Thời gian vừa qua, có tình trạng nhân viên ngân hàng ép khách hàng phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn. Hoặc nhân viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ lừa khách hàng. Bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đã trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PV: Thưa bà, việc ép mua bảo hiểm khi vay vốn qua ngân hàng có làm méo mó bản chất của bảo hiểm? Cơ quan quản lý sẽ giám sát hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng như thế nào?
Bà Phạm Thu Phương: Cơ sở thúc đẩy bảo hiểm nhân thọ ra đời chính là nhu cầu thực tế phát sinh trong cuộc sống. Khi đã đáp ứng đúng, trúng nguyện vọng của người tham gia thì sự phát triển của bảo hiểm nhân thọ (BHNT) là tất yếu. Như vậy, nếu có yếu tố ép buộc là đi ngược với mục đích ra đời của BHNT, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của chính BHNT. Giao dịch bảo hiểm cũng là giao dịch dân sự, phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng lợi ích các bên. Việc một số nhân viên tín dụng gợi ý, chèo kéo khách hàng tham gia BHNT đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, đi ngược lại với bản chất của bảo hiểm.
Pháp luật cũng đã có các quy định rõ ràng, minh bạch về hợp đồng bảo hiểm, xây dựng thiết kế sản phẩm bảo hiểm, công khai thông tin về hợp đồng/sản phẩm bảo hiểm, trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) bảo hiểm và của đại lý bảo hiểm khi tư vấn, chào bán bảo hiểm; xây dựng các bản tóm tắt hợp đồng bảo hiểm trong đó có các quyền lợi, thời hạn, các nghĩa vụ đóng phí, cung cấp thông tin và các lưu ý quan trọng khác.
Cơ quan quản lý có giải pháp gì để chấn chỉnh thị trường BHNT trong thời gian tới, thưa bà?
- Thời gian qua, Bộ Tài chính đã có các công văn chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của các DN và yêu cầu các DN bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Đồng thời, tổ chức làm việc trực tiếp với một số DN bảo hiểm có phản ánh của khách hàng; yêu cầu DN bảo hiểm xem xét, xử lý dứt điểm khiếu nại của khách hàng, bảo đảm quyền lợi khách hàng trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm đã giao kết và quy định pháp luật. Tổ chức họp với toàn bộ các DN BHNT và yêu cầu các DN bảo hiểm rà soát, tăng cường giám sát thực hiện các quy trình nghiệp vụ và quản lý chất lượng đại lý bảo hiểm.
Chúng tôi cũng đã thiết lập và tổ chức đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh liên quan đến bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng/tổ chức tín dụng. Đặc biệt là phối hợp với cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước để xây dựng Quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan trong việc thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng trong hoạt động đại lý bảo hiểm
Để tăng cường tính minh bạch của thị trường và đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, thời gian tới, Bộ Tài chính dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về kinh doanh bảo hiểm, trong đó nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm nâng cao chất lượng của đại lý bảo hiểm, có các quy định riêng về việc triển khai bán bảo hiểm qua ngân hàng; tăng cường trách nhiệm của DN bảo hiểm trong việc giám sát hoạt động tư vấn của đại lý; minh bạch hóa các thông tin về hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra, sẽ rà soát, trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với các quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trong năm nay, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra các DN bảo hiểm có bán bảo hiểm qua ngân hàng. Các trường hợp phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Về phía các DN bảo hiểm, Bộ Tài chính yêu cầu rà soát tổng thể quy trình nghiệp vụ (quy trình đào tạo đại lý, quy trình khai thác, thẩm định hợp đồng và giải quyết quyền lợi bảo hiểm), đảm bảo việc triển khai thực hiện theo đúng quy trình và quy định pháp luật có liên. DN bảo hiểm phải công bố đường dây nóng và các bộ phận thường trực với cán bộ có đủ thẩm quyền để tiếp nhận và giải đáp, xử lý dứt điểm, kịp thời các phản ánh/thắc mắc của khách hàng về hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời, tăng cường các chế tài và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm của đại lý bảo hiểm thuộc thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án.
Bà có khuyến nghị gì với người dân khi mua BHNT?
- Về phía khách hàng tham gia bảo hiểm, cần tìm hiểu kỹ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm. Trước hết là để đảm bảo quyền lợi cho cá nhân người tham gia bảo hiểm, đồng thời giảm thiểu tranh chấp phát sinh. Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, khách hàng có 21 ngày để cân nhắc tham gia bảo hiểm sau khi DN bảo hiểm đã phát hành hợp đồng. Nếu trong thời gian này có thắc mắc, khách hàng có thể trực tiếp yêu cầu DN bảo hiểm giải thích rõ. Nếu không tham gia bảo hiểm nữa, khách hàng có thể hủy hợp đồng, được hoàn phí bảo hiểm sau khi trừ một số chi phí nhất định.
Trân trọng cảm ơn bà!
Để tăng cường tính minh bạch của thị trường và đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, thời gian tới, Bộ Tài chính dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về kinh doanh bảo hiểm, trong đó có việc tăng cường trách nhiệm của DN bảo hiểm trong việc giám sát hoạt động tư vấn của đại lý.