Các nhà khoa học làm việc tại Tây Phi và quần đảo Cape Verde mới đây đã phát hiện ra bằng chứng về một trận siêu sóng thần lớn nhất trong lịch sử loài người.
Sườn phía Tây của núi lửa Fogo bị sạt lở nghiêm trọng,
có thể là nguyên nhân gây ra một trận siêu sóng thần.
Theo họ một ngọn núi lửa đổ sập bất ngờ cách đây khoảng 73.000 năm đã tạo ra một đợt sóng cao gần 244m, nhấn chìm một hòn đảo cách đó tới hơn 48 km. Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng sự sụp đổ của núi lửa có thể gây thiệt hại nhiều hơn nhiều so với những tính toán trước đây.
Nghiên cứu được đăng mới đây trên chuyên san Science Advances đã làm sống lại cuộc tranh luận về việc liệu những vụ đổ sập bất ngờ xảy ra tại các hòn đảo núi lửa hay bờ biển lục địa xa xôi có thể gây ra thảm họa hay không.
“Quan điểm của chúng tôi là hiện tượng núi lửa đổ sập có thể xảy ra rất nhanh và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, do đó có khả năng gây ra những đợt sóng thần dữ dội,” ông Ricardo Ramalho, chuyên gia nghiên cứu tại trung tâm quan sát Trái Đất Lamont-Doherty, đại học Columbia cho biết.
Vụ sụp đổ diễn ra vào khoảng 73.000 năm về trước tại núi lửa Fogo, một trong số những núi lửa lớn nhất và hoạt động mạnh mẽ nhất trên thế giới. Ngày nay, ngọn núi lửa này có chiều cao 2.829 m so với mực nước biển và phun trào khoảng 20 năm một lần, lần gần đây nhất là vào mùa thu năm ngoái. Đảo Santiago, nơi cơn sóng thần đã đổ bộ hiện là nơi sinh sống của khoảng 250.000 người.
Không tồn tại bất đồng quan điểm nào xung quanh việc sườn núi lửa có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng; ít nhất 8 vụ sạt lở với quy mô nhỏ hơn đã xảy ra tại Alaska, Nhật Bản và các nơi khác trên thế giới trong vòng vài trăm năm trở lại đây, và một số vụ đã tạo nên những cơn sóng thần nguy hiểm.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học nghi ngờ không rõ liệu các núi lửa lớn có thể sụp đổ một cách đột ngột như trong nghiên cứu mới này hay không. Thay vào đó, họ cho rằng sẽ có những vụ sạt lở xảy ra theo từng giai đoạn, tạo nên nhiều trận sóng thần nhỏ hơn.
Một vài nghiên cứu trước đây đã gợi ý về những vụ sụp đổ núi lửa và siêu sóng thần đi kèm xảy ra từ thời tiền sử với quy mô lớn hơn nhiều, tại quần đảo Hawaii, núi Etna ở Ý, và đảo Reunion thuộc Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết những ví dụ này còn hạn chế với quá ít bằng chứng ủng hộ.
Nghiên cứu mới đã đưa ra một ví dụ, trong đó nói rằng lượng đất đá ước tính khoảng 160 km3 mà Fogo bị mất đi trong vụ sụt núi đã đổ sập xuống cùng một lúc, tạo ra một cơn sóng cao tới 244 m.
Để so sánh, hãy nhìn lại những cơn sóng thần lớn nhất xảy ra gần đây, tàn phá bờ biển Ấn Độ Dương vào năm 2004 và miền đông Nhật Bản vào năm 2011. Độ cao sóng trong các trận sóng thần này chỉ ở vào khoảng 30 m, và được tạo ra từ những chấn động động đất dưới lòng biển, chứ không phải do núi lửa sụp đổ.