Không có doanh nghiệp lớn đủ mạnh, chỉ sản xuất được những chi tiết, phụ tùng đơn giản có hàm lượng công nghệ thấp, năng suất yếu… đó là lý do khiến công nghiệp ô tô Việt Nam đến thời điểm này hầu như đã không còn quá khát khao với mục tiêu nội địa hóa ô tô. Điều này cũng đồng nghĩa, giấc mơ mua ô tô giá rẻ của người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn xa vời.
Mục tiêu nội địa hóa của ngành ô tô đã không thể hoàn thành.
Không hoàn thành mục tiêu nội địa hóa
Việt Nam hiện có 400 doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất, kinh doanh ô tô với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 460.000 xe/năm, tuy nhiên phần lớn vẫn là DN có quy mô vừa và nhỏ. Mỗi năm, ngành công nghiệp ô tô đóng thuế trên 1 tỉ USD, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 100.000 lao động trực tiếp.
Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỉ lệ nội địa hóa cao như: xe tải đến 7 tấn sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu với tỉ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, tỉ lệ nội địa hóa trên 45%...
Đây là những con số cho thấy, nền công nghiệp ô tô nước nhà đã và đang rất cố gắng để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Song, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng, với tỷ lệ nội địa hóa xe cá nhân 6-9 chỗ ngồi hiện ở mức 7-10%, mục tiêu nội địa hóa ô tô của Việt Nam đã hoàn toàn thất bại, vì mục tiêu đến năm 2010, phải đạt 60% tỷ lệ nội địa hóa đã không thực hiện được.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng thừa nhận, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện nay mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như: gương, kính, ghế ngồi, ắc quy, săm-lốp… Trong 400 DN, chỉ một số rất ít đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.
Chính sách còn chồng chéo
Theo các DN ngành ô tô Việt Nam, mặc dù đặt mục tiêu đưa ngành công nghiệp ô tô thành ngành mũi nhọn, song trên thực tế, các chính sách hiện nay đối với ngành này chưa thể tạo được động lực cho DN đầu tư phát triển.
Trong thực tế, các chính sách đưa ra còn chồng chéo, thậm chí ngay trong quy định của cùng một Bộ đưa ra cũng nảy sinh mâu thuẫn, nhiều chính sách đưa ra đột ngột, thiếu thực tế, thiếu tính khả thi… gây rất nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư.
Nhiều DN cho biết, về tỉ lệ nội địa hóa, các DN luôn nỗ lực tìm kiếm tất cả khả năng để có thể sản xuất trong nước, vấn đề là phải nhận được những tín hiệu tốt từ các chính sách do các nhà quản lý đưa ra.
Không ít ý kiến cho rằng, việc đưa ra một con số cụ thể về tỷ lệ nội địa hóa là chưa hợp lý, bởi, các DN luôn cố gắng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để giảm chi phí, vấn đề ở đâu là “lực bất tòng tâm” . Bởi vậy, theo các DN, nhà quản lý không nên đặt ra mục tiêu nội địa hóa mà nên đặt ra các mục tiêu cụ thể để phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Tại cuộc họp với Bộ Công thương liên quan đến mục tiêu phát triển ngành ô tô Việt Nam diễn ra cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô là trở thành ngành kinh tế chủ lực, đáp ứng nhu cầu cho người dân và DN, hướng đến xuất khẩu.
Phó Thủ tướng khẳng định lấy mục tiêu phát triển để hành động, tháo gỡ khó khăn cho DN, bao gồm DN sản xuất, lắp ráp, DN phụ trợ.
Do đó, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô cần vào cuộc tích cực, chủ động hơn, thể hiện qua việc tăng cường kết nối, phối hợp giữa các DN trong nước với DN quốc tế. Các DN cũng cần tái cấu trúc, lựa chọn sản phẩm chủ lực, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.
Để đạt được những mục tiêu nói trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương rà soát cơ chế, chính sách để bổ sung các chính sách còn thiếu, điều chỉnh những chính sách chưa phù hợp, quan trọng hơn là tạo sự đồng bộ, thống nhất.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, một trong những ưu tiên của Chính phủ trong thời gian tới là phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua việc đẩy mạnh hợp tác, mở rộng thị trường và triển khai những chính sách để hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.