Nuôi chim cút

Văn Dân 26/11/2020 14:00

Tới nay, nuôi chim cút không còn xa lạ nhưng không phải ai cũng biết về giá trị kinh tế khi nuôi chim cút thịt cũng như chim cút đẻ, nhất là về kĩ thuật nuôi.

Trứng cút và thịt chim cút là loại thực phẩm bổ dưỡng rất được người Việt Nam ưa chuộng. Vì thế người nuôi chim cút có được thu nhập khá.

Nuôi chim cút có nhiều cách, tuy nhiên vẫn phải bảo đảm những kĩ thuật cơ bản, kết hợp với kinh nghiệm. Ở đây, chúng tôi xin được giới thiệu với bà con những hướng dẫn cần thiết của các chuyên gia Trung tâm Chế phẩm sinh học (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh), cách nuôi chim cút thịt và nuôi chim cút đẻ trứng.

1. Nuôi chim cút đẻ trứng cần chú ý một số điểm sau:

-Chuồng nuôi chim cút đẻ trứng, ấp nở: Trước tiên phải chia chuồng thành 2 khu vực. Một là lồng úm: Đây là khu vực để nuôi chim non, lồng úm có kích thước tùy thuộc vào diện tích trang trại. Tuy nhiên thường nằm ở mức trung bình khoảng 1,5 x 1 x 0,5 m (dài x rộng x cao) và chân lồng cao 0,5 m. Thứ hai là lồng chim lớn: Thiết kế lồng theo kích thước 1 x 2 x 0,5 m để nuôi 20 - 25 chim cút mái.

Loại lồng này có thể đặt trực tiếp lên nền nhà hoặc đặt trên khung gỗ với độ dốc khoảng 3 độ để trứng lăn ra khi chim đẻ, đáy lồng làm bằng lưới mắt nhỏ đủ để phân lọt qua và chim dễ di chuyển. Nóc lồng làm bằng vật liệu mềm vì chim cút hay nhảy nên dễ bị tổn thương phần đầu.

-Chọn chim cút giống: Điều đầu tiên cần lưu ý khi muốn phát triển đàn chim là tránh tình trạng đồng huyết. Chim cút trống và mái cùng dòng phải được tách ra trước khi đưa vào đàn để ghép đôi sinh sản. Khi chọn chim cút giống thì chỉ nhận những cá thể mạnh khỏe, nhanh nhẹn, không dị tật, lanh lợi và chọn giống vào khoảng 25 - 30 ngày tuổi.

Khi chọn chim trống cần chọn những con có lông mượt, da nhẵn, đầu nhỏ, mỏ ngắn, cổ dài, có trọng lượng khoảng 70 - 90 gam khi đủ tuổi sinh sản. Còn với chim mái thì chọn những con cổ nhỏ, lông mượt, xương chậu rộng, hậu môn đỏ hồng, nở nang, trọng lượng từ 100 gam trở lên.

-Kỹ thuật nuôi chim cút đẻ trứng: Chim cút mái bắt đầu đẻ vào khoảng 60 ngày tuổi và đẻ liên tục cả năm. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của các hộ nuôi lâu năm thì chỉ nên cho chim cút phối giống và đẻ trứng khi chim mái được ít nhất 3 tháng tuổi.

Chim cút khi bắt đầu đẻ có thể cho ra số lượng trứng khoảng 270 - 300 trứng/năm. Mỗi ngày chim mái sẽ đẻ 1 quả trứng nên cần phải cung cấp đủ dinh dưỡng để chim duy trì tần suất sinh sản. Thức ăn có thể trộn theo công thức 2,5 bắp - 1 lúa - 1 cám - 1 bột cá. Mỗi ngày cút trưởng thành ăn khoảng 25 g thức ăn và uống khoảng 60 ml nước.

2. Nuôi chim cút thịt cần chú ý một số đặc điểm sau:

Từ ngày thứ 25 sau khi nở, những con được dự đoán không có khả năng sinh sản tốt sẽ được tách sang chế độ nuôi thịt. Lúc này chim cút được cho ăn tự do cả ngày đêm để vỗ béo và xuất chuồng khi được 45 ngày tuổi. Mật độ nuôi cút thịt khoảng 60 con/m2.

Chế độ dinh dưỡng của cút thịt cần bổ sung tinh bột để tăng trọng nhanh, công thức trộn thức ăn là 4 bắp - 1 lúa - 1 cám. Ngoài ra vẫn phải bổ sung vitamin và khoáng chất cho đàn.

Chim cút tuy ít bệnh tật nhưng cũng không vì thế mà chủ quan, mà vẫn cần phòng ngừa bệnh tật trên đàn chim cút, vì nếu không, khi một con bị bệnh sẽ lây lan rất nhanh cho cả bầy. Chim cút là loài có sức đề kháng rất mạnh.

Tuy nhiên việc phòng ngừa bệnh cho đàn chim phải được thực hiện đầy đủ và đều đặn: Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, giữ cho chuồng nuôi ấm nhưng thoáng. Hạn chế cho đàn tiếp xúc với chim lạ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nuôi chim cút