Phân khúc bất động sản nào 'lên ngôi'?

Minh Phương 10/07/2020 07:45

Dịch Covid-19 đã khiến hầu hết các phân khúc bất động sản (BĐS) lao đao. “Thảm” nhất là phân khúc nghỉ dưỡng, biệt thự… Nhiều dự án phải dời lịch mở bán so với dự kiến ban đầu vì không có sức mua. Vậy phân khúc bất động sản nào sẽ lên ngôi sau dịch Covid-19?

Quý I/2020, lượng tiêu thụ nhà ở thương mại chỉ đạt 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Ảnh: Quang Vinh.

Các phân khúc bất động sản dần khởi sắc

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, lượng tiêu thụ nhà ở trong những tháng đầu năm vô cùng trầm lắng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, quý I/2020, lượng tiêu thụ nhà ở thương mại chỉ đạt 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua, bằng 40% so với cùng kỳ năm 2019; lượng giao dịch thành công giảm 36,6% so với quý IV/2019. Tỷ lệ văn phòng cho thuê còn trống trong quý I/2020 tăng so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, văn phòng cho thuê hạng A trống 10,8%, hạng B trống 5,6%. Đáng chú ý, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, các khu du lịch đã phải tạm dừng hoạt động, các DN kinh doanh phân khúc này hầu như không có nguồn thu trong những tháng đầu năm.

Tuy nhiên, thời điểm này thị trường BĐS bắt đầu chứng kiến sự phục hồi của nhiều phân khúc. Nhiều dự án lớn giao dịch sôi động trở lại. Đơn cử, tại thị trường miền Nam, các chủ đầu tư bắt đầu rục rịch với các dự án như: Novaland với Aqua City, Nam Long với Waterpoint, Đất xanh với GEM Sky World Long Thành... và được các nhà đầu tư đón nhận thông tin khá tích cực.

Tại thị trường phía Bắc, các dự án như: Vinhomes Ocean Park , Windham Lyntime Thanh Thuỷ... đón nhận lượng quan tâm rất lớn của nhiều khách hàng. Điều này cho thấy, dịch bệnh đã không còn quá ảnh hưởng đến giao dịch trên thị trường BĐS. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư cũng đang quan tâm đến câu chuyện, hậu dịch Covid-19, mối quan tâm lớn nhất của khách hàng đối với thị trường BĐS sẽ hướng vào phân khúc nào?

Theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành BĐS, tới đây, xu hướng của khách hàng sẽ quan tâm nhiều hơn đến các dự án nhà ở tiện nghi, đảm bảo được yếu tố xanh, sạch. Do đó, nhưng dự án nằm ở vị trí thuận lợi, có cơ hở hạ tầng giao thông thuận lợi sẽ hút khách hơn. Trái với dự đoán ban đầu của một số nhà đầu tư, phân khúc căn hộ cao cấp, biệt thự sẽ khó bán hơn là những dòng căn hộ trung cấp.

Condotel sẽ thoái trào trong vài năm tới.

Chào đón sản phẩm chất lượng cao?

Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Tập đoàn CenGroup, dòng Condotel, biệt thự biển (nhất là những dự án không được cấp sổ đỏ lâu dài) sẽ thoái trào trong vài năm tới. Thay vào đó là những căn hộ dịch vụ và những mô hình du lịch trải nghiệm như Homestay, Farmstay sẽ lên ngôi. “Bên cạnh đó, Second Home (ngôi nhà thứ hai) sẽ là một xu thế mới ở vùng ven các đô thị lớn” – ông Hưng cho hay đồng thời cho biết thêm, tại Hà Nội, những khu vực ngoại ô như Ba Vì, Sóc Sơn... sẽ là nơi các chủ đầu tư tập trung phát triển thành các khu nhà vườn ngoại ô để hướng đến những khách hàng có nhu cầu với “second home”.

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Minh Tú, Giám đốc Công ty Đất xanh Miền Trung nêu quan điểm, trong bầu không khí ảm đạm của thị trường, những sản phẩm chất lượng cao, được phát triển một cách chỉn chu sẽ trở thành điểm nhấn nổi bật, thu hút sự quan tâm của thị trường và kích thích lòng tin của khách hàng. Nhờ đó, những nhà đầu tư đang cẩn trọng với túi tiền sẽ có động lực, niềm tin để rút hầu bao ra hơn. “Biến nguy thành cơ là cách một doanh nghiệp chớp lấy cơ hội để bứt phá, thể hiện dấu ấn của mình trên thị trường”, ông Tú nói.

Tất nhiên, động lực để thúc đẩy thị trường BĐS bứt phá hậu Covid-19, yếu tố quan trọng vẫn là, rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà quản lý. Giới chuyên gia trong ngành nhận định, trở ngại lớn nhất để phục hồi thị trường BĐS chính là các vấn đề pháp lý và thủ tục hành chính như đấu thầu đất công, đất thuê, thủ tục giải phóng mặt bằng, đất phân lô bán nền và tính không minh bạch từ quy hoạch đến thủ tục chuyển mục đích sử dụng...

Để khắc phục tình trạng vô cùng phức tạp này, cần có cơ quan chuyên trách rà soát lại toàn bộ quy định pháp lý, giúp chỉnh sửa các luật, đơn giản hóa thủ tục và chế tài xử lý minh bạch, và phải làm liên tục trong vài năm. Nói một cách cụ thể, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc rà soát thủ tục pháp lý các dự án BĐS đang thực hiện nhưng bị tạm dừng và xử lý dứt điểm trong quý IV/2020 để sớm triển khai thực hiện lại dự án, bảo đảm kịp thời có nguồn cung hàng hóa cho thị trường; Thực hiện việc cấp sổ hồng cho các căn hộ du lịch, biệt thự du lịch và nhà phố thương mại trên đất dịch vụ thương mại…

Bày tỏ niềm tin vào thị trường BĐS thời kỳ hậu Covid-19, ông Nguyễn Thọ Tuyển, SHB Group cho rằng, thị trường BĐS trong vài năm sắp tới dự kiến sẽ không sụp đổ như nhiều người nghĩ. Thậm chí có những điểm sáng và những thay đổi bản lề để có một giai đoạn 2020-2030 phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, trong dài hạn rất cần sự điều tiết tài tình của các cơ quan quản lý để quả bóng ôxy không bị xẹp đi khi thu hồi dòng tiền hoặc không bị nổ tung khi thị trường quá hưng phấn khó kiểm soát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phân khúc bất động sản nào 'lên ngôi'?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO