Thời gian qua, nhiều người tham gia giao thông không khỏi cảm thấy khó chịu khi có những chiếc xe ô tô dán đề can quảng cáo lòe loẹt, đủ các sắc màu “xanh, đỏ, tím, vàng” chạy trên phố. Các “khối màu” di động này không chỉ tạo cảm giác “nhức mắt”, mà còn gây sự chú ý của người điều khiển phương tiện trên đường, dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Nói có sách, mách có chứng. Chỉ cần dạo phố một vòng sẽ thấy không hiếm những chiếc xe ô tô 12-45 chỗ dán đề can quảng cáo cho một nhãn hàng, một doanh nghiệp, một khu du lịch... kín mít từ đầu đến cuối. Những chiếc xe ô tô “ninja” này thậm chí còn “bịt” luôn cả những bộ phận vốn có chức năng đảm bảo an toàn giao thông như kính chiếu hậu.
Trước tiên, xin khẳng định ngay rằng, quyền được quảng cáo là của các doanh nghiệp, ông chủ nhãn hàng. Song, quảng cáo ở đâu, như thế nào, hình thức ra sao lại phải tuân thủ nghiêm quy định của Luật Quảng cáo, chứ không thể tùy tiện. Trong trường hợp này, việc quảng cáo còn phải tuân thủ cả Luật Giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).
Để rộng đường dư luận, bài viết xin được phân tích lẽ “thiệt - hơn”, sự “được - mất” của việc dán đề can quảng cáo kín mít từ đầu tới cuối xe ô tô. Xét về góc độ hiệu quả, đúng là những biển quảng cáo di động to đùng dễ đi vào tiềm thức của người nhìn thấy nó. Song, điều đó cũng chưa chắc khiến người tiêu dùng sử dụng hàng hóa, dịch vụ bởi thấy khó chịu.
Mục đích của việc quảng cáo là để người tiêu dùng dễ nghe, dễ thấy và nhớ được thương hiệu, sản phẩm, chờ khi họ “móc hầu bao” chi tiêu sẽ sử dụng nhãn hàng, dịch vụ đó. Song, trong trường hợp này mục tiêu quảng cáo chỉ đạt được một nửa, đó là dễ thấy và dễ nhớ, nhưng lại làm cho người ta bất mãn, khó chịu thì mục đích quảng cáo gần bằng 0.
Mục đích quảng cáo đã không đạt được như mong muốn, những chiếc ô tô dán đề can quảng cáo kín mít còn là tác nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông do gây sự tò mò, chú ý của người đi đường. Người dân không thể kịp thời phản ứng, xử lý tình huống phát sinh trên đường, khi mà suy nghĩ và ánh mắt còn mải dõi theo chiếc xe “kỳ dị” đang lướt đi trên phố.
Ngoài việc khiến người điều khiển phương tiện trên đường mất tập trung, việc dán đề can quảng cáo kín mít “từ đầu tới chân” của những chiếc ô tô trên còn làm cho chính lái xe không thể quan sát tình huống giao thông. Kính chiếu hậu vốn để lái xe quan sát khi lùi, nhưng nay đã bị đề can quảng cáo “bịt mắt”, làm sao các tài xế đảm bảo ATGT đây?
Không phải vô cớ mà Luật Giao thông đường bộ, các nghị định và thông tư hướng dẫn đã nghiêm cấm việc thay đổi kết cấu, màu sơn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Quy định như vậy ngoài việc đảm bảo ATGT đường bộ, còn để lực lượng chức năng là Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông dễ dàng phát hiện, xử lý vi phạm của người điều khiển phương tiện.
Đáng tiếc, một số doanh nghiệp, ông chủ nhãn hàng chỉ vì lợi ích của bản thân, cố tình vi phạm quy định của pháp luật. Không chỉ là vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây mất ATGT, mà còn vi phạm Luật Quảng cáo...
Một số người đặt câu hỏi: Vì sao các ông chủ doanh nghiệp, nhãn hàng lại có thể vô tư, tự do vi phạm nhiều quy định của pháp luật? Câu trả lời “hơi khó” nên người viết bài xin nhường cho lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông từ Trung ương đến địa phương trả lời giúp cho dư luận xã hội. Chỉ có thể nói rằng, chừng nào hành vi ngang nhiên vi phạm pháp luật không bị xử lý, khi đó kỷ cương phép nước còn bị “nhờn”, nhiều hệ lụy xấu còn diễn ra.