Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp thương phẩm cho thu nhập cao đang là một trong những hướng đi được nông dân ở nhiều địa phương trên cả nước chọn lựa.
Tại huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) giờ khá nhiều người nuôi chim bồ câu với các loại giống khác nhau. Tuy nhiên, khá đông người chọn nuôi bồ câu Pháp, bởi giống này có sức đề kháng cao, tỷ lệ sống đạt từ 95-99%, trọng lượng chim thương phẩm đạt khá (khoảng 600g/con). Đặc biệt, giá bán ngoài thị trường cũng cao hơn so với giống thông thường 20.000-40.000 đồng/đôi.
Chúng tôi đã đi thăm khu chuồng trại chăn nuôi chim của một nông dân thôn Tân Lập, xã Ngọc Thiện rộng trên 250 m2. Chuồng làm lưới chắc chắn và chia làm 2 dãy với nhiều ô chuồng, mỗi ô nuôi nhốt 1 cặp chim đã ghép đôi, trang bị đủ tấm lót chuồng, máng ăn, máng uống, ổ đẻ. Dưới nền láng xi măng, đường đi lối lại sạch sẽ, thông thoáng.
Khi nuôi, chim được khoảng 2 tháng tuổi, có giá 200.000 đồng/đôi. Người nuôi thường chọn dòng chim Titan và Mimax cho khả năng sinh sản cao. So với chim bồ câu Việt Nam, chim bồ câu Pháp có đặc điểm nổi trội về khối lượng cơ thể và khả năng sinh sản tốt hơn. Đặc biệt chim bồ câu Pháp bắt buộc phải nuôi nhốt hoàn toàn trong lồng mới sinh sản tốt nên tốn ít diện tích chuồng nuôi, đảm bảo an toàn sinh học, kiểm soát được đầu con không bị thất thoát.
Mỗi con bồ câu mái sau 4 – 5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu, mỗi lứa đẻ 2 trứng. Sau 10 – 15 ngày chim mái sẽ sinh sản lứa tiếp theo; trung bình mỗi cặp chim giống đẻ từ 8 – 10 lứa/năm. Sau khi ấp 16 – 18 ngày trứng nở, chim con được chim bố, mẹ chăm sóc tại chuồng, đến ngày thứ 22 đến 25, khi đạt đủ cân nặng thì có thể xuất chuồng bán thương phẩm. Hiện nay, với 800 cặp chim sinh sản, mỗi tháng người nuôi có thể xuất bán 400 cặp chim non với giá từ 120.000 – 130.000 đồng/ cặp.
Ngoài tiền đầu tư về con giống thì chi phí nuôi chim bồ câu Pháp cũng không cao, kẻ cả về chuồng trại. Lại có thể tận dụng các loại thức ăn như: Ngô, đỗ tương sản xuất ra kết hợp với cám công nghiệp chuyên dùng…
Tại Bình Dương, gia đình anh Huỳnh Văn Hà, 23 tuổi, chủ trại bồ câu ở ấp Dư Khánh, xã Thạnh Phước (huyện Tân Uyên,) đã thực hiện hiệu quả mô hình nuôi bồ câu cho thu nhập hàng tháng hơn 20 triệu đồng.
Ban đầu, anh Hà nuôi chừng 20 cặp bồ câu để giải trí. Sau đó, thấy việc nuôi bồ câu có hiệu quả kinh tế, anh đã chịu khó học hỏi sách vở, tham gia các lớp tập huấn ở địa phương, tham quan mô hình ở một số nơi như Củ Chi (TPHCM), các gia đình nuôi bồ câu cảnh. Có kinh nghiệm, kiến thức, anh Hà bắt đầu nuôi bồ câu để bán.
Sau 2 năm khởi nghiệp, số lượng bồ câu ngày càng tăng cao, đến nay anh Hà đã có 600 cặp bồ câu; ngoài bán bồ câu thịt, trại của anh còn cung cấp bồ câu giống ra thị trường. Anh Hà cho biết: Hiện tại trại của anh mỗi cặp bồ câu thịt có giá từ 70.000 - 100.000 đồng, bồ câu giống có giá từ 500.000 đồng trở lên/cặp. Với mức giá này, mỗi tháng trại của anh cho thu nhập hơn 20 triệu đồng, trừ chi phí anh còn lãi khoảng hơn 10 triệu đồng.
Từ những mô hình trên cho thấy nuôi chim bồ câu Pháp mang lại giá trị kinh tế cao, lại không quá phức tạp nên đang được nhiều người lựa chọn.