Tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm và kéo giảm tuổi thọ con người - đó là nội dung chính một nghiên cứu khoa học được công bố vào ngày 6/3 trên tạp chí y tế JAMA Network Open. Đây cũng được coi là một trong những nghiên cứu đầu tiên về việc phơi nhiễm ô nhiễm không khí và nguy cơ trầm cảm.
Nhóm nghiên cứu cho biết, ngày càng tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy người dân sống ở khu vực ô nhiễm có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn những người sống ở nơi có không khí sạch hơn. Đặc biệt là với những người sau 64 tuổi. Nếu mắc, người lớn tuổi có thể sẽ suy nghĩ không rõ ràng, chất lượng sống của họ suy giảm và gây phiền hà tới người xung quanh.
Tiến sĩ Xinye Qiu - một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết, họ đã xem xét thông tin của hơn 8,9 triệu người có bảo hiểm y tế và phát hiện ra rằng hơn 1,52 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm.
“Thay vì được tống ra ngoài khi thở ra, chất bẩn lơ lửng trong không khí có thể mắc kẹt trong phổi hoặc đi vào máu của bạn. Phơi nhiễm có thể gây ung thư, đột quỵ hoặc đau tim; làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn và nó liên quan một cách rõ rệt tới chứng trầm cảm” - tiến sĩ Xinye Qiu nói.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Theo thống kê của WHO, hiện cứ 100 người thì có gần 90 người phải hít thở trong bầu không khí ô nhiễm với các mức độ khác nhau. Trong số hơn 8 tỷ người thì có 2,4 tỷ người đang phải đối diện với mức ô nhiễm không khí ở mức “vượt giới hạn cho phép”.
“Nhiều người cho rằng không khí ô nhiễm chủ yếu ở ngoài đường, không khí trong nhà trong lành và an toàn. Nhưng thực tế không khí trong nhà cũng bị ô nhiễm bởi các yếu tố như bếp nấu nướng, thức ăn cũ, rác thải, rèm cửa, quần áo, lông thú nuôi... Trong khi đó sinh hoạt ở nhà chiếm phần lớn quỹ thời gian mỗi ngày” - WHO cho biết và đặc biệt lưu ý phụ nữ mang thai khi hít thở trong bầu không khí ô nhiễm một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và cả thai nhi.
Đầu tháng 3/2023, Viện Chính sách năng lượng thuộc Đại học Chicago (Mỹ) công bố báo cáo cho thấy ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu hóa thạch đang làm mất đi 2 năm tuổi của con người (tính trung bình trên toàn thế giới). Báo cáo dẫn ra rằng, chất lượng không khí khu vực Nam Á nếu mức độ hạt bụi mịn đáp ứng các tiêu chuẩn của WHO sẽ giúp tuổi thọ trung bình của một người có thể kéo dài thêm hơn 5 năm. Tại các bang Uttar Pradesh và Bihar của Ấn Độ, nơi có 300 triệu người sinh sống, bệnh phổi và tim do ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 gây ra có thể đã làm giảm 8 năm tuổi thọ của người dân.
“So với các nguyên nhân gây tử vong sớm khác, tác động của ô nhiễm bụi mịn PM2.5 có thể so sánh với việc hút thuốc lá, gấp 3 lần so với sử dụng rượu và 6 lần so với bệnh HIV/AIDS” - báo cáo của Viện Chính sách năng lượng thuộc Đại học Chicago.
Ô nhiễm bụi mịn PM2.5 có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micron, xâm nhập sâu vào phổi và đi vào máu. Cách đây 10 năm, năm 2013, Liên hợp quốc đã xếp bụi mịn PM2.5 vào danh sách tác nhân gây ung thư. WHO cho biết mật độ bụi mịn PM2.5 trong không khí không được vượt 15 microgam/m3 trong bất kỳ khoảng thời gian 24 giờ trong 1 ngày, hoặc 5 mcg/m3 tính trung bình cho cả năm. Tuy nhiên, hiện mật độ bụi mịn tại hầu hết tất cả các khu vực đông dân trên thế giới đều vượt quá tiêu chuẩn của WHO, trong đó châu Á dẫn đầu. Cụ thể, mật độ bụi mịn tại Bangladesh cao gấp 15 lần tiêu chuẩn của WHO, ở Ấn Độ gấp 10 lần, Nepal và Pakistan gấp 9 lần. Khu vực Trung và Tây Phi, cùng với phần lớn Đông Nam Á và một phần của Trung Mỹ, cũng phải đối mặt với mức độ ô nhiễm cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Tiến sĩ Crista Hasenkopf (Đại học Chicago) nhấn mạnh, việc đảm bảo không khí trong sạch "sẽ trả lại" thêm số năm tuổi thọ cho mọi người. “Nếu bầu không khí chúng ta đang hít thở đáp ứng các hướng dẫn của WHO sẽ giúp tuổi thọ trung bình của con người kéo dài thêm 2,2 năm” - tiến sĩ Hasenkopf nói.
Không chỉ với người cao tuổi, ô nhiễm không khí cũng dẫn đến trầm cảm ở thanh thiếu niên. Đó là nhận định của Hiệp hội Tâm lý Mỹ khi cho rằng thanh thiếu niên tiếp xúc với ozone sinh ra từ ô nhiễm không khí có thể gia tăng các triệu chứng trầm cảm. Ozone là loại khí được tạo ra khi các chất ô nhiễm như khí thải xe cơ giới, nhà máy điện phản ứng với ánh sáng mặt trời.
Dữ liệu của cuộc nghiên cứu được thu thập trong 4 năm với thiếu niên từ 9 - 13 tuổi ở khu vực vịnh San Francisco (Mỹ). Kết quả cho thấy thanh thiếu niên sống ở khu vực có nồng độ ozone tương đối cao có các triệu chứng trầm cảm gia tăng đáng kể theo thời gian. Những triệu chứng trầm cảm có thể phát triển là cảm giác buồn bã, tuyệt vọng dai dẳng, khó tập trung, rối loạn giấc ngủ và suy nghĩ về việc tự tử. Kết quả nghiên cứu không bị tác động từ các yếu tố giới tính, độ tuổi, chủng tộc, thu nhập, trình độ học vấn của cha mẹ và đặc điểm kinh tế xã hội nơi sinh sống.