Xã hội

Nước sạch nông thôn - Kỳ 1: Đầu tư “dày”, hiệu quả “mỏng”

Nhóm phóng viên 26/03/2024 06:34

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm đến việc đầu tư xây dựng hàng loạt các công trình nước sạch ở nông thôn. Hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư vào các công trình nước sạch nông thôn, tuy nhiên, chỉ một số ít các công trình này hoạt động hiệu quả, nhiều công trình sau đầu tư gặp khó khăn trong quản lý, vận hành, khai thác...

anhbaitren(1).jpg
Công trình Trạm cấp nước Cộng Hòa với công suất thiết kế 2.500m³/ngày đêm, nhưng công suất sử dụng thực tế chỉ đạt 25m³/ngày đêm. Ảnh: Đông Bắc.

Nhiều công trình “đắp chiếu”

Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cung cấp, tính đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 278 công trình phục vụ cấp nước khu vực nông thôn, trong đó có 46 công trình không hoạt động. Báo cáo của Sở cũng cho biết, 46 công trình này có quy mô nhỏ, được đầu tư xây dựng từ lâu đã bị hỏng; nguồn nước không còn hoặc không ổn định; đã có công trình khác cấp nước thay thế hoặc đã chuyển đổi mục đích sang phục vụ cấp nước sản xuất nông nghiệp.

Xã miền núi Bằng Cả (TP Hạ Long, Quảng Ninh) có 97% người dân tộc Dao sinh sống. Từ nhiều đời nay, người dân nơi đây vẫn có thói quen sử dụng nước khe suối, được dẫn bằng đường ống về nhà. Đến năm 2018, công trình nước tự chảy xã Bằng Cả được đầu tư, với số vốn hơn 2 tỷ đồng, mục đích đáp ứng nước hợp vệ sinh cho 70% hộ dân trong xã (bao gồm các hạng mục bể lắng, hệ thống lọc, ống dẫn nước…). Đồng bào dân tộc Dao vui mừng, vì từ nay họ không còn phải lo thiếu nước mỗi mùa khô, hay khi bão lũ làm nước khe, suối vẩn đục.

Nhưng niềm vui chẳng tày gang. Nước từ công trình tự chảy dẫn từ hồ Khe Chính này còn đục hơn nước họ tự mắc ống dẫn trước đây. Chẳng bao lâu sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, hơn 500 hộ dân với 1.800 nhân khẩu xã Bằng Cả lại phải lấy nước thô sơ nơi khe suối, như tổ tiên họ từ xa xưa vẫn làm.

Ông Bàn Sinh Tề - Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Cả, cho biết: Đến nay thì 100% hộ dân Bằng Cả lại quay về sử dụng nguồn nước tự lắp trước đó. Nước từ công trình tự chảy váng đục, hộ nào dẫn về thì cũng chỉ phục vụ cho chăn nuôi, trồng trọt.

Tại xã biên giới Quảng Đức (huyện Hải Hà), từ năm 2006 đến nay, đã có gần chục dự án cung cấp nước sinh hoạt. Nhiều công trình xây dựng xong, người dân chưa thụ hưởng được bao lâu, thì đường ống bị hư hỏng. Công tác quản lý, bảo dưỡng được giao cho UBND xã và các thôn bản thực hiện, nhưng do kinh phí hạn hẹp, cán bộ phụ trách không am hiểu kỹ thuật, nên các hạng mục thuộc dự án gần như bị quên lãng, phó mặc cho thời tiết, đến giờ thì trở thành những bể nuôi cóc, nhái.

Đó là các dự án như công trình nước sinh hoạt tự chảy thôn Tân Đức; công trình nước sinh hoạt tự chảy bản Khe Lánh 2. Hay như dự án nước sinh hoạt tự chảy trung tâm xã Quảng Đức, có tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng, tổng chiều dài đường ống là 14.419m, được lấy từ đầu nguồn khu vực Lam Sơn, bản Cống Mằn Thìn. Nhưng nhiều năm nay người dân liên tục có kiến nghị về việc nguồn nước bị ô nhiễm do việc trồng và khai thác keo từ đầu nguồn; nhiều đoạn ống đã bị hư hỏng.

Hàng loạt các công trình cấp nước có quy mô lớn (hệ thống xử lý phức tạp, do các trung tâm, doanh nghiệp nhà nước quản lý) và công trình cấp nước quy mô nhỏ (các công trình cấp nước tự chảy do UBND cấp xã quản lý) khác có tình trạng xuống cấp nhanh, hư hỏng khó xử lý, lâu dần dẫn đến công trình không hoạt động được.

Khó quản lý, vận hành sau đầu tư

Để có cơ sở đánh giá về hiệu quả đầu tư của các công trình nước sạch nông thôn, cuối năm 2023, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc giám sát công tác quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn Quảng Ninh.

Kết quả quá trình giám sát cho thấy: Đa số các công trình cấp nước tập trung nông thôn hiệu suất cung cấp tiêu thụ không đạt theo thiết kế, nhiều hộ gia đình được thụ hưởng nước sạch từ công trình nhưng không sử dụng, như công trình cấp nước xã Dực Yên (huyện Đầm Hà); công trình cấp nước các xã Hải Tiến, Hải Đông, Quảng Nghĩa (TP Móng Cái); công trình cấp nước xã Thủy An (thị xã Đông Triều).

Đặc biệt, có những công trình mặc dù tổng mức đầu tư và công suất thiết kế lớn nhưng hiệu suất sử dụng thực tế rất nhỏ, trong khi nhiều hộ dân có nhu cầu sử dụng nước sạch nhưng chưa thực hiện được do không có kinh phí để mở rộng đối tượng sử dụng. Như công trình Trạm cấp nước Cộng Hòa (TP Cẩm Phả) với tổng mức đầu tư trên 17 tỷ đồng, công suất thiết kế 2.500m³/ngày đêm, nhưng công suất sử dụng thực thể chỉ đạt 25m³/ngày đêm, bằng 1% công suất thiết kế.

Cũng theo kết luận của đoàn giám sát, các công trình cấp nước tập trung nông thôn hầu hết được xây dựng trước thời điểm các địa phương hoàn thành xây dựng chương trình nông thôn mới, do đó trong quá trình hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông khu vực nông thôn gây hư hại nhiều tuyến ống cấp nước sau đầu tư. Nhiều tuyến ống cung cấp nước không được bố trí kinh phí di chuyển dẫn đến nằm trong lòng đường, rất khó khăn trong việc quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa khi có sự cố.

Việc thực hiện các quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước cũng bị buông lỏng. Theo đánh giá của đoàn giám sát, trung tâm y tế các huyện chưa thực hiện đầy đủ kiểm định định kỳ, đột xuất chất lượng nước sạch, các đơn vị cấp nước chưa thực hiện xét nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu nhóm B theo quy định. Các công trình do cộng đồng quản lý cơ bản không thực hiện xét nghiệm kiểm tra chất lượng nước, một số đơn vị có thực hiện nhưng chưa đầy đủ về số lượng mẫu lấy xét nghiệm; việc công khai chất lượng nước của các đơn vị đến người dân còn chưa được quan tâm đúng mức. Đồng hồ đo đếm sản lượng nước tiêu thụ của các hộ dân chưa được kiểm định định kỳ theo quy định của pháp luật về đo lường; chưa xử lý bùn thải phát sinh từ quá trình sản xuất để đảm bảo môi trường; chưa có kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó khi xảy ra sự cố hóa chất...

Từ thực tế trên, tỉnh Quảng Ninh cần phải có mô hình quản lý, vận hành, khai thác các công trình nước sạch nông thôn như thế nào cho phù hợp, phát huy hiệu quả đầu tư chứ không thể để tình trạng đầu tư cho đủ tiêu chí rồi bỏ không.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước sạch nông thôn - Kỳ 1: Đầu tư “dày”, hiệu quả “mỏng”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO