Ngày 23/4, Bộ Công an thông tin trong Quý I/2024, tình hình tội phạm mua bán người tại Việt Nam có những diễn biến phức tạp, gia tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Bộ Công an cho biết, theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban chỉ đạo 138/CP), trong quý I/2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, khởi tố mới 20 vụ/40 đối tượng (tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023).
Tổng số vụ án thụ lý điều tra trong kỳ là 84 vụ/223 đối tượng phạm tội mua bán người, xác định có 178 nạn nhân trong các vụ án (114 nam, 64 nữ); trong đó 47 vụ/124 đối tượng phạm tội mua bán người, 39 vụ/99 đối tượng phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 55 vụ/150 bị cáo phạm các tội về mua bán người (tăng 23 vụ/54 bị cáo so với cùng kỳ năm 2023); đã giải quyết 32 vụ/87 bị cáo (tăng 14 vụ/47 bị cáo so với cùng kỳ năm 2023).
Công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, phối hợp thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân và theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm”. Các nạn nhân sau khi giải cứu, tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu (bố trí nơi ăn, nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chi phí đi lại,...) và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng (hỗ trợ kinh phí ổn định cuộc sống, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ việc làm, học văn hóa, hỗ trợ pháp lý,...) giúp nạn nhân nhanh chóng ổn định tâm lý và cuộc sống.
Điển hình, trong Quý I/2024, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tiếp nhận và giải cứu 11 công dân nghi là nạn nhân bị mua bán…
Qua các vụ án, vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người, lực lượng chức năng có thể khái quát một số phương thức, thủ đoạn nổi lên mà các đối tượng phạm tội thường xuyên sử dụng:
Các đối tượng tiếp tục triệt để lợi dụng không gian mạng, lập các trang quảng cáo tìm việc làm, ứng dụng hẹn hò, hội nhóm độc thân, sử dụng tên tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, sau đó lừa bán làm nhân viên phục vụ tại các cơ sở kinh doanh như quán karaoke, cắt tóc, massge…
Chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” tiếp tục được các đối tượng triệt để lợi dụng, đưa người ra ngoài biên giới làm việc trong các sòng bạc, cơ sở game online, công ty kinh doanh trực tuyến nhằm cưỡng bức lao động, ép buộc thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến; nạn nhân bị dụ dỗ, lừa gạt chủ yếu tại địa bàn biên giới các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng.
Các đối tượng người Việt Nam trong nước câu kết với các đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân xuất cảnh với lời hứa “việc nhẹ lương cao” hoặc bán thận thông qua các hình thức như: xem ảnh, tuyển chọn nạn nhân qua mạng xã hội... sau đó, hướng dẫn nạn nhân xuất cảnh bằng đường hàng không.
Tại nước ngoài, các nạn nhân bị bắt làm những công việc như: tham gia đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, làm việc trong các sòng bạc do người nước ngoài làm chủ; nếu muốn về nước phải nộp một khoản tiền chuộc lớn.
Các đối tượng người nước ngoài câu kết với đối tượng người Việt Nam môi giới, lừa gạt phụ nữ Việt Nam đưa ra nước ngoài kết hôn trái pháp luật, ép hoạt động mại dâm diễn ra phức tạp tại một số tỉnh biên giới phía Bắc.
Mặc dù, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã vào cuộc quyết liệt, chủ động làm tốt các mặt công tác, nhất là công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tập trung vào các vấn đề là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, tuy nhiên dự báo tình hình tội phạm mua bán người trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân cần nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác tội phạm, chung tay trong việc đẩy lùi hành vi mua bán người, tiến tới xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, văn minh, lành mạnh.