Ngày 21/9, Ủy ban TVQH cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.
Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
phát huy ưu thế trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với nhiều loại tội phạm mới.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi. Công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế “xin, cho”, là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, tổ chức - cán bộ, tín dụng, ngân hàng.
Số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện. “Nguyên nhân là do còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý”-ông Sáu cho biết, đồng thời cho rằng, việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức.
Hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; công tác quản lý, theo dõi việc kê khai, công khai, xác minh về tài sản, thu nhập chưa có tính hệ thống. Những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được.
Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hiện vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chỉ rõ, có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước.
Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ đảng viên và nhân dân vào chủ trương của Đảng, Nhà nước. “Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới”- bà Nga nêu rõ.
Về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, Nguyễn Mai Bộ kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hành pháp có biện pháp kê biên tài sản.
Bộ Công an ngay sau khi khởi tố bị can thì phải áp dụng kê biên tài sản với đối tượng tham nhũng, hiện nay áp dụng không nhiều cho nên đối tượng đã kịp tẩu tán tài sản. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu bày tỏ băn khoăn khi có 1 triệu người kê khai tài sản, nhưng kê khai đang còn nặng tính hình thức. Vậy không biết kê khai có đúng không?
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, từng ngành phải xem mình đã phát hiện được gì trong công tác quản lý để đưa ra giải pháp. Có nguyên nhân khách quan nhưng cần đặc biệt đánh giá nguyên nhân chủ quan. Phải xem luật pháp đã hoàn chỉnh chưa? có gì thiếu sót không? nỗ lực quản lý kinh tế xã hội có gì sai không? để khắc phục.
Liên quan đến vấn đề phòng, chống tội phạm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị, cần rà soát lại Luật. Tại sao tỷ lệ tội phạm trộm cắp cướp giật phát hiện thấp, bởi Luật có khoảng trống.
Hành vi trộm cắp, cướp xã hội không chấp nhận nhưng nếu quy định phải từ 2 triệu trở lên mới là ăn cắp, mới bị xử lý thì cũng khó. Có những tài sản của dân chưa đến 2 triệu, tội phạm chỉ ăn cắp tài sản 1,8 -1,9 triệu nhưng không thể xử lý được. Làm sao xác định giá trị thế nào của tài sản trộm cắp? Dân thì lại không tin nghĩ là Công an nương tay.