Hội nhập quốc tế, cánh cửa của sân chơi chung trong hoạt động thương mại được rộng hơn.
Nắm bắt cơ hội mới, doanh nghiệp các nước không ngừng lên kế hoạch tổ chức những đợt “tổng tiến công” nhằm chiếm lĩnh thị trường tiềm năng, thị trường mới nổi.
Bằng chứng, nhiều cuộc tìm hiểu và nghiên cứu thị trường được doanh nghiệp nhanh chóng tổ chức để tiên lượng năng lực thâm nhập, đầu tư.
Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy phát triển tất yếu này nhưng doanh nghiệp Việt có phần chậm chạp, thậm chí có không ít doanh nghiệp dường như “nước đến chân vẫn chưa chịu nhảy”!
Theo Tổng cục Thống kê, có gần 84% trên tổng số 3.500 doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân) tham gia khảo sát ủng hộ các hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp tự ti về năng lực cạnh tranh của mình và chưa có kế hoạch phát triển sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ.
Thậm chí, ở thời điểm này nhiều doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận họ đang loay hoay không biết bắt đầu từ đâu cho cuộc “chạy đua” hội nhập hoàn toàn không cân sức.
Kết quả khảo sát hết sức ngạc nhiên vì có hơn 68% rơi vào tình trạng trên, chỉ khoảng 32% doanh nghiệp tự tin khẳng định đang mạnh và rất mạnh về chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Nhìn vào tỷ lệ chuẩn bị hội nhập của doanh nghiệp ở mức thấp nhiều người khẳng định, đây chưa phải là con số phản ánh đúng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệt Việt.
Nếu loại trừ doanh nghiệp nước ngoài tham gia khảo sát thì tỷ lệ này còn ở mức cao hơn hiện nay. Bởi vì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chủ động tham gia thị trường tốt hơn doanh nghiệp nội địa.
Chia sẻ nhiều với doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế từng cho rằng, muốn cạnh tranh tốt nhất trên thương trường doanh nghiệp chỉ có cách nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm chất lượng là con đường ngắn nhất quyết định sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng tự nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm, song bất cập ở chỗ chỉ có gần 44% doanh nghiệp có kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách đầu tư công nghệ.
Hiện doanh nghiệp vẫn đang đi tìm nguồn vốn đầu tư công nghệ hiện đại, tuy nhiên việc đầu tư vào công nghệ không hề đơn giản do nguồn vốn bị giới hạn. Chưa dừng lại ở việc đổi mới công nghệ để tăng năng suất chất lượng sản sản, liên quan đến cạnh tranh trong hội nhập kinh tế, cuối tháng 6 vừa qua Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp chủ động phòng vệ thương mại trong kinh doanh quá thấp.
Cụ thể, chỉ có 1,89% doanh nghiệp tìm hiểu tương đối kỹ về các vấn đề phòng vệ thương mại, số còn lại không biết hoặc thờ ơ. Đây chính là điểm yếu lớn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hội nhập không đơn giản, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động đổi mới và nắm bắt cơ hội. Trường hợp doanh nghiệp chịu chấp nhận cạnh tranh, chấp nhận thay đổi, kể cả làm lại từ đầu sẽ biến không thành có.
Vấn đề đặt ra hiện nay, doanh nghiệp nên cạnh tranh bằng chất lượng, bằng chữ tín. Đồng thời chú ý điều chỉnh hoặc phát triển quản trị hiện đại, thay vì quản trị gia đình.