Thế giới có khoảng 885 triệu người có nguy cơ mắc các bệnh như tiêu chảy, tả, ung thư, bệnh đường ruột… khi sử dụng các loại thực phẩm được tưới cấy bởi nước thải chưa qua xử lý ở khu vực thành phố.
Ảnh minh họa.
Tại Việt Nam, nguy cơ này càng lớn hơn khi chỉ mới chỉ xử lý khoảng 12 đến 13% nước thải phát sinh. Nước ô nhiễm nitơ và phốtpho, nguồn cơn của sự lây bệnh.
Nước thải chưa qua xử lý, ngay cả khi loãng đi do lưu thông, được dùng tưới tiêu, đều đe dọa tới sức khỏe con người. Trong nước thải có nitơ, phốtpho, có nhiều chất độc từ phân người và động vật.
Người dân có thể bị nhiễm trùng da do tiếp xúc với nước nhiễm bẩn, có nguy cơ mắc các loại giun, sán, bị tiêu chảy, tả, các bệnh về đường ruột, thậm chí ung thư khi ăn thực phẩm rau, quả.
Tại Việt Nam, không ít lần, tình trạng báo động đỏ đã cảnh báo về hiện trạng nước, bùn thải tại các đô thị chưa qua xử lý, khiến nguồn nước chứa quá nhiều ni tơ, phốt pho, các loại chất độc gây bệnh khác gây nguy hại tới sức khỏe con người.
Cả nước, tính đến cuối năm 2016, mới chỉ có 35 nhà máy xử lý nước thải tập trung đang hoạt động với tổng công suất thiết kế khoảng 850.000m3/ngày đêm.
Trong 35 nhà máy này, chỉ có 5 nhà máy có công nghệ xử lý sinh học, 15 nhà máy có công nghệ xử lý sinh học bậc 2, 8 nhà máy xử lý sinh học bậc 2 kết hợp xử lý ni tơ.
Chỉ có 7 nhà máy xử lý sinh học kết hợp xử lý ni tơ, phốt pho triệt để. Toàn bộ hệ thống này mới xử lý được 12-13% tổng lượng nước thải từ các đô thị.
TS Nguyễn Phương Quý- Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển môi trường Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có 802 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt với tỷ lệ đô thị hóa trung bình đạt 36,6%.
Theo định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, dân số đô thị năm 2020 khoảng 44 triệu người, chiếm 45% dân số cả nước, năm 2025 tăng lên 52 triệu người, chiếm 50%.
Theo ông Cao Lại Quang- Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hệ thống xử lý nước thải tại các khu đô thị hiện thiếu đồng bộ, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa.
Phần lớn nước thải chưa qua xử lý đang thải trực tiếp ra môi trường hoặc qua xử lý nhưng không đạt yêu cầu, làm cho tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc trừ sâu khiến rau củ quả thiếu an toàn. Tại Việt Nam, cứ 1 ha có khoảng 300 kg thuốc trừ sâu được sử dụng, trong khi ở các quốc gia khác chỉ khoảng 150-160 kg/ha.
Nước thải chưa qua xử lý, cùng với thuốc trừ sâu phân tán đã khiến môi trường nước ô nhiễm nghiêm trọng do mức độ phát tán và lưu chuyển dòng nước của sông hồ đô thị.
Trong khi đó, hiện nay Việt Nam chưa có những quy chuẩn, quy định riêng về xử lý ni tơ và phốt pho trong nước thải khiến môi trường nước gặp nhiều rủi ro và ô nhiễm hơn.
Vậy, với các đô thị Việt Nam, cần bao nhiêu nhà máy xử lý nước thải đạt chuẩn để người dân được an toàn? Cùng với đó, là bao nhiêu nguồn kinh phí tương ứng để có thể thực hiện các đề án nhà máy xử lý nước thải?
TS Nguyễn Phương Quý cho rằng, trong khi nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc xã hội hóa lúc này là hết sức cần thiết. Song kèm theo đó là chính sách, chế tài hợp lý hơn khi đầu tư nhà máy xử lý nước thải, vốn lớn, thu hồi tài chính chậm.
Bản thân các nhà đầu tư hiện nay thờ ơ kém với các dự án xử lý nước thải tại các khu đô thị. Đó là chưa kể đến lượng nước thải công nghiệp, khi còn hơn 60% chưa được xử lý xả thải ra môi trường.
“Với Hà Nội và TP HCM cần ít nhất là 4 đến 6 nhà máy xử lý nước thải, mới có thể đảm bảo việc xử lý nước thải triệt để. Các đô thị khác, tùy phạm vi và mức độ ảnh hưởng, ít nhất cần 1 đến 2 nhà máy đạt chuẩn”- ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.
Bảo vệ nguồn tài nguyên nước lâu dài, bền vững, xử lý triệt để nguồn nước thải sinh hoạt và công nghiệp điều kiện cần và đủ để có một không gian xanh và sạch đúng nghĩa cho đô thị.
Theo thống kê của Bộ Y tế, các bệnh tiêu chảy, hội chứng lỵ, lỵ trực khuẩn là 3 trong số 10 bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất hiện nay, trong đó tiêu chảy là bệnh đứng thứ 6 trong các bệnh có tỷ lệ tử vong lớn nhất (0,009/100.000 dân). Số người mắc bệnh đa số đều liên quan đến việc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. |