Năm này nữa là năm thứ 5, họ đến, ở lại “đánh bạn” và làm giàu trên độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, tại đỉnh đèo hoang vu, trọc lốc, tưởng hề như không còn sức sống của nơi đầu nguồn Pác Ả (Nà Phặc - Bắc Kạn). Ngoài việc làm giàu cho bản thân, gia đình; thông qua mô hình trang trại họ còn đang cùng các dân tộc thiểu số nơi đây chung tay viết lên một mối thâm giao mang tình đoàn kết lớn lao.
Một góc trang trại nơi đèo gió Pác Ả.
Hạnh phúc… “cuối đường hầm”
Bây giờ đã là chủ một trang trại mang tính điển hình của tỉnh nghèo Bắc Kạn, có hàng chục lao động là người dân tộc thiểu số, có ký hợp đồng làm công ăn lương cùng các khoản đài thọ khác nhưng trông ông Nguyễn Văn Quế vẫn hết sức đơn giản. Ngược lại lịch sử đời mình, ông Quế hồi tưởng: Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, Bắc Kạn nổi danh với cả nước bằng việc bùng phát của các mỏ vàng. Những bãi vàng có tên như Khau Âu, Na Rì, Tốc Lù… đã như một “cục nam châm” thu hút sự chú ý, kiếm tìm vận may của nhiều người ở các tỉnh.
Là một nông dân đơn thuần, nguồn thu nhập ít ỏi từ ruộng đồng đã làm cho những người như ông Quế không bao giờ có tầm nhìn và mơ ước vượt khỏi lũy tre làng. Trong cảnh nông nhàn, thu nhập phập phù thì cái tin làm giầu và kiếm tiền ở các bãi vàng kia đã gieo vào trong ông một ước mơ “thoát nghèo”. Vật vã cùng xe cộ hơn 2 ngày rồi ông cũng có mặt tại cái thị xã heo hút nơi miền núi.
Lang thang hơn nửa ngày trời nữa, tìm mua những thứ đồ cần thiết, cả những vũ khí phòng vệ cá nhân để “ứng phó” nơi bãi vàng khi có chuyện xẩy ra, theo bước chân của những người cùng chung hy vọng ông tìm vào bãi vàng Khau Âu. Cũng sục sạo, cũng đào bới, nơm nớp với những lo sợ trong sự bủa vây của tiếng súng cướp lò, cướp vàng, những khói thuốc phiện được xả ra từ các dọc tẩu, ông lăn lê bò toài đào bới và hy vọng.
Rất nhiều người “trúng ục”, nghĩa là tìm được những những hố vàng mà trọng lượng có thể lên đến cả yến, cả tạ nhưng vận may đã không đến cùng ông. Thân thể vàng bủng, tong teo do đói ăn, tinh thần suy kiệt, thời gian tìm vận may đã nhanh chóng “đốt” đi những năm tháng quý hiếm trong quãng đường mưu sinh của ông.
Từ Khau Âu, “cơn sốt” đào bới vàng đã kéo ông sang Ma Lu rồi Tốc Lù. Đâu đâu ông cũng đều không may mắn, chỉ kiếm đủ cái bỏ miệng để tồn tại, sự nghèo khó bủa vây đến nỗi muốn về nhà cũng không kiếm đủ tiền tầu xe. Năm tháng nhanh chóng xuôi, quay đi quay lại đã 5 năm trời ông lang thang dặt dẹo nơi các bãi. Đến khi các bãi vàng bước vào suy tàn thì ông mới chính thức nhận ra vận may của nghề đào đãi vàng đã không đến cùng mình.
Tay trắng hoàn tay trắng, ông rơi vào tình cảnh “nghĩ đến tương lai trào nước mắt, nhìn về quá khứ toát mồ hôi”. Một sự thất vọng bủa vây đã đem đến cho ông một mặc cảm không còn dám trở về nơi mình đã ra đi nữa.
Trong lúc hoang mang tột độ này ông có thời gian trấn tĩnh, nhìn lại đồi núi nơi đầu nguồn Pác Ả. Đất đai rộng mênh mông, vàng đây chứ còn đâu. Một ước mơ bám đất, làm trang trại vụt sáng. Ông lần hồi đến nhà những người bạn mà mình đã quen trong các bãi vàng để vay tiền làm trang trại.
Mở lối cho dân và mình
Tiền đến đâu đầu tư đến đó, lấy sức mình là chính, ông Quế lao tâm khổ tứ với những quả đồi, quả núi hoang thông thốc gió Pác Ả. Sáng nấu một nồi cơm to vật ông quẩy quả lên rừng, tối nhọ mặt người mới trở về lán, “bạn thân” lúc này của ông chỉ là 2 con chó dé.
Người có công, đất không phụ, quay đi quay lại 24ha đất bạc mầu đã được ông tần tảo phủ xanh cây trái, chủ yếu là trồng cam, quýt đặc sản, hồi, sở và cỏ AB06. Cây cối bắt đầu cho thu hoạch ông đang nghiên cứu thêm một mô hình làm giầu nữa thì vận may đã đến với ông khi ông “vô tình” đọc được thông tin từ một tờ báo đi mượn về mô hình chăn nuôi đà điểu và làm nấm sò, nấm mỡ dưới xuôi.
Không nề hà ông đã vun vén tiền nong xuôi về mạn dưới, vào Trung tâm giống gia cầm mua sách hướng dẫn để học hỏi. Khi kinh nghiệm chăn nuôi đã thông, ông bỏ tiền ra mua được hai con đà diểu về nuôi, ít nấm sò nấm mỡ về trồng. Nấm lớn bán lấy tiền rồi lại dồn tiền mua đà điểu. Cứ năng nhặt chặt bị, quy đổi từ nấm sang đà điểu chẳng bao lâu sau ông đã có 100 con đà điểu trong tay.
Những chàng trai dân tộc thiểu số đã có việc làm, với thu nhập đủ nuôi mình và vợ con.
Nhà xưởng chăn nuôi cũng dần được định hình, nhu cầu lao động bắt đầu cần có, ông đi thuê và ký hợp đồng lao động. Trong phương châm tuyển lựa lao động ông chủ tâm chọn lao động là những dân tộc thiểu số. Theo ông, ngoài việc họ chăm chỉ thì ông còn muốn trả ơn cho họ vì họ chính là nơi ông dựa dẫm lúc khốn khó nhất sau thời tìm kiếm vàng.
Những lao động người dân tộc như Bàn Văn Hiến, Đặng Thị Xuân, Đặng Thị Liên… đã được ông ký hợp đồng. Mỗi tháng ông trả cho họ trên 3 triệu đồng, cơm nuôi ngày 3 bữa, 3 tháng được nghỉ 7 ngày và vẫn hưởng lương 100%. Từ cây đến con, từ đà điểu hiện nay ông đã tiến tiếp vào nuôi bò và nuôi lợn rừng. 100 con bò thịt cao sản cũng đã được ông mua về cùng đó là 20 con lợn rừng bắt đầu sinh sản. Việc chăn nuôi thuận, hiện tại nhiều chủ vàng may mắn hơn ông đang rơi vào tình trạng “chân dẫm, chân xóa” thì ông lại nổi lên là chủ giầu có của một trang trại. Nhẩm tính 24ha cây ăn quả, 110 con đà điểu, 100 bò và 20 lợn rừng thì hiện tại ông Quế đã có vài chục tỷ trong tay.
Kinh tế có, hiện ông Quế đã chọn vùng đất này làm quê hương thứ 2. Sau gần chục năm trời lao tâm khổ tứ ông đã đưa vợ con lên ở cùng mình, giúp ông cai quản trang trại và bắt đầu mở mặt mở mày với thiên hạ. Lược bán các loại gia súc, gia cầm ông đã quyết định đầu tư một trạm điện 35KVA với chi phí gần 2 tỷ đồng. Trạm điện này ngoài việc cung cấp điện hoạt động cho trang trại ông còn tạo điều kiện cho bà con các hộ dân tộc kéo về để dùng.
Giờ đây ngoài cái tên ông Quế trang trại thì còn một cái tên “Quế điện” mà bà con ở đây đã ưu ái dành cho ông. Nói về “ơn nghĩa” này, ông Đặng Tuần Khiêm, thôn Gốc Sả, xã Nà Khoang cho biết: Ngoài tạo công ăn việc làm cho người lao động, người dân tộc thiểu số chúng tôi còn cám ơn cái đường điện mà ông Quế đã đem về cho dân dùng. Nhờ điện của ông Quế mà cái tivi nhiều hộ dân đã “được thắp” và đem lại những thông tin bổ ích về thời sự và các kinh nghiệm làm giầu khác.
Trên con đường xuôi dốc ra đường cái, dưới tán lá xanh ngặt của các loại cây trong trang trại, ông Quế cho biết: Tôi vừa làm đơn xin thêm 50ha đất đồi núi trọc ở xã Cốc Đám, huyện Ngân Sơn để mở rộng quy mô trang trại. Nếu việc thành tiếp thì tôi sẽ có thêm cơ hội để giải quyết việc làm và thu nhập cho nhiều người thiểu số nơi đây.
Trong mầu xanh ngút ngàn của cây trái, những người nông dân thiểu số hiện là công nhân của ông Quế đang rảo chân trở về trang trại sau ngày lao động. Gặp tôi, gặp ông Quế họ đều đồng loạt cất tiếng dân tộc chào. Ông Quế cũng dùng tiếng dân tộc chào lại họ, tất cả dường như không hề có một khoảng cách nào giữa người Kinh và người Dao cũng như người Tày.