Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lạm phát tăng chậm lại song vẫn duy trì ở mức cao và áp lực tăng trở lại khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường.
Ngày 18/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ban Kinh tế Trung ương;Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Kinh tế- Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.
Dự phiên khai mạc có: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Uỷ viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Uỷ viên Bộ chính trị, Giám đốc Học Viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; cùng khoảng 400 đại biểu tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và một số chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài tham dự theo hình thức trực tuyến.
Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022 bao gồm 1 Phiên toàn thể và 2 Phiên hội thảo chuyên đề. Theo đó, sau phiên khai mạc Diễn đàn; các đại biểu tham dự 2 hội thảo chuyên đề gồm: Phiên Hội thảo chuyên đề số 1 với chủ đề: “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Phiên Hội thảo chuyên đề số 2 với chủ đề: “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.
Phiên toàn thể và Tọa đàm cấp cao sẽ diễn ra trong buổi chiều với chủ đề “Củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.
Phát biểu khai mạc chỉ đạo Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Trong 8 tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn do hậu quả dịch Covid-19, hiện tượng thời tiết cực đoan, xung đột quân sự Nga - Ukraine. Tăng trưởng kinh tế tại nhiều nước, khu vực chậm lại; chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế suy giảm, lạm phát tăng mạnh do giá cả hàng hóa, năng lượng, lương thực vẫn đang ở mức cao; Ngân hàng trung ương Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương Châu âu (ECB) và ngân hàng trung ương nhiều nước phải liên tiếp tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Theo Chủ tịch Quốc hội, ở trong nước, kinh tế-xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng: dịch bệnh được kiểm soát; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt; hoạt động bán lẻ phục hồi mạnh; xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, cán cân thương mại xuất siêu gần 4 tỷ USD; giải ngân FDI khả quan; thu ngân sách đạt khá nhờ kinh tế phục hồi; lạm phát thấp, lãi suất, tỷ giá chịu áp lực tăng song vẫn trong tầm kiểm soát; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân tiếp tục phục hồi. Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,7-7,5%, lạm phát dưới 4%. Mới đây, trong tháng 8/2022, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 8,5% năm 2022, mức cao nhất ở khu vực Châu á - Thái bình dương và vào ngày 6/9/2022 tổ chức này nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
Tuy vậy theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, tình hình kinh tế-xã hội nước ta đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn; việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô mà nói rộng hơn là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội còn rất nhiều thách thức.
Theo đó, giải ngân đầu tư công còn chậm và vẫn là điểm nghẽn, đến hết tháng 8 mới chỉ đạt 39,2%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021, trong đó giải ngân ODA chỉ mới đạt 15% so với kế hoạch. Lạm phát tăng chậm lại song vẫn duy trì ở mức cao và áp lực tăng trở lại khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Giá năng lượng cao, chi phí vận tải và các mặt hàng như phân bón và thức ăn chăn nuôi tăng cũng có thể khiến giá cả nhiều loại hàng hóa và dịch vụ tăng, gây thêm áp lực lạm phát. Nợ xấu tiềm ẩn, xử lý các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại hệ thống tài chính-ngân hàng còn nhiều thách thức, khó khăn; thị trường tiền tệ, chứng khoán cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro, phát triển thiếu lành mạnh, bền vững.
Nhấn mạnh củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu, nhất là do kinh tế nước ta có độ mở rất lớn và tình hình thế giới, khu vực luôn có biến động bất thường, khó dự báo. Bài học thực tiễn qua hơn 35 năm đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như trong 2 năm qua có thể nói rằng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “ bất biến’’ để ứng với “ vạn biến’’ của tình hình kinh tế quốc tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu cần phân tích, đánh giá, làm rõ thực trạng, bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ khu vực, thế giới; dự báo xu hướng trung hạn, dài hạn; phân tích, đánh giá những tác động, cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, 2023 và giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng kinh tế - xã hội, nhất là tình hình kinh tế vĩ mô, năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, dự báo cho cả năm 2022, 2023; chỉ rõ các thành tựu, kết quả đã đạt được và cảnh báo những rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính cả ở khu vực kinh tế thực, tăng trưởng kinh tế và lạm phát khu vực doanh nghiệp phi tài chính, thị trường bất động sản, khu vực kinh tế đối ngoại, tỷ giá, cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, khu vực tài chính tiền tệ, quy mô và cấu trúc các thị trường tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm và rủi ro, bất ổn trong chính sách tài khóa, quy mô, cơ cấu nợ công, cân đối ngân sách nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/NQ/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ và phối hợp chính tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Đặc biệt từ kinh nghiệm quốc tế, và đề xuất chính sách cho Việt Nam trong củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường năng lực chống chịu và tự cường của nền kinh tế, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong năm 2023 và định hướng cho cả nhiệm kỳ 2021-2025. Các kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong hoạch định và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật, thể chế, chính sách của Nhà nước.