy tinh thần hăng say lao động cho hàng nghìn người dân cần lao.

Ban đầu hồ Kẻ Gỗ đưa nước về tưới tiêu cho 5.000ha lúa của huyện Cẩm Xuyên, đến nay hồ có lưu vực 223 km2, dung tích 345 triệu m3, đủ điều kiện cung cấp nước cho cây trồng, vật nuôi, nước sinh hoạt cả một vùng quê rộng lớn của 2 huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP.Hà Tĩnh.

Công trình Kẻ Gỗ ra đời là bước đột phá thúc đẩy kinh tế nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở những vùng được hưởng lợi nguồn nước. Không chỉ dừng lại ở nông nghiệp, Hồ Kẻ Gỗ ngày nay còn góp công vào việc cung cấp nguồn điện, phát triển du lịch sinh thái, phục vụ cho công nghiệp, sinh hoạt.

Nhớ những người đã khuất

Dưới dòng nước xanh thẳm, vời vợi của hồ Kẻ Gỗ vẫn còn những dấu tích, linh hồn của những người đã anh dũng ngã xuống nơi tuyến lửa đường 22A kiêu hùng và máu xương của những người lính, thanh niên xung phong, công nhân quốc phòng, dân công hỏa tuyến, dân quân tự vệ; cán bộ, công nhân ngành Lâm nghiệp và nhân dân địa phương từng tham gia xây dựng, chiến đấu và bảo vệ sân bay Libi huyền thoại.

Gắn với lịch sử oai hùng của sân bay dã chiến Libi là con đường Trường Sơn 22A huyền thoại bắt nguồn từ Ngã ba Thình Thình tới Đèo Ngang, một trong những tuyến lửa khốc liệt nhất, vĩ đại nhất thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.

Nơi đây, hàng trăm chiến sĩ quân đội, TNXP… đã ngã xuống trong công cuộc chống Mỹ cứu nước. Ác liệt nhất là trận ném bom của giặc Mỹ trưa ngày 2/9/1969 vào Trung đoàn Thép thủ đô làm 34 chiến sĩ của ta hy sinh tại chỗ, ngày 28/12/1972 hàng loạt máy bay B52 của Mỹ rải thảm xuống đoạn Km10 - Km17 gây thương vong cho ta một lúc tới gần 400 người…

Những năm hạn hán kéo dài mực nước Kẻ Gỗ có lúc xuống dưới điểm chết, người dân phát hiện thấy nhiều ngôi mộ nổi lên dưới đáy hồ. Từ năm 1998 đến nay chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã cất bốc hàng trăm ngôi mộ và quy tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện Cẩm Xuyên nhưng tất cả đều vô danh và có thể hài cốt của người này lẫn lộn với người khác…Miếu thờ các liệt sĩ vô danh cũng được dựng lên trong lòng hồ để tri ân những người đã mất.

Nhắc đến sân bay dã chiến Libi, ông Đào Văn Tinh vẫn không nguôi cảm giác có lỗi: “Tôi là một trong những người đầu tiên lên hồ Kẻ Gỗ để phát cây cối, giải phóng mặt bằng nhưng tôi lại không biết nhiều đồng đội của mình đã hy sinh ở đó. Nếu biết thì tôi đã kêu gọi mọi người cất bốc những ngôi mộ, những hài cốt còn sót lại để phần nào làm ấm lòng vong linh của họ…”.

Hàng năm, dòng người tìm về miếu thờ Libi dưới lòng hồ Kẻ Gỗ để thắp những nén hương thơm, tri ân những chiến sĩ đã ngã xuống. Hồ Kẻ Gỗ không những là công trình kỳ vĩ mà còn kỳ bí là bởi thế…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nốt lặng trong lòng hồ Kẻ Gỗ