Ở hay về đều không dễ dàng

CẨM ANH (thực hiện) 11/10/2023 07:47

Ở lại thành phố hay về quê là một câu hỏi lớn với những người trẻ tuổi. Cuộc sống ở thành phố trầy trật, nhưng về quê thì làm gì. Chưa kể, có một định kiến vẫn đang tồn tại: Bỏ về quê là thất bại, chỉ về quê khi đã kiếm được nhiều tiền. Ở hay về chỉ có thể là quyết định dễ dàng nếu thay đổi được định kiến. Để nếu không có cơ hội tốt ở thành phố thì trở về, dùng ngay tuổi trẻ để lập nghiệp ở quê hương.

Cầu Long Biên (Hà Nội). Ảnh: Lê Khánh.

Chật vật bám trụ

Đây là lời kể của một người trẻ tuổi: “Đã gần chục năm ra trường đi làm, mình vẫn chẳng tiết kiệm được là bao, vẫn phải sống trong căn nhà trọ nhỏ với mức sống bình thường và chẳng dám yêu ai khi chỉ mới đủ nuôi bản thân. Mỗi lần về quê là bị nhiều người chỉ trích, bố mẹ thì lo lắng.

Năm 2014, sau khi ra trường mình xin được việc mới mức lương 7 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ trả tiền sinh hoạt trong tháng và dành được 1 triệu đồng gửi về biếu bố mẹ. Mình thuê nhà trọ cùng một người bạn, tiền phòng chia nhau mỗi người 1,5 triệu đồng, điện nước thêm 200 ngàn đồng, 2 triệu đồng ăn uống, xăng xe điện thoại 300 ngàn, chi tiêu bên ngoài khoảng 2 triệu đồng. Tổng mỗi tháng mình tốn 6 triệu đồng.

Sang năm thứ hai đi làm, mức lương tăng lên 8 triệu đồng. Vẫn cố gắng chi tiêu mức cũ, mỗi tháng gửi về nhà được 2 triệu đồng. Từ năm thứ 5, lương 10 triệu đồng, mình vẫn cố gắng gửi về cho bố mẹ 2 triệu đồng, còn 1 triệu đồng tiết kiệm. Tính ra mỗi năm tiết kiệm được 12 triệu đồng.

Công việc mình làm chẳng có khoản thu nhập ngoài nào cả, chỉ có lương cứng.

Sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, trên mạng xã hội dấy lên một cuộc tranh luận về việc vì sao cứ phải bám trụ lại thành phố ngột ngạt và đông đúc, chen chúc trong những nhà trọ bình dân tiềm ẩn bao nguy hiểm, mà không về quê sinh sống và lập nghiệp. Khi đặt lại vấn đề đó trong chuyên đề này, chúng tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra đây không hề là một câu chuyện phiếm. Đó là nỗi trăn trở của rất nhiều bạn trẻ trước ngưỡng cửa vào đời.

Chúng ta, đôi khi nhìn trên mặt bằng chung của thành phố, nhất là của Hà Nội, thường chỉ thấy một đời sống nhộn nhịp và sung túc. Nhưng có một góc khác của Hà Nội, một mặt bằng khác của những người nhập cư, của người trẻ, của những người lao động đang chật vật kiếm sống ở thành phố.

Từ năm thứ 7, lương của mình là 12 triệu đồng, mình vẫn gửi về quê 2 triệu đồng và tiết kiệm 3 triệu đồng/ tháng, tính tới nay sau 8 năm đi làm, mình chỉ tiết kiệm được 60 triệu đồng nhưng đã bỏ ra 30 triệu đồng để mua chiếc xe máy.

Tiền tiết kiệm ít ỏi, nhà thì vẫn phải ở trọ, lại chẳng có bất cứ một khoản đầu tư nào thêm. Cũng may rằng trong lúc đại dịch không bị cắt giảm lương.

Nhiều lúc thấy tiền lương của mình chỉ nuôi được bản thân mà không dám yêu ai, trong khi đó bố mẹ lúc nào cũng muốn con cái có công việc lương cao, ổn định để mua được nhà và hối thúc mình chuyện kết hôn.

Nhưng thật khó để thay đổi được khi hiện tại mình vẫn chỉ ở mức đủ nuôi bản thân, Hà Nội với nhiều người là miền đất hứa nhưng với mình thì nó chật vật vô cùng để sinh tồn...”

Có lẽ, bạn trẻ này cũng chưa phải là những người khó khăn nhất trong số những người ở lại.

Đây là tâm sự của một bạn trẻ tốt nghiệp đại học làm nghề chạy Grab ở thành phố: “Bốn năm đại học với bao cố gắng bằng mồ hôi công sức của cả gia đình, mong cho mình bớt khổ. Rồi bốn năm học cũng qua, ra trường với bao hoài bão, cầm tấm bằng đi xin việc, đúng là cao không đến, thấp không xong. Chỗ nào lâu nhất được 5-6 tháng.

Lang thang, cố bám trụ và rồi chạy Grab vừa đi xin việc vừa chạy kiếm tiền để mưu sinh. Trong đầu luôn nghĩ “ờ mình làm tạm thôi chứ ai lại làm món này”. Rồi cuộc sống cứ thế trôi đi, bố mẹ ở quê cứ tưởng nó làm công ty liên doanh với nước ngoài. Mỗi khi về quê thấy bố mẹ khoe với họ hàng nhìn nét mặt tự hào của họ em không nỡ nói thật. Từ đó em dần dần sợ về quê.

Cuộc sống xe ôm xô bồ, tự do, lâu ngày em thấy suy nghĩ và hành động của mình nó khác hẳn ngày trước. Đêm về mệt thì không sao, hôm nào không ngủ được ngẫm về tương lai bất định. Nhiều lúc đi ship đồ thấy tủi thân. 12h trưa chầu chực gần các quán ăn, mong chờ nổ được cuốc ship đồ. Nhìn thấy anh em đồng nghiệp cũng như mình, sức trẻ, học thức giờ đi ship đồ, xót xa thực sự…”.

Vì sao người ta vẫn chọn ở lại?

Những người ở lại thành phố trước hết là những người giỏi, chỉ ở một nơi điều kiện tốt nhất họ mới thể hiện hết khả năng của mình, hoặc ngành nghề chuyên môn của họ chỉ có thể phù hợp ở đô thị lớn.

Còn lại, với không ít người, ra thành phố học đồng nghĩa với một cơ hội để đổi đời. Đã đi học là để ở lại, có công ăn việc làm tốt, kiếm ra tiền gửi về quê, hoặc ít nhất cũng làm cho bố mẹ nở mày nở mặt tự hào khoe con làm ở thành phố.

Đây là một tâm sự: Mình thì thích ở lại thành phố chật chội náo nức hơn. Vì mình còn trẻ, còn sức khỏe có thể khám phá được nhiều thứ nên ở lại thành phố sẽ vui hơn. Tuy thành phố xô bồ, phức tạp nhưng trên này cũng có nhiều cơ hội phát triển hơn so với ở quê.

Còn đây là một tâm sự khác: Tôi thích ở thành phố, bởi công việc mà tôi hướng đến là bắt buộc phải ở thành phố, hơn nữa tôi muốn tìm kiếm sự mới mẻ mà tôi chưa từng thấy ở nơi tôi ở. Nhìn trên Internet, tôi thèm thuồng sự huyên náo của các thành phố lớn: Các khu vui chơi, rạp chiếu phim, các siêu thị, những tòa nhà chọc trời, những người nước ngoài thân thiện.... Hơn nữa, ở thành phố có điều kiện phát triển con người tốt hơn, có những giáo viên nước ngoài, có những buổi ngoại khóa, dã ngoại, vui chơi. Nhưng tuyệt hơn là được làm ngành nghề mình yêu thích, được sống, được sáng tạo, đam mê và vùng vẫy trong đó.

Những tâm sự ấy nhuốm nhiều màu sắc lãng mạn của tuổi trẻ, có một sự thật khác nữa, một câu hỏi khó hơn khiến người ta vẫn phải bám trụ lại: Về quê thì làm gì?

Câu hát của Đen Vâu “nuôi cá và trồng thêm rau” cũng chỉ là lời hát của tuổi trẻ. Sự thật khó khăn hơn nhiều. Tất nhiên, có nhiều người thành công khi về quê lập nghiệp. Nhưng không có nghĩa ai về quê cũng thành công. Một bạn trẻ trải lòng: “Chậm tiền nhà trọ, nóng hầm hập mà không có tiền lắp điều hòa, những lần lang thang đi tìm việc… không dưới 10 lần tôi đã nghĩ hay về quê tìm việc nhỉ? Nhưng về quê thì sẽ làm gì? Bài toán kinh tế luôn là vấn đề khiến chúng tôi chùn chân mỗi khi quyết định đi hay ở. Kiếm đồng tiền ở thành phố chưa bao giờ là dễ dàng nhưng ở quê, có chút thu nhập cũng khó đối với nhiều người. Quanh quẩn với mấy công việc đồng áng, kinh doanh nhỏ lẻ thì bao giờ mới khá lên được?”.

Về quê không phải là thất bại

Khó khăn về kinh tế là một phần, phần nữa là người ta dám vứt bỏ định kiến về sự phân biệt giữa thành thị với ngoại tỉnh. Ai cũng muốn mình phải là người sống ở thành phố dù không biết có việc hay không. Rồi luôn nghĩ nếu mình bỏ về quê thì là người thất bại, là bỏ lại ước mơ của một thời trẻ, bỏ lại cơ hội nào đó phía trước…

Quan niệm kiếm được tiền để mang về cho bố mẹ, người thân, làm từ thiện ở quê hương, xây nhà ở quê nghỉ ngơi… là phổ biến của nhiều thế hệ người Việt. Thế là luôn nghĩ lúc trẻ phải ở thành phố làm lụng, bao giờ có tiền thì về. Nhưng làm thế nào để kiếm được nhiều tiền ở thành phố thì chưa biết.

“Chung quy lại, mình yêu quê và cũng ước có điều kiện giúp đỡ quê hương, nhưng hiện tại mình chưa đủ khả năng, nên vẫn ở phố làm việc, học hỏi. Thi thoảng về thăm quê. Còn khi mình vững tài chính, cuộc sống ổn định rồi thì về quê, gần cha mẹ, có thể đàng hoàng sống hơn. Xa quê nhiều lúc buồn tủi, thương cha mẹ anh em, nhưng cũng đành cố gắng vì tương lai tốt đẹp hơn” – suy nghĩ này không hiếm gặp.

Ở chiều ngược lại, cũng chính suy nghĩ Hà Nội chỉ là nơi để kiếm tiền, không phải nơi để gắn bó đã khiến không ít người trẻ tuổi không có sự chăm chút, giữ gìn cho thành phố mà họ đang sống. Bởi nơi ấy trong ý nghĩ luôn luôn chỉ là chốn để ghé nhờ.

Ở lại thành phố hay về quê? Vẫn là một câu hỏi lớn, vật vã với những người trẻ tuổi. Thay đổi quan niệm, nếu không có cơ hội tốt ở thành phố thì trở về, dùng ngay tuổi trẻ để lập nghiệp ở quê hương là điều nên được định hướng cho không ít bạn trẻ hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ở hay về đều không dễ dàng