Nhà thơ Trần Huy Minh Phương (với các bút danh Huy Phương, Hàn Thanh Nhân, Trần Xuân Anh, Tâm Anh, Tâm Huy…) bắt đầu viết từ năm 1996. Anh hiện là Hội viên Hội VHNT tỉnh Sóc Trăng, Hội viên Hội Nhà văn TPHCM và đang công tác tại Tuần báo Văn nghệ TPHCM. Là tác giả của nhiều cuốn sách về tư duy tích cực, anh chia sẻ về cách thức đi qua những lo lắng, sợ hãi để giải quyết tốt vấn đề trước mắt.
PV: Khi đứng trước một sự việc xảy ra, nhất là gây ảnh hưởng xấu đến công việc, đời sống, sức khỏe thì nhiều người thường rơi vào trạng thái lo lắng, sợ hãi, thưa anh?
- Đa phần, chúng ta nương theo kiểu sống ỷ lại, bị tác động từ bên ngoài, ít chế ngự cảm xúc nên khó rà lại “tần sóng” của chính mình, và dễ bị lôi cuốn trong cơn hoảng loạn của bên ngoài. Chính vậy mà lẽ ra chỉ có thể là lo lắng, sợ hãi, ảnh hưởng công việc, sức khỏe một đôi phần nhưng lại bị nhân lên gấp ba, bốn, năm lần của sự thật vốn dĩ. Do vậy, đem lại hệ lụy của trì trệ và khổ đau trong cơn lo lắng tột độ cũng từ chính mỗi cá thể và từ cộng động đồng là có thật!
Sự lo lắng sợ hãi chỉ làm cho mình mệt hơn thôi, theo anh tâm lý cụ thể diễn ra như thế nào?
- Khi chính mình mệt mỏi, lo âu, sợ hãi thì dòng điện năng yếu ớt, bệnh tật kia sẽ được dịp ấp ủ, bùng phát, cháy lên và lây lan sang người thân quyến thuộc, bạn bè, đồng nghiệp, đồng sự, cộng đồng xã hội, nhân sinh… Thật vậy, sanh già bệnh chết, thiên tai địch họa là có thật, không ai không phải trải qua trong cuộc đời. Nếu chúng ta ngồi buồn, ủ rũ thì chắc chắn cơn bệnh, nỗi đau về thân xác, nhọc bệnh tinh thần càng trì xuống, nó làm mình bất an, có khi xúi quẩy làm cho mình chỉ muốn tự tử, “chết quách cho xong”, nhưng không thể. Trách nhiệm của chúng ta với bản thân, gia đình, và bao nhiêu mối quan hệ ràng buộc khác khiến chúng ta khó mà làm chuyện trốn tránh kia một cách hèn và mê muội ấy được! Buồn khổ là có thật, nhưng nếu chỉ ngồi im cho cơn bão buồn kia ập tới thì mình không thể là thành đồng lũy sắt, chẳng thể là thân kim cang bất hoại mà mình chắc chắn sẽ là vách bùn, vụn vỡ nhanh thôi. Sống chung với sợ hãi và phải vượt qua nó, chớ để nó xâm hại, đó là trách nhiệm của mỗi con người.
Trong khi nhiều việc vẫn chưa giải quyết được chỉ vì sự lo lắng sợ hãi đã che phủ?
- Đúng vậy, chúng ta từ khi sinh ra cho tới lúc nhắm mắt tắt thở (có khi phải mở mắt tắt thở nghẹn ngào nữa), phải trải nhiều buồn lo, sầu khổ. Sợ hãi trong đói ăn, đói mặc, đói giải trí… rồi cao hơn nữa là sự mong muốn, phải có được, phải như vậy và được như vậy thì mới chịu nhưng có bao giờ là như ý, là toại ý cho nên lo lắng, thất vọng chuyển thành sân hận. Chúng ta mong muốn và bị chi phối bởi vật chất, danh vọng, nhu cầu lợi dưỡng cho bản thân quá nhiều nên đau khổ đi liền theo đó.
Sợ hãi thất nghiệp, mong muốn tăng lương, hi vọng được du lịch khắp đó đây, muốn được bình yên và hạnh phúc… nhưng cứ ngồi đó mơ mà không hành động cụ thể thì sợ hãi vẫn là liều thuốc độc đưa chúng ta tới bến bờ đau khổ. Công việc thì làm cho tới hết đời vẫn chưa xong, cứ làm và làm cho thật tốt từng việc một. Còn nếu như sinh khởi tham lam, ích kỷ, hại người, hại vật thì nỗi lo lắng sẽ hiện khởi, có khi giấu mọi người nhưng khó mà che được nỗi lo âu trong tâm tưởng, trong giấc mơ, trong riêng mình khi phải đối diện với chính mình.
Lo lắng sợ hãi chỉ là tâm lý, còn việc trước mắt làm sao để đi qua thì thuộc về ý chí và cần có hiểu biết?
- Mỗi người cũng chỉ có thể tự mình đứng lên, vượt qua nỗi sợ hãi kia bằng trí tuệ, niềm tin rằng mình sẽ khỏe, sẽ mạnh, sẽ bình an trước giông bão của thiên tai, nhân tai, của dịch bệnh, của thất bại, của lo toan bằng ý chí. Tâm lý là khoảnh khắc, là cảm giác. Phải tự truy vấn mình, làm cho mình an và khỏe thì mới có thể nói hay giúp người thân và bên ngoài an được!
Ý chí tự thân sẽ quyết định mình khỏe hay mệt, khổ hay vui, bình an hay bất an. Ý chí phải được sống trong ánh sáng của trí tuệ, sự hiểu biết kiến thức, tri thức để áp dụng phù hợp với cơ địa mình, với đời sống hiện hữu này một cách phù hợp. Dĩ nhiên, không thờ ơ, không thể xem thường thiên tai địch họa, những tác nhân xấu từ bên ngoài hoặc ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp tới mình và người thân. Vì vậy, phòng bệnh, phòng vẫn luôn là tiêu chí hàng đầu cho tất cả sự và lý diễn ra sau đó. Nếu không phòng tốt thì khó mà tránh tốt được!
Trước một vấn đề xảy ra cần giải quyết, làm thế nào để anh không bị lo lắng, sợ hãi?
- Bất cứ vấn đề gì xảy ra cũng có nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân gần gũi của vấn đề đó cả. Lo lắng và sợ hãi thì khó mà tránh khỏi. Tuy vậy, phải biết rõ nó đến từ đâu, tự đến sẽ tự đi. Chớ để lo lắng, sợ hãi kia chế ngự, đừng để nó xoay mình rồi nó làm chủ mình. Bí quyết là, hít sâu thở dài cho máu huyết lưu thông, điều hòa hơi thở, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý này xoay trở lại bên trong dò xét lại thật kỹ về vấn đề đang xảy ra kia là “thật có” hay chỉ là “thoáng qua”, là “do mình” hay “do sự chung”. Tâm có an thì thân mới khỏe. Thân có sạch thì khó bị tiêm nhiễm. Tâm có rộng mới dung chứa được mọi điều xấu ác, tốt đẹp.
Như trong công việc liên quan đến sức khỏe cộng đồng, làm thế nào để trấn an được tinh thần người dân đang lo lắng sợ hãi trước bệnh dịch?
- Bệnh dịch, dù muốn dù không vẫn luôn đồng hành cùng đời sống xã hội loài người chúng ta từ thuở sơ khai tới nay.
Cơ bản, chúng ta phải sống hài hòa với môi trường, sống tốt với muôn loài, xem muôn loài là bạn thì tai kiếp đất, nước, gió, lửa sẽ khó mà diễn ra. Ngược lại, chính mình làm cho mình khổ mà thôi!
Thứ nữa, vệ sinh thân thể, ăn uống thanh đạm, ăn chín uống sôi, mở toang các cửa, vệ sinh nhà cửa phòng ốc thường xuyên, cho nắng tràn vào, tăng cường hoạt động thể thao, sống gần với thiên nhiên, chớ lạm dụng máy điều hòa, lười đi lại, hạn chế làm siêu anh hùng bàn phím năng làm thiện nguyện với cộng đồng. Nở nụ cười cho nhau xua bao phiền muộn. Trấn an chính mình, mỗi người tự xây cho mình ngọn lửa ấm cúng thì nhiệt năng ấy làm ấm áp khắp nơi. Ngược lại, ai cũng chất chứa sân hận, sẵn sàng đả thương nhau thì chắc rằng khó mà trấn an, khó mà vượt qua nỗi khổ niềm đau.
Cảm ơn những chia sẻ của anh.