Liên tiếp trong thời gian gần đây xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm đối với học sinh. Còn Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh mới đây cũng có văn bản khẩn gửi các các đơn vị trực thuộc yêu cầu rà soát, chấn chỉnh hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trong đó yêu cầu các trường không cho học sinh cấp tiểu học đi dã ngoại ngoài khu vực thành phố. Vậy có nên cho trẻ trải nghiệm giáo dục ngoài giờ và cần đảm bảo an toàn cho học sinh như thế nào? PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu quốc hội khoá XIII đã dành cho Báo Đại Đoàn Kết cuộc trao đổi.
PV: Thưa bà, vừa qua 72 học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhập viện do ngộ độc thực phẩm sau khi đi tham quan học tập ngoại khóa tại trang trại Cánh Buồm Xanh (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm). An toàn thực phẩm là vấn đề được đặt lên hàng đầu tại các bếp ăn tập thể. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm thì lo ngại nhất chính là trẻ em. Bà nhìn nhận sự việc trên như thế nào?
PGS.TS BÙI THỊ AN: An toàn thực phẩm là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến quyền sống của con người. Đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục ở cấp mầm non, hay tiểu học. Trong quá trình cung cấp thực phẩm thì nhà trường phải ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm và phải đảm bảo nguồn gốc thực phẩm có xuất xứ rõ ràng và minh bạch. Tôi nói ví dụ, nơi cung cấp phải bảo quản thực phẩm trong thời gian bao nhiêu lâu. Do vậy cần xem xét nguyên nhân tại sao vì trong hợp đồng giữa hai bên đều có những điều khoản. Rồi quá trình kiểm tra như thế nào?...
An toàn thực phẩm còn liên quan đến mạng sống con người, nhất lại là trẻ em. Đây là trách nhiệm trong quản lý, trước hết là nhà trường và nhà cung cấp thực phẩm cho nhà trường. Nhà trường ở đây chịu trách nhiệm trong việc ký hợp đồng với ai? Mua thế nào? Và kiểm tra thực phẩm thế nào? Cho nên, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà trường. Chúng ta phải truy trách nhiệm đến cùng về việc ai là người ký hợp đồng, rồi kiểm tra thực phẩm. Nói người cung cấp phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cũng không phải. Bởi anh là người đi mua thì chính anh phải là người chọn.
Quan điểm của tôi là không nên cực đoan, không phải cái gì khó là cấm. Chúng ta nên cho học sinh đi trải nghiệm nhưng phải quản lý các cháu. Học sinh cần được cho đi thực tế, dã ngoại. Khó thì cần quản lý cho tốt, không nên vì thấy khó mà cực đoan. Chúng ta cần tổ chức cho học sinh đi dã ngoại như thế nào để các cháu vừa tiếp thu được kiến thức trong thực tiễn, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh.
Nếu mua ở chợ, số lượng ít thì là hộ gia đình hay cá nhân. Nhưng vì liên quan đến tập thể, mua qua các doanh nghiệp cung cấp thì có các điều kiện ràng buộc về mặt chất lượng là phải rõ ràng, thưa bà?
- Phải thẳng thắn rằng không ai tự dưng đến, và dễ dàng được cung cấp cả. Vì cung cấp thực phẩm cho các trường học cũng như cung cấp quần áo đồng phục cho học sinh, doanh nghiệp phải xây dựng được mối quan hệ, có được hợp đồng ký kết với các trường.
Như tôi đã đề cập ở trên thì nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm do ký hợp đồng thì phải kiểm soát nguồn thực phẩm thế nào? Gia đình đã trao con em cho nhà trường thì nhà trường phải chịu trách nhiệm, và chúng ta cần truy trách nhiệm đến cùng.
Mặt khác, việc chọn hàng cho tập thể đều có nguyên tắc, và quy chuẩn chất lượng. Ví dụ giá cả thế nào? Bao nhiêu đơn vị chào hàng? Chất lượng ra sao? Đấu thầu thế nào. Còn thực phẩm là phải đấu thầu giữa các doanh nghiệp cung cấp. Cho nên việc chọn ai, đơn vị nào đấu thầu là nhà trường có quyền. Thế nên nhà trường phải chịu trách nhiệm do chọn ai, mua của ai là quyền của anh. Tôi nói luôn là chọn thực phẩm mà để xảy ra ngộ độc thực phẩm thì phải chịu trách nhiệm.
Nhưng vụ này lại xảy ra trong quá trình đi dã ngoại, trải nghiệm thực tế, thưa bà?
-Dù cho học sinh đi đâu thì vẫn thuộc sự quản lý của nhà trường. Phụ huynh chịu trách nhiệm đối với con khi hết giờ học và bên ngoài nhà trường. Còn học sinh đã đến trường là chịu trách nhiệm của nhà trường trong đảm bảo an toàn về tính mạng, trong dạy dỗ học hành, trong vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi nói ví dụ nhà trường cho học sinh đi bơi không may xảy ra việc thương tâm, đuối nước thì nhà trường phải chịu trách nhiệm chứ. Chỉ khi nào các cháu được bố mẹ đón ra khỏi cổng nhà trường, về với gia đình thì đó là trách nhiệm của gia đình, của phụ huynh. Dù cho đi dã ngoại, cắm trại, ăn uống thì học sinh vẫn phải thuộc sự quản lý của nhà trường. Thực ra khi tổ chức cho học sinh đi dã ngoại, đi chơi nhà trường thì đều có kinh nghiệm tổ chức. Đi đâu cũng phải tính đến độ an toàn chứ không phải tự nhiên cho học sinh đi dã ngoại.
Nói đến dã ngoại thì vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng có văn bản khẩn gửi các các đơn vị trực thuộc yêu cầu rà soát, chấn chỉnh hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá, trong đó yêu cầu các trường không cho học sinh cấp tiểu học đi dã ngoại ngoài khu vực TP Hồ Chí Minh. Bà nghĩ sao về việc này?
- Quan điểm của tôi là không nên cực đoan, không phải cái gì khó là cấm. Chúng ta nên cho học sinh đi trải nghiệm nhưng phải quản lý các cháu. Học sinh cần được cho đi thực tế, dã ngoại. Khó thì cần quản lý cho tốt, không nên vì thấy khó mà cực đoan. Chúng ta cần tổ chức cho học sinh đi dã ngoại như thế nào để các cháu vừa tiếp thu được kiến thức trong thực tiễn, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh.
Là một nhà khoa học, bà thấy việc trong giáo dục thì cho học sinh đi thực tế cuộc sống sẽ giúp ích thế nào đến việc phát triển của các em sau này?
- Trong giáo dục cần gắn lý thuyết với thực hành. Nhất là lý thuyết giáo dục tại nhà trường với thực tiễn cuộc sống để các học sinh có thể tiếp xúc với thiên nhiên, hiểu học về cái lá dâu, lá khoai thì hôm nay đi thực tế thấy nó thế nào. Từ đó giúp cho học sinh có kiến thức thực tiễn để các em tự tin khi ra đời.
Việc cho học sinh đi dã ngoại hay thực tế chính là quá trình bổ sung kiến thức thực tiễn cho học sinh. Bản thân con người cần cả lý thuyết lẫn thực tiễn thì mới trọn vẹn. Đối với học sinh thì càng quan trọng vì giúp cho trẻ từ nhỏ đã áp dụng và được trải nghiệm từ lý thuyết đến thực tiễn cuộc sống, các em yêu thiên nhiên, tiếp xúc với người công nhân, nông dân để hiểu được quá trình lao động sản xuất. Đây là cái giúp cho học sinh trưởng thành hơn rất nhiều, kiến thức đó làm cho các em yêu cuộc đời, tự tin hơn, và thậm chí là còn giúp ích cho định hướng nghề nghiệp.
Tuy nhiên chúng ta cần nghiên cứu tỷ lệ cho các em đi dã ngoại, thực tế. Ví dụ ở bậc mầm non, tiểu học, trung học, và đại học thế nào? Nghĩa là bổ sung kiến thức thực tiễn trong từng giai đoạn một. Đối với trẻ mầm non cho các em đi xem người nông dân gieo đỗ thế nào? Tiểu học thì cấy lúa ra sao để học sinh biết được cây lúa như thế nào. Đây là vấn đề mà ngành giáo dục cũng có nghiên cứu trong giáo trình giảng dạy ở mỗi cấp học, và các trường cần nghiên cứu để áp dụng đối với trường mình sao cho phù hợp với học sinh nhất mà thôi. Tôi rất muốn nhấn mạnh rằng, kiến thức từ thực tiễn bao giờ cũng rất cần thiết.
Hiện nay đang có thực tế một số trường ký kết với các công ty để tổ chức cho học sinh đi dã ngoại. Theo bà vấn đề trên cần quản lý như thế nào để đảm bảo an toàn cho học sinh, từ đi lại cho đến an toàn thực phẩm, nhưng quan trọng nhất là kiến thức cho học sinh sau dã ngoại chứ không đơn thuần chỉ là một chuyến đi?
- Chúng ta cần nâng cao trách nhiệm ý thức quản lý của nhà trường. Và cũng cần tính đến tần suất đi chứ không phải lạm dụng cho học sinh đi dã ngoại liên tục. Như vậy là không cần thiết và tốn kém cho phụ huynh học sinh. Mỗi trường cần nghiên cứu tính toán, tháng này đi xưởng mộc thì tháng sau đi thăm đồng ruộng, trang trại. Nghĩa là đề cao trách nhiệm quản lý của các cơ sở giáo dục đào tạo để học sinh tiếp thu được kiến thức lý thuyết và thực tiễn. Nhưng quan trọng nhất chính là an toàn và kiến thức của học sinh thu được sau quá trình đi dã ngoại, trải nghiệm.
Trân trọng cảm ơn bà!