Vừa qua, hội thảo khoa học “Văn hóa đồng bào Chăm với việc đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước” đã được tổ chức tại huyện An Phú, tỉnh An Giang trong “Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm năm 2016”.
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm cần được bảo tồn và phát huy.
Hội thảo còn đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp, góp phần để các bộ, ngành, địa phương xây dựng chính sách, chế độ phù hợp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Chăm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước…
Theo Bộ VHTT&DL, đồng bào dân tộc Chăm có nguồn gốc ở Nam Trung Bộ nước ta, do những biến động của lịch sử nên di cư khắp nơi. Tỉnh An Giang có gần 14.300 đồng bào Chăm sinh sống tại 9 làng Chăm, tập trung nhiều nhất tại huyện An Phú là 5 làng Chăm với 2.148 hộ, 8.138 nhân khẩu ở 5 xã Khánh Bình, Quốc Thái, Nhơn Hội, Vĩnh Tường và Đa Phước.
Đồng bào Chăm nơi đây có ngôn ngữ riêng tồn tại và phát triển bên cạnh tiếng Việt phổ thông. Tiếng nói Chăm, chữ viết Ả Rập (Mẫu tự PAli) vẫn còn duy trì và dạy ở các thánh đường Hồi giáo tại 5 xã: Vĩnh Tường, Quốc Thái, Nhơn Hội, Đa Phước và Khánh Bình.
Người Chăm huyện An Phú nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm, nhưng hiện nay hầu như không còn nữa chỉ còn 1 vài khung dệt dùng để phục vụ du lịch tại làng Chăm Đa Phước, rất giỏi nghề chài lưới. Tuy nhiên qua khảo sát nhu cầu của đồng bào Chăm, hầu hết người dân đều có mong muốn đầu tư và phát huy các làng nghề truyền thống vừa giữ được bản sắc riêng lại tạo thu nhập cho người dân.
Bà Bùi Thị Mai (cán bộ Sở VHTT&DL tỉnh An Giang) cho biết: Trong xu thế hội nhập, làng nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của mỗi dân tộc…việc bảo tồn và phát huy làng nghề dệt Chăm ở An Giang nói riêng và đồng bào chăm cả nước nói chung là việc làm hết sức cấp bách.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho chính quyền, bà con dân tộc Chăm gìn giữ làng nghề truyền thống của mình, nhà nước cần tăng cường các chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và quảng bá sản phẩm làng nghề giúp làng nghề mở rộng thị trường. Đặc biệt phát triển du lịch làng nghề, vừa góp phần bảo tồn di sản văn hóa, vừa mang lại thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái- Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết, sắp tới, Bộ sẽ tập trung nghiên cứu và đưa ra các giải pháp phù hợp để tiếp tục phát huy văn hóa của đồng bào Chăm. Bên cạnh đó các sở, các địa phương cũng thấy rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào Chăm. Phải kích thích, động viên đồng bào Chăm tự sáng tạo văn hóa, âm nhạc và tự thưởng thức văn hóa của họ và vận động họ cách bảo tồn văn hóa mới bền chặt...