Phận dân trong dự án

Nam Việt 22/05/2017 09:10

Thông tin về Dự án 320 ha lấn biển để lấy đất phát triển, trong đó có việc chặt bỏ 150ha rừng phòng hộ ven biển tại Thái Bình gần đây đã nhận được nhiều ý kiến. Việc một địa phương nào đó tìm cách tạo quỹ đất mới để phát triển kinh tế là điều đáng khuyến khích. Tuy nhiên trong khi tiến hành có đảm bảo an toàn môi trường, sinh kế của người dân trong khu vực hay không là điều rất đáng bàn.

Rừng ngập mặn ven biển Thái Thụy Ảnh: Nam Trần.

Trả lời báo chí, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Bình cho rằng với địa phương này, muốn phát triển kinh tế phải làm công nghiệp, phát triển ra biển là tất yếu. Vị này cho biết, khi có dư luận, trước mắt chủ đầu tư phải kiểm tra lại toàn bộ quá trình triển khai, rà soát lại từng mục và kiểm tra lại tất cả các nội dung đã thực hiện trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường để báo cáo lãnh đạo tỉnh sớm nhất.

Thái Bình đất chật người đông, quỹ đất trong nội đồng phải dành cho đảm bảo an ninh lương thực. Trong lịch sử, đây là vùng đất nhiều lần lấn biển và đã đem lại những thành tựu.

Tuy nhiên, mỗi thời mỗi khác, cuộc sống đã thay đổi, nên cùng với hành động đó ngày trước là một kỳ tích thì ngày nay lại rất có thể là chuyện phiêu lưu, và cũng rất có thể dẫn tới việc hủy hoại môi trường, tác động xấu tới chủ trương phát triển bền vững. Nhất là với đời sống của người dân trong khu vực, lo cho họ có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống lâu dài là điều không dễ.

Còn thì ai chẳng nói rằng, khi phát triển công nghiệp (nhất là vùng ven biển) cũng đều tuân thủ quy định của Nhà nước, sẽ “không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển” bằng mọi giá; sẽ bố trí công ăn việc làm, di dời người dân tới nơi định cư mới mà ở đó điều kiện tổ chức cuộc sống tốt hơn trước...

Nhưng, từ lời nói (kể cả lời hứa) đến thực tế luôn có khoảng cách, đôi khi là khoảng cách rất xa. Bài học về sự hủy hoại môi trường của Formosa tới nay vẫn còn nguyên giá trị.

Đó là tận dụng lợi thế nhà máy được phép xây dựng ven biển, doanh nghiệp đã “ăn bớt” khoản đầu tư xử lý chất thải trước khi xả ra môi trường. Họ đã đặt ngầm ống xả thải dưới lòng biển để xả vào đó hóa chất độc hại không qua xử lý. Quá tiện khi “lấy nước làm sạch”. Nhưng rồi biển nhiễm độc, cá chết, hệ lụy kéo dài không biết đến bao giờ.

Trở lại vụ Thái Bình dự định lấn biển, xin nhắc lại đó không phải là một ý tưởng tồi, trái lại nó còn mang dáng dấp của tư duy táo bạo, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm.

Nhưng quan trọng là làm như thế nào, đánh giá đầy đủ tác động xấu hay chưa và nếu có thì khắc phục, xử lý ra sao. Nói như ông Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình phát triển Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này- chủ đầu tư dự án lấn 320ha biển, thì trong số đó, với 150ha rừng ngập mặn có chức năng phòng hộ đê sẽ bị phá bỏ, thì do việc làm tuyến đê mới cách tuyến đê cũ 800m hướng ra ngoài biển, chiều dài 4km, khi đê mới đi vào 1/3 rừng ngập mặn hiện có, 150ha rừng ngập mặn phía trong đê không còn được phù sa cung cấp dinh dưỡng sẽ thoái hoá.

Có nghĩa là giữ lại cũng không để làm gì. Nhưng với khu rừng ngập mặn được trồng từ 30 năm qua, nên nhớ nó có tác dụng rất lớn đến việc che chắn bão, mà vùng đất Thái Thụy thì hầu như năm nào cũng có bão, không ít lần phải đương đầu với siêu bão. Không còn cánh rừng này, tình hình sẽ ra sao nếu siêu bão đổ bộ?

Trong chuyện này, một việc nữa cũng rất đáng chú ý. Đó là khi thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), có mục thống kê các hộ dân bị ảnh hưởng. Trong báo cáo ban đầu chỉ có 80 hộ nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, nhưng thực tế lại có đến 354 hộ của 2 xã.

Theo ông Giám đốc ban quản lý dự án thì họ đã đánh giá lại theo hướng có 354 hộ nuôi thuỷ sản bị ảnh hưởng. Và bên lập ĐTM phải đánh giá lại tác động môi trường.

Không hiểu sao với một dự án lớn, mức độ nhạy cảm cao, mà với đánh giá ĐMT, số liệu tác động đến các hộ dân lại vênh lớn đến như vậy: 80 hộ so với 354 hộ, có nghĩa là tới 274 hộ dân bị loại bỏ ra ngoài. Cách thống kê sai đó không thể chấp nhận vì nó gắn với đời sống người dân.

Trong quá trình nỗ lực phấn đấu kéo giảm khoảng cách giàu-nghèo, chúng ta từng cam kết không để người nào tụt lại phía sau. Đó chính là tinh thần nhân đạo cao cả, là nghĩa cử đồng bào.

Ở đây (và cũng không chỉ cụ thể dự án này) việc cả mấy trăm hộ dân bị “quên” nói lên rất nhiều điều. “Bớt” đi con số người dân bị tác động bởi dự án là cách để dự án được phê duyệt dễ dàng hơn, nhưng sẽ tạo ra những hệ lụy xã hội rất lớn. Việc này còn tệ hơn cả chuyện cố tình bỏ thầu rẻ để thắng thầu, xong rồi muốn làm thế nào thì làm.

Cũng tại dự án trên, việc tham vấn các hộ chịu tác động trực tiếp bởi dự án cũng không được làm tốt. Chẳng lẽ chỉ có 2 hộ nuôi tôm có hồ sơ tham vấn đã đủ? Còn hơn 300 hộ nữa thì sao?

Đáng chú ý trong biên bản tham vấn, những người được mời dự đều ghi rõ với tư cách trưởng, phó thôn, không phải với tư cách là hộ nuôi thuỷ sản. Như vậy, đối tượng tham vấn chưa đại diện hết cho các tổ chức xã hội và dân cư nằm trong khu vực mà dự án tác động.

Ở đây, tiếng nói người dân, số phận người dân không được quan tâm đúng mức. Lắng nghe dân nói, dân chủ cơ sở... đã không được thực hiện đầy đủ. Làm dự án lấn biển để địa phương phát triển, suy cho cùng cũng là để đời sống người dân được tốt đẹp hơn. Nhưng muốn thế thì ý kiến người dân phải được tôn trọng, không thể để người dân vào tình trạng đã rồi.

Nhân câu chuyện này, nhớ lại vào quãng tháng 5/2013, tại xã Nam Phú (huyện Tiền Hải, Thái Bình) có vụ 45 cây phi lao trong khu vực rừng phòng hộ Cồn Vành bị cưa chặt, với lý giải là “dọn dẹp lại rừng”.

Lập tức, xã đã xử lý 2 đối tượng chặt cây. Đó là thái độ rất tích cực của chính quyền. Nay, việc “xử lý” tới 150ha rừng phòng hộ ven biển là chuyện rất lớn, vậy thì trách nhiệm của chính quyền các cấp lại càng phải lớn hơn chứ không thể qua loa, không thể đơn giản đưa ra việc tạo quỹ đất để phát triển là xong.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phận dân trong dự án

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO