Ngày 26 và 27/9, tại Hà Nội, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị thông báo Khảo cổ lần thứ 54 - năm 2019.
Nhiều phát hiện khảo cổ đã được công bố.
Hội nghị đã nhận được 370 tham luận gồm 95 bài về khảo cổ học Tiền sử, 206 bài khảo cổ học Lịch sử, 43 bài khảo cổ học Champa - Óc Eo, 11 bài khảo cổ học Dưới nước và 5 bài về các hoạt động tiêu biểu của các cơ quan chuyên ngành. Đây là những kết quả của hơn một năm hoạt động sôi nổi, nghiêm túc và khoa học của các ngành khảo cổ cũng như các cá nhân quan tâm đến khảo cổ. Nổi bật là các hoạt động nghiên cứu, tổ chức các hội thảo khẳng định thêm một bước các giá trị di tồn văn hóa kỹ nghệ Đá cũ An Khê; Các phát hiện mới trong hang động núi lửa ở Krông Nô; Các cuộc khai quật nghiên cứu các di tích thuộc thời đại Kim khí ở Hà Nội, văn hóa Sa Huỳnh ở Trung Bộ; Các hoạt động khảo sát, khai quật khảo cổ học ở khu vực duyên hải Đông Bắc, Trung Bộ và Nam Bộ. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đang chủ trì Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu Khu di tích văn hóa Óc Eo (Nam Bộ)” để tiến tới xây dựng Hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Ngoài ra, các đơn vị của Viện Hàn lâm trong 2 năm qua đã có thêm những phát hiện quan trọng xác định thêm giá trị của nền văn hóa này.
Khảo cổ học Tiền sử có nhiều thông báo về những phát hiện và nghiên cứu thời đại Đá cũ. Nổi bật trong giai đoạn này là cuộc khai quật hang động núi lửa C6-1 ở tỉnh Đắk Nông và các nghiên cứu về thành phần nhân chủng, bào tử phấn hoa, mộ táng, di cốt động vật của di tích. Kết quả khai quật và các nghiên cứu khẳng định thêm hang C6-1 là địa điểm cư trú, chế tác công cụ (di chỉ - xưởng) và mộ táng… Còn tại tỉnh Phú Yên, Viện Khảo cổ học đã khai quật phế tích Đồng Miễu. Dựa vào kết quả nghiên cứu kiến trúc, những người khai quật nhận định lần xây tháp thứ nhất có niên đại thế kỷ IV; lần sửa chữa, thậm chí xây lại tháp sau đó vào thế kỷ V. Đây là di tích đền tháp xây gạch Champa có niên đại sớm nhất được biết đến lần đầu tiên trong văn hóa Chăm xưa...
Cũng tại Hội nghị, một trong những lĩnh vực được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm là khảo cổ giai đoạn lịch sử đã ghi nhận được nhiều thành tựu mới. PGS.TS Bùi Văn Liêm (Viện Khảo cổ học) cho biết trong thời gian qua có khá nhiều cuộc khai quật các di tích khảo cổ học giai đoạn lịch sử, trong đó nhiều cuộc là những nghiên cứu tiếp tục từ các năm trước.
Tại Bắc Ninh, di tích Luy Lâu tiếp tục được khai quật 2 lần. Ban Quản lý Di tích Bắc Ninh, Bảo tàng Bắc Ninh và Đại học Trung Sơn (Trung Quốc) khai quật tại khu vực trung tâm thành Nội. Kết quả khai quật tiếp tục khẳng định khu vực này là một di chỉ cư trú có niên đại kéo dài trong thời Bắc thuộc.
Tháng 4/2019, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Đại học Đông Á (Nhật) đã phối hợp với Sở VHTTDL Bắc Ninh tiến hành khai quật di tích thành cổ Luy Lâu nhằm xác định dấu tích đoạn thành Ngoại phía Nam cũng các vấn đề về cấu trúc và niên đại tường thành. Những người khai quật đã các định tường thành Ngoại phía Nam được xây dựng vào khoảng thời Đường (thế kỷ 9). Kết quả tiến hành khoan thăm dò địa tầng tại một vị trí ở trong và ngoài thành đã xác định được dấu vết hào nước của tường thành Ngoại phía Nam và hào của tường thành Nội thành phía Đông phát hiện năm 2014 cho thấy các đoạn hào này có độ rộng khoảng 8m, sâu khoảng 4m. Kết quả này là khá tương thích với kết quả nghiên cứu mới nhất năm 2017.
Cũng theo PGS.TS Bùi Văn Liêm, thực hiện khuyến nghị của UNESCO, chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Bộ VHTTDL, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long và Viện Khảo cổ học đã phối hợp tiến hành khai quật khu vực phía Đông Bắc di tích nền điện Kính Thiên với tổng diện tích gần 1.000 m2. Nét nổi bất tại hố đào năm 2018 là cấu trúc hồ/ao có hình dạng khá phức tạp và dấu tích móng kè đá khoảng thời Lê Trung Hưng khác hoàn toàn với cuộc khai quật trước đó. Ngoài ra, tại Thanh Hóa, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ khai quật tường thành phía Đông Bắc với tổng diện tích 400 m2 nhằm tìm hiểu rõ hơn về kỹ thuật gia cố lớp đất đắt trên tường thành, lớp móng gia cố và nền gia cố chân thành khu vực tường thành phía Đông Bắc thành Nhà Hồ.
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Kinh thành khai quật chùa Am Các (Thanh Hóa) đã phát hiện được 8 di tích kiến trúc, 3 lò nung gạch ngói và hàng nghìn di vật vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc, đồ gốm sứ, sành và đất nung. Căn cứ vào các di tích và di vật cho thấy, chùa Am Các bao gồm các tòa dãy dọc, quy mô lớn, hoành tráng, nguy nga và tôn nghiêm của một trung tâm tôn giáo lớn tọa lạc trên vùng núi cao phía Nam xứ Thanh thuộc 2 thời kỳ khác nhau là thời Trần (thế kỷ 14) và thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 18). Đoàn nghiên cứu cũng đã khai quật khu vực di tích tảng đá khắc hình tượng Phật (nằm trên đường vào chùa Am Các), tuy nhiên việc xác định niên đại của di tích chưa thống nhất...
Đánh giá về những kết quả đạt được, TS Nguyễn Gia Đối - Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học nhấn mạnh, trong một năm qua phát huy những thành quả của các giai đoạn trước, ngành khảo cổ học đã thu hút được những thành quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào việc nghiên cứu các tầng văn hóa tiền sử; khẳng định giá trị các nền văn hóa/văn minh/văn hiến Đại Việt cùng các thể chế chính trị - xã hội khác thời trung đại ở Việt Nam. Khảo cổ học bên cạnh việc nghiên cứu lịch sử, nhân học văn hóa còn gắn chặt với hoạt động nghiên cứu, đánh giá giá trị các di sản văn hóa.