Quốc tế

Nước Anh với làn sóng bệnh sởi mới

Hà Anh 25/01/2024 07:58

Bệnh sởi từng được tuyên bố là đã được loại bỏ ở Anh. Nhưng hiện nay, làn sóng lây nhiễm căn bệnh này ở trẻ em đang gia tăng nhanh chóng, vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến làn sóng mới?

anh-bai-tren(1).jpg
Đã có 216 trường hợp mắc bệnh sởi được xác nhận ở Anh kể từ ngày 1/10 năm ngoái. Nguồn: Getty Images.

Vào tháng 9/2017, Vương quốc Anh đã đạt được thành tựu lớn khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh sởi lần đầu tiên được loại bỏ ở Anh, khi nước này không có trường hợp mắc bệnh nào được ghi nhận trong 3 năm.

Tuy nhiên hiện nay, nước Anh đang trong tình trạng khẩn cấp về bệnh sởi. Các quan chức y tế công cộng đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng lây nhiễm đáng báo động. Và Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) - thay thế Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) trong đại dịch Covid-19 đã buộc phải tuyên bố sự cố cấp quốc gia, báo hiệu nguy cơ sức khỏe cộng đồng lớn từ một trong những loại virus dễ lây lan nhất thế giới.

Hàng trăm trẻ em đã bị bệnh sởi trong những tuần gần đây. Các quan chức lo ngại đợt bùng phát ngày càng tăng ở West Midlands có thể lan sang các thị trấn và thành phố khác trừ khi có hành động khẩn cấp để tăng cường tiêm chủng.

Các quan chức tin rằng, có 3,4 triệu trẻ dưới 16 tuổi có nguy cơ nhiễm virus và những lá thư đang được gửi đến cha mẹ của những đứa trẻ chưa được tiêm chủng. Các bác sĩ đa khoa đang thành lập thêm các phòng khám và xe buýt tiêm chủng đang hướng tới các cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra khiến các quan chức y tế hàng đầu của Vương quốc Anh đưa ra cảnh báo. Giáo sư Sir Andrew Pollard - Chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp về tiêm chủng cho biết: “Để ngăn chặn bệnh sởi, chúng ta cần cho hơn 95% trẻ em được tiêm chủng. Số liệu của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) cho thấy, chúng tôi đang ở mức khoảng 85%”.

Theo dữ liệu do UKHSA công bố, đã có 216 trường hợp mắc sởi được xác nhận và 103 trường hợp có thể xảy ra ở West Midlands kể từ ngày 1/10 năm ngoái. 80% được tìm thấy ở Birmingham, trong khi 10% được xác định ở Coventry. Hầu hết là ở trẻ em dưới 10 tuổi.

Giáo sư Pollard lo ngại: “Loại virus mới có khả năng lây nhiễm cao, thậm chí cao hơn nhiều so với Covid-19 trước đây, vì vậy, nếu không tiêm chủng, nó có thể lây lan như cháy rừng. Lý do khiến điều này trở nên đáng lo ngại là vì nó sẽ khiến người nhiễm không chỉ mắc 1 căn bệnh khủng khiếp mà sẽ bị biến chứng nghiêm trọng hoặc dẫn đến tử vong vì căn bệnh đó”.

Vậy nước Anh đã đi từ việc loại trừ bệnh sởi đến làn sóng bệnh sởi hiện nay như thế nào? Tại sao tỷ lệ tiêm chủng vaccine MMR (vaccine sởi, quai bị, rubella) lại giảm?

Các chuyên gia cho biết, sự kết hợp của nhiều yếu tố có thể giải thích cho sự sụt giảm tỷ lệ tiêm chủng, Giáo sư Stuart Neil - Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại King’s College London cho rằng, sự gia tăng các ca bệnh một phần là do di sản của đại dịch. Việc tiêm chủng ngừa nhiều bệnh, trong đó có sởi, đã bị bỏ quên khi mọi người tập trung vào Covid-19.

Một thách thức khác là những đứa trẻ bỏ lỡ mũi tiêm đầu tiên trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2022 hiện đã lớn hơn nhóm tuổi cần được tiêm mũi đầu tiên. Ở Anh, trẻ em được tiêm 2 liều MMR đầu tiên là lúc 1 tuổi, sau đó là lúc 3 tuổi 4 tháng.

Tiến sĩ Doug Brown - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Miễn dịch học Anh - cho biết: “Không bao giờ là quá muộn để tiêm vaccine. Chúng tôi khuyến khích các bậc cha mẹ đảm bảo con mình được tiêm vaccine MMR đầy đủ và tiêm kịp thời những mũi bị bỏ sót càng sớm càng tốt”.

Tuy nhiên, Giáo sư Pollard cho biết, đã có sự suy giảm dần về mức độ bao phủ vaccine MMR trong nhiều năm trước khi xảy ra đại dịch, điều này đã làm tăng dần mối đe dọa toàn diện về một cuộc khủng hoảng bệnh sởi.

Tỷ lệ tiêm chủng giảm và tình trạng không mắc bệnh sởi ở Anh không còn nữa cũng bắt nguồn từ việc mọi người không biết hoặc quên về những nguy cơ mắc bệnh sởi. Tiến sĩ David Elliman - bác sĩ nhi khoa tại bệnh viện Great Ormond Street ở London cho biết: “Nhờ sự thành công của chương trình tiêm chủng ở Anh, nhiều bậc cha mẹ đã không có trải nghiệm trực tiếp về bệnh sởi”.

Bên cạnh đó, bà Helen Bedford - Giáo sư về sức khỏe trẻ em tại Viện Sức khỏe Trẻ em UCL Great Ormond Street cho biết, những thông tin sai lệch về vaccine MMR vẫn có tác động, bởi vì những đứa trẻ không được tiêm phòng vì sợ hãi giờ đã trưởng thành và có thể góp phần giúp virus lây lan.

“Trong những năm qua, số người không được tiêm chủng đã tích lũy trong dân số, tạo điều kiện cho bệnh sởi lây lan nhanh chóng trong cộng đồng” - bà Bedford nói.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng, thông tin sai lệch về vaccine MMR rất khó có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tiêm chủng. Giáo sư Pollard tin rằng, các gia đình gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình tiêm chủng là một yếu tố lớn.

Theo Tiến sĩ Ronny Cheung thuộc Đại học Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em Hoàng gia, trên toàn quốc, các chiến lược mà NHS và chính phủ hứa hẹn nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng khẩn cấp cần phải được ban hành.

NHS gần đây đã công bố chiến lược tiêm chủng, trong đó tập trung vào việc giải quyết các thách thức xung quanh việc tiếp cận và bao gồm các đề xuất cung cấp dịch vụ tiêm chủng linh hoạt và thuận tiện.

Theo TS Cheung: “Đây là một sự phát triển đáng hoan nghênh nhưng nó còn thiếu quyết liệt bởi mục tiêu hiện tại là thực hiện đầy đủ vào năm 2025 - 2026. Hai năm là một khoảng thời gian chờ đợi không thể chấp nhận được, chúng ta phải bắt tay vào việc ngay lập tức” - TS Cheung nói.

Vương quốc Anh không phải là nước duy nhất ở châu Âu có số ca mắc bệnh sởi gia tăng. Trong tuần này, WHO đã cảnh báo về số ca mắc bệnh sẽ tăng gấp 30 lần trên khắp châu lục. Hơn 30.000 trường hợp đã được báo cáo bởi 40 trong số 53 quốc gia thành viên EU từ tháng 1 đến tháng 10 năm ngoái. Các chuyên gia cho biết, giải pháp duy nhất là tăng tỷ lệ tiêm chủng bằng cách khuyến khích các bậc cha mẹ cho con tiêm phòng bệnh sởi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước Anh với làn sóng bệnh sởi mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO