Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTTDL)đã có Công văn số 597 gửi đơn vị quản lý du lịch các địa phương trên toàn quốc về công tác chuẩn bị phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15/3.
Trước đó, cuối năm 2021, Việt Nam đã thí điểm đón khách quốc tế theo 2 giai đoạn, tùy theo diễn biến tình hình dịch Covid-19. Thời gian thí điểm cho thấy hoạt động này diễn ra suôn sẻ, các địa phương được thí điểm đón du khách nước ngoài đều chuẩn bị tốt việc đón khách cũng như phòng, chống Covid-19.
Điều đó cho phép chúng ta nhanh chóng mở cửa không chỉ với du lịch nội địa mà cả với du lịch quốc tế, cho dù ở thời điểm này diễn biến của dịch Covid-19 vẫn khá phức tạp với số ca lây nhiễm cao. Tuy nhiên, số ca nhiễm SARS-CoV-2 chuyển thành bệnh Covid-19 phải điều trị ít và số ca tử vong cũng hạn chế tới mức tối đa, chủ yếu là rơi vào trường hợp người bệnh nặng, người cao tuổi sức yếu và chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine.
Việc Bộ VHTTDL có công văn đốn đốc, nhắc nhở du lịch địa phương chuẩn bị điều kiện, sẵn sàng mở rộng cửa kể từ ngày 15/3 tới cho thấy tinh thần chủ động, quyết tâm cao. Tuy nhiên, du lịch là lĩnh vực liên quan tới nhiều hoạt động khác nên nếu chỉ một mình du lịch mở cửa thì cũng khó thành công, vì sẽ rơi vào thế “đơn thương độc mã”.
Đó là thực tế đã diễn ra. Trước, kể từ đầu tháng 10/2021, khi nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng, chống Covid-19, thì mức độ nới lỏng của các địa phương vẫn khác nhau. Từ đó dẫn tới gián đoạn thông thương, tâm lý e ngại tăng lên. “Phép vua” đã có nhưng “lệ làng” vẫn tồn tại dẫn đến gián đoạn giao thương giữa các vùng miền, trong đó có du lịch nội địa.
Vì thế, lần mở rộng cửa này kể từ ngày 15/3 đòi hỏi phải có sự thống nhất cao, các địa phương, các ngành liên quan không được đặt ra những quy định riêng làm khó khách du lịch, nhất là du khách quốc tế thì mới có thể thông suốt, bảo đảm mở cửa thành công.
Cơ hội phục hồi du lịch, phục hồi kinh tế đã tới. Chính phủ quyết tâm rất cao. Cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm rất cao. Người dân quyết tâm rất cao. Vấn đề đặt ra là phải mạnh dạn, dám chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình trên tinh thần mở cửa để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng bước vào “đường đua”, nhưng dù ghi nhận những tín hiệu tích cực nhưng đại diện một số doanh nghiệp nhận định thị trường này vẫn đang đứng trước ngưỡng cửa “nhạy cảm”, nhất là khi ngành Y tế lại đưa ra những quy định được cho là “làm khó” du lịch. Những ý kiến muốn du lịch phải “đảm bảo an toàn tuyệt đối” khiến cho nhiều doanh nghiệp du lịch cảm thấy rất hoang mang, hụt hẫng bởi thiếu tính khả thi. Nếu vẫn ràng buộc quy định cứng nhắc và không có tính khả thi như vậy thì chắc chắn không thể mở cửa du lịch được bởi doanh nghiệp không dám làm mà du khách cũng chẳng dám tới.
Nói như ông Trương Phương Thành- Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways thì từ thực tế áp dụng các quy định phòng, chống dịch vừa qua, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc đón khách quốc tế nhập cảnh vào cũng như đưa khách Việt ra nước ngoài. Có những chuyến khách đã đăng ký nhưng không thể lên chuyến bay vì không đủ thủ tục. Bình thường đối với một chuyến bay Boeing 787 với 290 chỗ, làm thủ tục trong vòng 2,5 - 3 tiếng là xong, nhưng bây giờ mở 5 tiếng đồng hồ vẫn không làm thủ tục xong được. “Lý do vì các quy định của chúng ta yêu cầu khách phải có rất nhiều thủ tục, phải có xét nghiệm này, giấy xác nhận kia làm khó cho khách”- ông Thành cho biết.
Ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group đề nghị phải có sự đảm bảo đồng bộ, thống nhất, không có rào chắn chốt chặn dưới mọi hình thức khác nhau. Cùng trong chương trình tour nhưng lại có sự phân biệt, hoặc có những yêu cầu cách ly y tế ngặt nghèo khác nhau thì chắc chắn là sẽ rất khó để thực hiện chương trình du lịch.
Ngày mở cửa du lịch quốc tế đang tới gần, nhưng nếu vẫn còn nhiều rào chắn chưa được dỡ bỏ thì liệu khách quốc tế có muốn đến với chúng ta? Một mình ngành Du lịch có nỗ lực đến đâu thì cũng không thể thành công khi vẫn còn nhiều rào cản.
Đã mở cửa thì phải tự tin!