Theo hướng dẫn khi phát hiện F0 tại trong trường học, các trường chỉ phong tỏa tạm thời khu vực hiện quan. Tuy nhiên, tuần qua, một số trường vội đóng cửa trường học, chuyển sang dạy trực tuyến.
Sau một thời gian mở cửa trường học, cho phép học sinh lớp 9 ở các huyện, thị xã và học sinh lớp 12 trên toàn thành phố đi học trở lại, phần lớn các trường học ở Hà Nội đều đáp ứng các quy định, tiêu chí đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Tuy nhiên, trong số đó có trường phát hiện học sinh là F0 khiến toàn trường phải nghỉ học trực tiếp.
Đóng cửa trường học do ý kiến phụ huynh
Tuần qua, hai trường THCS ở Hà Nội đã phải đóng cửa, chuyển sang dạy học trực tuyến khi phát hiện học sinh là F0.
Cụ thể, ngày 7/12, Trường THCS Minh Cường (huyện Thường Tín) phát hiện một học sinh lớp 9 là F0. UBND huyện này đã yêu cầu Trường THCS Minh Cường tạm dừng cho học sinh tới trường và chuyển toàn bộ lớp 9, khoảng 150 học sinh của trường sang học trực tuyến.
Cũng trong ngày 7/12, sau khi phát hiện có một nam sinh lớp 9 dương tính với SARS-CoV-2, Trường THCS Tri Thủy (huyện Phú Xuyên) lập tức đóng cửa trường học, cho toàn bộ 3 lớp 9 của trường với 114 học sinh dừng học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến.
Đáng bàn là nam sinh này mới chỉ đến cổng trường, được nhân viên y tế đo thân nhiệt và phát hiện có triệu chứng sốt và đưa đi test nhanh chứ chưa vào lớp học.
Nhiều ý kiến cho rằng, cách xử lý của hai trường trên khi phát hiện F0 có phần cứng nhắc, làm gián đoạn việc học trực tuyến của học sinh.
Về vấn đề này, ông Lưu Luyến, Trưởng Phòng GDĐT huyện Phú Xuyên cho hay, địa phương đã quán triệt tới các cơ sở giáo dục trực thuộc về chuẩn bị kịch bản nếu có F0 tại trường theo tinh thần chỉ đạo của thành phố.
Theo ông Luyến, nhà trường đã làm theo đúng quy định. Ngay khi nhận được thông tin, phòng đã chỉ đạo nhà trường cần áp dụng các bước xử lý theo tinh thần hướng dẫn liên ngành của Sở Y tế - Sở GDĐT khi có F0 tại trường.
“Việc cho học sinh các lớp khối 9 của trường tạm dừng đến trường và chuyển học online là do ý kiến của phụ huynh. Phụ huynh đồng ý, nhà trường mới quyết định cho các em học trực tuyến", ông Luyến thông tin.
Toàn huyện Phú Xuyên có 22/28 cơ sở giáo dục đang tiến hành dạy học trực tiếp với khoảng 2.200 học sinh khối 9. Ông Luyến cho biết, sau khoảng một tuần nếu tình hình ổn hơn, trường học sẽ tiếp tục mở cửa cho các em lớp 9 được đến trường học trực tiếp.
Cần linh hoạt ứng phó với các tình huống
Theo hướng dẫn liên ngành của Sở Y tế - Sở GDĐT Hà Nội, khi phát hiện F0 trong trường học thì phong tỏa tạm thời toàn bộ trường, lớp nào ở yên lớp đó. Thông báo cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đang có mặt tại nhà trường thông tin chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng.
Tách F0 để cách ly, điều trị; tiếp tục truy vết, lấy mẫu, cách ly, rút gọn phạm vi phong tỏa phù hợp với các trường hợp bệnh cụ thể.
Hướng dẫn cũng lưu ý các nhà trường chỉ phong tỏa tạm thời khu vực có liên quan tùy thuộc mức độ di chuyển của F0 (học sinh, cán bộ, giáo viên dạy tại một lớp hay nhiều lớp). Diện phong tỏa có thể toàn bộ trường học hoặc từng tầng/khu vực học, làm việc, phòng học có liên quan đến F0 theo chỉ định về dịch tễ.
Vì vậy, theo đánh giá của ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, cách xử lý với trường hợp F0 ở Trường THCS Minh Cường và THCS Tri Thủy ở trên có phần hơi cứng nhắc.
Ông Tiến cho hay, hướng dẫn liên ngành của thành phố khi đón học sinh quay lại trường đã nêu rất rõ các quy định. Các đơn vị cần bám sát vào đó để thực hiện cho đúng để tránh gây tâm lý hoang mang không cần thiết.
Ghi nhận cho thấy, sau một thời gian mở cửa trường học, cho phép học sinh lớp 9 ở các huyện, thị xã và học sinh lớp 12 trên toàn thành phố đi học trở lại, phần lớn các trường học ở Hà Nội đều đáp ứng các quy định, tiêu chí đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Các trường cũng xây dựng phương án tổ chức dạy học linh hoạt, kết hợp trực tiếp và trực tuyến, ứng phó kịp thời với các vụ việc phát sinh đột xuất.
Theo các nhà trường, trong bối cảnh dịch Covid-19 tại TP Hà Nội còn diễn biến phức tạp, số ca F0 trong cộng đồng tăng mạnh, trường học cần phải xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt, bám sát quy định theo hướng dẫn liên ngành của Sở Y tế, Sở GDĐT Hà Nội để có cách xử lý kịp thời khi phát hiện F0.
Bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) cho biết, mặc dù trong tuần đầu tiên trở lại trường, có một số lớp có ít học sinh đến trường học trực tiếp nhưng các tiết học vẫn diễn ra theo đúng thời khóa biểu, đảm bảo chất lượng đồng đều giữa những học sinh học tại lớp và những học sinh học trực tuyến tại nhà do đang là trường hợp F1, F2, ở trong khu cách ly, khu phong tỏa.
Trong khi đó có lớp học sinh đi học đầy đủ nhưng giáo viên 1 môn học đang thực hiện cách ly tại nhà. Lúc này, học sinh lại là người chủ động chuyển trạng thái từ trực tiếp sang trực tuyến giữa các tiết học.
Theo bà Châu, việc triển khai song song hai hình thức cũng đã nảy sinh một số khó khăn nhất định cho các giáo viên. Nhưng với sự chủ động, linh hoạt trong giảng dạy và soạn giáo án của giáo viên, cùng các giải pháp của nhà trường, đến nay hoạt động dạy và học của nhà trường vẫn diễn ra theo kế hoạch. Toàn bộ hơn 2.000 học sinh không bị gián đoạn việc học vì bất kỳ lý do gì.
Sau một tuần mở cửa trường học, theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, nhiều cụm trường THPT có tỷ lệ học sinh đi học cao như: quận Ba Đình - Tây Hồ đạt 88,45%; Cầu Giấy - Thanh Xuân: 94,16%; Chương Mỹ - Thanh Oai: 96,10%; Phú Xuyên - Thường Tín: 93,7%, Đông Anh 92,6%...
Cụm trường THPT có tỉ lệ học sinh lớp 12 đến trường thấp nhất là: 77,96%; Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng đạt tỉ lệ 78,4%. Đây là khu vực có phường Phố Huế đạt cấp độ 3 về phòng dịch và nhiều địa điểm đang bị phong tỏa. Ở cụm này, trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, chỉ có khoảng 6% học sinh trở lại, riêng ngày 9/11 duy nhất một em đến trường.