Thủ tướng Anh David Cameron sẽ chính thức từ chức trong hôm nay (13/7), dọn đường cho Bộ trưởng Nội vụ Theresa May nhậm chức tân Thủ tướng để dẫn dắt đất nước Anh trải qua thời kỳ hậu Brexit đầy khó khăn phía trước.
Bà Theresa May sẽ chính thức đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Anh
trong bối cảnh hậu Brexit (Nguồn: Independent).
Bà Theresa May đã chính thức trở thành thủ lĩnh đảng Bảo thủ và là người kế nhiệm ông Cameron và điều này “có hiệu lực ngay” trong hôm đầu tuần qua; Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1922 gồm các thành viên đảng Bảo thủ tại Quốc hội Anh , cho hay. Bà May sẽ chính thức ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng Anh vào chiều tối ngày 13/7.
Trong bài phát biểu ngay sau khi đã nắm chắc phần thắng trong tay, bà May nói rằng ưu tiên hàng đầu của bà là dẫn dắt nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), đoàn kết lại toàn đất nước và tạo nên một “viễn cảnh mạnh mẽ, mới mẻ và tích cực cho tương lai”, không chỉ cho một vài cộng đồng người nhất định mà cho mọi người.
Trước đó ông Cameron từng tuyên bố rằng ông sẽ từ chức vào tháng 10 tới sau khi thất bại trong việc thuyết phục người dân bỏ phiếu ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức hôm 23/6 vừa qua. Hôm đầu tuần rồi, đối thủ duy nhất của bà May - Bộ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom - đã tuyên bố rút khỏi cuộc đua sau vụ tranh cãi xung quanh bình luận mà bà đưa ra về bổn phận làm mẹ và lãnh đạo.
“Rõ ràng với những thay đổi này chúng ta không cần phải kéo dài thêm thời gian chuyển tiếp nữa. Ngày mai tôi sẽ tổ chức cuộc họp Nội các cuối cùng” ông Cameron nói hôm đầu tuần - “Sau đó tôi dự định sẽ đưa ra đơn từ chức. Vậy nên chúng ta sẽ có một tân Thủ tướng vào chiều tối thứ Tư”.
Ông Cameron cũng hoan nghênh quyết định ngừng cuộc đua của bà Leadsom và nói rằng ông tự tin rằng bà May hoàn toàn có đủ khả năng để dẫn dắt đất nước theo đúng hướng, thêm rằng bà May là người mạnh mẽ cùng khả năng cạnh tranh cao và ông sẵn sàng hỗ trợ bà hết mình.
Bà May đã trở thành ứng viên cuối cùng còn lại trong cuộc đua nhằm giữ một vị trí mà ít người mong muốn. Đây cũng là một khúc ngoặt mới nhất trong cuộc bất ổn chính trị ở Anh thời kỳ hậu Brexit. Bà May, vốn là người ủng hộ Anh ở lại EU, trong hôm đầu tuần qua lại nhắc lại cam kết sẽ ủng hộ Brexit.
“Brexit luôn có nghĩa là Brexit, và chúng ta phải thực hiện nó. Sẽ không có việc cố gắng níu kéo ở lại EU, không có việc tái gia nhập bằng cửa hậu, không có trưng cầu lần hai. Đất nước đã bỏ phiếu để rời khỏi EU, và trên cương vị Thủ tướng, tôi sẽ đảm bảo chúng ta rời khỏi EU” - Bà May tuyên bố.
Việc bà May nhanh chóng trở thành tân Thủ tướng tuy nhiên lại làm dấy lên nhiều câu hỏi về việc, tại sao một ứng viên lại được lựa chọn chỉ bởi một nhóm người chứ không phải cử tri trong nước. Nhưng theo hệ thống Quốc hội Anh, thủ lĩnh của đảng cầm quyền sẽ đương nhiên trở thành Thủ tướng của nước này.
“Chắc chắn sẽ có một số phản ứng từ cộng đồng, nhưng mọi chuyện cũng đã rồi. Đáng lẽ ra đã có một cuộc chạy đua với đầy đủ tiến trình, nhưng khi có một ứng viên bỏ cuộc thì đây là điều sẽ xảy ra” - CNN dẫn lời nhà bình luận chính trị Robin Oakley, nhận định.
Thách thức phía trước
“Brexit luôn có nghĩa là Brexit, và chúng ta phải thực hiện nó. Sẽ không có việc cố gắng níu kéo ở lại EU, không có việc tái gia nhập bằng cửa hậu, không có trưng cầu lần hai. Đất nước đã bỏ phiếu để rời khỏi EU, và trên cương vị Thủ tướng, tôi sẽ đảm bảo chúng ta rời khỏi EU” - Bà Theresa May tuyên bố. |
Tân Thủ tướng của Anh sẽ phải đối mặt với một công việc hết sức khó khăn là đàm phán thỏa thuận với một EU đang giận dữ, bình ổn nền kinh tế nước Anh và giữ cho nước này hòa thuận với láng giềng sau sự kiện Brexit. Bà May, vốn được mô tả là “đôi bàn tay an toàn” để đưa nước Anh vượt qua các cuộc đàm phán, đã tuyên bố rằng bà sẽ nỗ lực hết mình để thúc đẩy tiến trình rời khỏi EU.
Giới quan sát nhận định rằng, bà May là một người rất chăm chỉ và nghiêm túc trong công việc, và là người duy nhất hiện tại ở nước Anh có thể so sánh được với “bà đầm thép” Margaret Thatcher.
Là một trong số những người đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Bộ Nội vụ lâu nhất trong lịch sử nước Anh, bà May từng ủng hộ Anh ở lại EU, nhưng vẫn giữ các quan điểm hoài nghi về EU nên không đóng vai trò nào trong chiến dịch vận động Anh ở lại EU trước đây.
Trong khi đó, đối thủ của bà, bà Leadsom, lại đóng vai trò lớn trong chiến dịch vận động cử tri bỏ phiếu rời khỏi EU dù rằng chỉ cách đây 3 năm bà này còn tuyên bố rằng sẽ là “thảm họa” nếu Anh rời khỏi EU. Bà Leadsom mới đây đã bảo vệ lập trường của mình, nói rằng bà đã trải qua “một hành trình” kể từ đó và đã thay đổi suy nghĩ.
Bà Leadsom từng đưa ra viễn cảnh hậu Brexit từng trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra bằng một phát biểu mạnh mẽ về lòng yêu nước. “Tôi thực sự tin rằng chúng ta có thể trở thành quốc gia vĩ địa nhất thế giới”; bà Leadsom nói, hứa hẹn sẽ mang lại sự “thịnh vượng” chứ không phải “khắc khổ” cho nước Anh.