Ngày 12/2, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế về tình hình phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao những kết quả tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành nông nghiệp của tỉnh nói riêng. Bộ trưởng đề nghị, những chương trình phát triển của Thừa Thiên - Huế từ khuyến nông, kinh tế hợp tác, chế biến, phát triển thị trường, kể cả thủy sản, lâm nghiệp phải tư duy tích hợp đa giá trị; sản xuất phải gắn liền với phát triển thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Người nông dân phải tạo ra sản phẩm khác biệt để nâng cao giá trị gia tăng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; đầu tư hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu sản xuất; phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Đối với xây dựng nông thôn mới không chỉ chú trọng vào đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng mà phải quan tâm phát triển khu vực kinh tế nông thôn, văn hóa nông thôn, năng lực cộng đồng dân cư nông thôn; hình thành nhiều mô hình hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông minh để mỗi làng, mỗi xã đều trở thành mô hình làng, xã thông minh; đồng thời gắn với phát huy những giá trị di sản văn hóa của vùng đất cố đô Huế.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2021 có những bước phát triển khá toàn diện; an ninh lương thực luôn được đảm bảo; kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn được đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện; đời sống dân cư nông thôn ngày được nâng cao.
Năm 2021 tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp đạt 3,62%, chiếm 11,7% trong cơ cấu GRDP của tỉnh; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 7.627 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 150 triệu USD, tăng 25% so với năm 2020. Toàn tỉnh hiện có 63/94 xã hoàn thành 19/19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới; thị xã Hương Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, Thừa Thiên - Huế có 40 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đề ra mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản; nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Về chương trình Mỗi địa phương một sản phẩm (OCOP), Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Thừa Thiên - Huế phải hình thành các sản phẩm của cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho người dân. Nông sản không chỉ là thực phẩm mà là dược phẩm, mỹ phẩm… từ đó mới tạo nên những sản phẩm OCOP thương hiệu, mang nhiều giá trị.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề nghị Bộ NNPTNT quan tâm hỗ trợ kinh phí để khắc phục, sửa chữa các công trình bị thiệt hại do thiên tai với tổng kinh phí khoảng 2.094 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025; hỗ trợ triển khai dự án nghiên cứu và sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp với kinh phí khoảng 314 tỷ đồng.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa, bão tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế; đến thăm trường Đại học Nông lâm thuộc Đại học Huế và Tập đoàn Quế Lâm - doanh nghiệp tiên phong trong áp dụng các mô hình chăn nuôi hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngư dân xuất quân vươn khơi đầu Xuân mới
Ngày 12/2, tại phường Thuận An, thành phố Huế, ngành Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ xuất quân các đội tàu vươn khơi đánh cá vụ Nam. Thuận An là địa phương tập trung nhiều tàu cá có công suất lớn của tỉnh Thừa Thiên - Huế với tổng số hơn 330 phương tiện các loại. Năm 2021, sản lượng khai thác đánh bắt thủy hải sản của địa phương này đạt khoảng 12.450 tấn, vượt kế hoạch đề ra, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của bà con ngư dân.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 402 tàu đánh bắt xa bờ và hầu hết đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và được hiển thị trên hệ thống giám sát tàu cá quốc gia. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có tàu cá vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang đầu tư nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nghề cá, chuẩn bị hoàn thiện đưa vào sử dụng Cảng cá Thuận An mới kết hợp khu neo đậu tránh trú bão với giá trị đầu tư khoảng 250 tỷ đồng, góp phần phát triển bền vững ngành Khai thác thủy sản.
Đ.T