Để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch nói chung và hỗ trợ người dân trở về địa phương nhiều tỉnh, thành đã có những gói hỗ trợ cho người lao động.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về lâu dài các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và phải được triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng.
Tại Thái Nguyên, Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh cho biết, nhằm đảm bảo an sinh cho lao động trở về địa phương, Sở đã có kế hoạch phối hợp với các Trung tâm xúc tiến việc làm, các đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động… để giới thiệu việc làm cho người lao động từ các tỉnh về địa phương tránh dịch bệnh. Theo thống kê, trong thời gian từ tháng 9 tới nay, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ cho hơn 1 vạn công dân Thái Nguyên sinh sống tại các tỉnh có dịch phía Nam, mỗi người 2 triệu đồng.
Còn tại Thừa Thiên - Huế, trải qua 4 đợt dịch, đã có hàng chục nghìn người dân đang sinh sống, làm việc tại TP HCM và các tỉnh phía Nam trở về địa phương. Trong số đó, qua công tác rà soát, toàn tỉnh có hơn 25.000 người trong độ tuổi lao động. Thời gian qua, Sở Lao động, thương binh và xã hội đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 9.800 lao động để giúp người dân ổn định cuộc sống.
Có thể thấy, thời gian qua việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ từ cấp Trung ương đến địa phương đã góp phần ổn định đời sống an sinh xã hội cho người dân trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc triển khai chính sách an sinh xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập và chưa kịp thời với một số đối tượng.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, trước những diễn biến khó lường của đại dịch đã làm mất cơ hội có việc làm của 1,8 triệu lao động và đẩy 1,4 triệu lao động khác rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương do không có việc làm chính thức. Mất sinh kế và không được trợ giúp kịp thời về điều kiện sống tối thiểu sẽ gây ra những bất ổn tiềm ẩn về xã hội.
Chính vì vậy, duy trì sản xuất là giải pháp quan trọng để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động và gia đình, giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho các địa phương. Trong đó, thực hiện các chính sách an sinh xã hội chủ động với vai trò là cầu nối giữa duy trì sản xuất với phòng, chống đại dịch là cách tiếp cận bền vững về cả kinh tế - xã hội và y tế.