Việt Nam đang sở hữu 9 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh và một “kho tàng” các hiện vật như hoành phi, câu đối, sắc phong… Theo các chuyên gia, để phát huy giá trị các di sản này, rất cần sự chung tay từ nhiều phía.
Tầm quan trọng của di sản tư liệu
Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 3 di sản tư liệu thế giới là Mộc bản triều Nguyễn (công nhận năm 2009); Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (công nhận năm 2011) và Châu bản triều Nguyễn (công nhận năm 2017). Bên cạnh đó, còn có 6 di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (2012), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Mộc bản trường học Phúc Giang (2016), Hoàng hoa sứ trình đồ (2018), Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn (2022) và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (2022). Không chỉ các di sản đã được vinh danh, trong cộng đồng xã hội còn cả một “kho tàng” các di sản tư liệu đang được lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ quốc gia, trung tâm di sản, thư viện, bảo tàng, các nhóm tư liệu sở hữu cá nhân, các di tích tư liệu trong dân gian, đình chùa, đền miếu nhân… hết sức đồ sộ trải dài khắp đất nước. Có thể thấy, kho di sản của chúng ta rất giàu tiềm năng sẽ tiếp tục được ghi danh nếu chúng ta nhận thức rõ vai trò, giá trị của kho tàng di sản tư liệu hiện có.
Đơn cử, trong lĩnh vực xuất bản có hàng loạt tác phẩm giá trị như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi hai mươi”, “Chuyện người Hà Nội”, “Không thể lãng quên”… Tại Huế đang lưu giữ gần 2.933 ván khắc kinh Phật các loại, trong đó chùa Từ Ðàm lưu giữ 1.319 bản khắc mộc bản, chùa Trúc Lâm lưu giữ bản kinh Kim Cang thời Tây Sơn thêu 7.000 chữ Hán bằng chỉ ngũ sắc. Ngoài ra, nhiều tư liệu Hán Nôm từ thời Lê đến thời Nguyễn hiện đang được lưu giữ trong các họ tộc, các gia đình hoàng tộc triều Nguyễn, là nguồn tư liệu quý giá phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, tra cứu dữ liệu... Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng đang lưu giữ khoảng 5.000 tấm ván khắc Phật giáo và gần 70.000 tập sách cổ ghi chép các vấn đề tự nhiên, xã hội, con người Việt Nam truyền thống. Mới đây nhất, Viện Thông tin Khoa học Xã hội (ISSI) đã được đưa lên trang web của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), tạo nên một thư viện ảnh quý giá với gần 57 nghìn bức ảnh về Việt Nam và Châu Á đầu thế kỷ 20 cho đến những năm 1980, mở cho công chúng và giới nghiên cứu truy cập miễn phí.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, hiện nay tài liệu di sản trong kho lưu trữ của các cơ quan nhà nước chỉ chiếm một phần nhỏ, còn cơ bản là nằm rải rác trong cộng đồng. Do đó, việc vận động cộng đồng chia sẻ tư liệu, ký ức là vô cùng quan trọng. Nhiều khi cộng đồng không nhận thức được giá trị của ký ức, tư liệu mà họ nắm giữ nên sẵn sàng bán đi, hoặc để mất những tấm ảnh, bức tranh, lá thư… Do đó, rất cần có những động thái để người dân hiểu việc chia sẻ ký ức, tư liệu quý đó là vô cùng quan trọng, giúp nâng cao hiểu biết của cộng đồng về lịch sử, văn hóa.
Chia sẻ ký ức
Trước kho di sản đồ sộ trong cộng đồng hiện nay, câu hỏi đặt ra là, làm sao để các di sản tư liệu được lan tỏa một cách tươi mới trong cộng đồng?
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, người làm sử luôn quan niệm lịch sử thực chất là sự nối dài ký ức của cộng đồng từ đời này qua đời khác. Con người suy nghĩ gì về quá khứ và muốn để lại gì cho tương lai? Đây là vấn đề của thời đại, khi con người được coi là trung tâm, trí tuệ là động lực của sự phát triển. Ký ức của mỗi người là một phần ký ức chung của xã hội. Và chia sẻ ký ức là cách thức tốt nhất phát huy di sản chung ấy. Mỗi con người đều chứa đựng một phần lịch sử. Nếu mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, đơn vị đều ý thức được việc lưu giữ và lan tỏa những ký ức, những tư liệu có giá trị lịch sử thì kho tàng của chúng ta sẽ được bồi đắp. Cũng theo ông Dương Trung Quốc, con người có hai xu hướng, một là “giữ khư khư cho mình” hai là “mang ra khoe”. Bởi vậy, rất cần có phương thức để đánh thức, khích lệ các cá nhân phát huy những tài liệu, tư liệu mà họ lưu trữ.
Giới chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, để các di sản ký ức lan tỏa được đến cộng đồng, cần những “cú hích” trong việc tạo dựng niềm tin. Ở đó, chính các cơ quan lưu trữ phải tạo dựng được “thương hiệu” trong việc tiếp nhận và xây dựng các tư liệu đó thành những “bảo vật” đặc sắc để giới thiệu đến công chúng. Bên cạnh đó, với mỗi cá nhân khi sở hữu các di sản tư liệu cần thay đổi quan niệm, nâng niu ký ức, giữ gìn di sản không có nghĩa là giữ riêng cho bản thân, gia đình, thậm chí “cất kho”. Những di sản đó cần được mỗi cá nhân trân trọng và chuyển tải rộng rãi đến cộng đồng. Để làm được điều này, mỗi người cần tạo cơ hội cho di sản tư liệu được phát huy tốt nhất thông qua việc chia sẻ.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Nguyệt Hoa nhận định, đã có hơn 200 gia đình, cá nhân trực tiếp gửi tặng tư liệu, tài liệu đến Trung tâm. Điều đó cho thấy các cơ quan lưu trữ đã có sự đổi mới trong cách tiếp cận công chúng, không còn là cơ quan lưu trữ với nhiều thủ tục mà trở thành địa chỉ để người dân đến xem những cuộc trưng bày, triển lãm, lắng nghe và tin tưởng gửi tặng tư liệu. Rất nhiều tư liệu được các gia đình cất công gìn giữ qua nhiều năm và họ phải rất tin tưởng vào cơ quan lưu trữ thì mới quyết định trao tặng và gửi gắm.