Đề cao và phát huy dân chủ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong đó, tham nhũng, lãng phí không thể không giải quyết mặc dù rất đau lòng. Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm- nguyên Phó Tham mưu trưởng tác chiến hải quân, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân (Bộ Quốc phòng) khẳng định với Đại Đoàn Kết.
Ông Lê Kế Lâm
PV:Thưa ông, trong giai đoạn hiện nay việc phát huy dân chủ cần được đề cao như thế nào để huy động sự đóng góp của nhân dân trong xây dựng thế chế chính trị cũng như để phát triển kinh tế nước nhà?
Ông Lê Kế Lâm: Trước đây, Bác Hồ từng nói nước nhà có được độc lập, nhân dân được tự do nhưng nếu không được nói thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Thực hiện lời dạy của Bác, từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho đến Quốc hội, Chính phủ và MTTQ Việt Nam cũng đã nghiêm túc thực hiện việc phát huy dân chủ mà trước hết là dân chủ trong Đảng, dân chủ trong các cơ quan nhà nước để từ đó phát huy dân chủ trong nhân dân. Phát huy dân chủ giúp cho người dân có thể nói lên tâm tư, tình cảm của họ với Đảng, với chính quyền, với những vấn đề bức xúc trong xã hội, trong đó có cuộc sống của họ. Nếu chúng ta không cho họ nói, không cho họ trình bày thì trong lòng người dân bao giờ cũng có những bức xúc và những ấm ức. Nếu để họ nói ra cho chúng ta biết, hai bên cùng thảo luận thì sẽ đi đến sự đồng thuận.
Trong Di chúc cách đây 50 năm Bác Hồ cũng đã căn dặn “Đảng ta là Đảng cầm quyền, trong Đảng phải thật sự đoàn kết và thật sự dân chủ”. Bác dùng từ thật sự để nói lên sự dân chủ mà dân chủ ở đây là dân chủ ngay từ trong Đảng, từ Trung ương đến chi bộ phải phát huy trí tuệ của mọi người đóng góp cho việc xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền.
Thưa ông, để phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, trong thời gian tới cần tập trung vào những vấn đề gì?
- Tôi quan tâm đến giám sát quyền lực. Tại sao trong những năm trước trong giám sát cán bộ của chúng ta kể cả cấp Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh đều có sự thoái hóa, biến chất. Vừa qua chúng ta kỷ luật nhiều lãnh đạo cấp cao. Đây là một sự thật đau lòng nhưng nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “không thể không giải quyết mặc dù rất đau lòng”. Do đó, muốn làm trong sạch được Đảng, trong sạch chính quyền phải có quyết tâm; vì Đảng có vững mạnh, chính quyền có vững mạnh mới bảo vệ được đất nước, bảo vệ được chế độ xã hội chủ nghĩa. Nếu chúng ta cứ nêu xã hội chủ nghĩa mà Đảng lãnh đạo, chính quyền không vững mạnh, không trong sạch; không phát huy được tinh thần dân chủ thì làm sao chúng ta bảo vệ được chính quyền này.
Tôi cũng rất lo, trong thời gian vừa qua chúng ta để một số khá lớn cán bộ các cấp thoái hóa, biến chất mà trong đó phổ biến nhất là tệ tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, cũng có một tín hiệu vui đó là một mặt nào đó chúng ta đã có những động thái quyết liệt hơn để đấu tranh với tham nhũng, lãng phí. Gần đây, rất nhiều vụ tham nhũng, lãng phí của lãnh đạo cấp cao được phanh phui đã khiến cho lòng dân thêm tin tưởng nhưng việc này cần được làm mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn thì nhân dân mới tin và nghe theo.
Thưa ông, để phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí thì cần phải tạo cơ chế như thế nào để người dân cùng tham gia?
- Cơ chế là điều cần thiết và quan trọng; thậm chí có thể coi đó là “chìa khóa” mở ra “cánh cửa” dân chủ, trong đó, chúng ta cũng phải có cơ chế để nhân dân được nói. Trong việc này Mặt trận cũng là một kênh quan trọng để lắng nghe ý kiến người dân nhưng chưa đủ. Do đó, cần thiết phải thiết lập, mở rộng thêm nguồn kênh để cho người dân phản ánh, gửi gắm tâm tư cũng như bày tỏ những bức xúc của mình trong đó. Ví dụ, có thể cung cấp thêm đường dây nóng từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho đến lãnh đạo tỉnh, huyện để người dân có thể kịp thời phản ánh, kịp thời giãi bày tâm tư khi cần thiết. Thứ hai, nên khuyến khích người dân mạnh dạn tố cáo tệ tham nhũng, lãng phí, cậy chức, cậy quyền ức hiếp nhân dân. Thứ ba, để cho dân đóng góp ý kiến trong phát triển kinh tế đất nước.
Thời gian qua nhiều cơ quan, tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Vậy thưa ông, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tránh xảy ra tình trạng đáng tiếc như thời gian vừa rồi?
- Nếu như Đảng ủy của một cấp nào đó để cấp dưới hoặc cấp tương đương của mình mắc sai lầm nghiêm trọng thì đó là trách nhiệm của cấp ủy đó. Tại sao họ có khuyết điểm vì họ không thực hiện dân chủ, không thực hiện tự phê bình và phê bình; không thực hiện giám sát quyền lực. Hiện nay chúng ta vẫn giữ một cơ chế đó là khi đưa ai đó lên làm lãnh đạo rồi thì cứ để cho người ta thích làm gì thì làm. Việc làm này vô hình trung gây ra rất nhiều hệ hụy. Đảng ủy cấp đó phải là một cấp giám sát quyền lực, phải có trách nhiệm; phải thường xuyên rèn ruyện, thử thách lãnh đạo. Nếu lãnh đạo làm đúng thì biểu dương, khen thưởng còn nếu làm sai thì phải chỉ ra cái sai để không thể lộng quyền.
Trân trọng cám ơn ông!