Ngày 23/3, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức Hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước”.
Chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; ông Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Bộ Ngoại giao.
Góp ý tại Hội thảo, ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ quan hệ kinh tế KH&CN, Ủy ban Nhà nước về NVNONN nhận định, trong xu hướng phát triển chung của cộng đồng NVNONN, lực lượng trí thức NVNONN tăng nhanh về lượng và chất, ngày càng thành đạt, có uy tín ở sở tại, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng bên cạnh các kết quả đạt được, qua thực tiễn không thể phủ nhận còn tồn tại nhiều bất cập trong việc triển khai các cơ chế, chính sách về thu hút, trọng dụng cán bộ trí thức kiều bào. Đơn cử như việc tổ chức thực hiện chính sách, ở một số nơi, một số cấp, thủ tục hành chính rườm rà, phiền nhiễu cũng là rào cản đối với sự nhiệt tình đóng góp của trí thức kiều bào cho đất nước.
Đề xuất giải pháp phát huy nguồn lực trí thức NVNONN thời gian tới, ông Phạm Việt Hùng cho rằng, công tác thu hút nguồn lực trí thức kiều bào cần tập trung vào các nội dung như khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển bền vững. Về đối tượng vận động, thu hút, bên cạnh việc duy trì liên hệ, hợp tác với các trí thức, chuyên gia giàu kinh nghiệm, công tác cần tiếp tục mở rộng tới thế hệ trí thức trẻ NVNONN, bao gồm cả lực lượng du học sinh và con em kiều bào thế hệ thứ hai, thứ ba ở sở tại. Cùng với đó nên tăng cường thu hút nguồn lực chất xám của kiều bào “từ xa”, gián tiếp như giảng dạy ngắn hạn, tư vấn, chuyển giao công nghệ cao, làm cầu nối mời chuyên gia quốc tế đến Việt Nam, thay vì phải quay về Việt Nam làm việc dài hạn.
Ông Hùng cũng kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai cơ chế, chính sách về thu hút, tuyển chọn, trọng dụng trí thức; nghiên cứu xây dựng chính sách chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với chuyên gia, trí thức NVNONN có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao về nước tham gia các đề án, chương trình ưu tiên, đặc biệt quan trọng của quốc gia, ngành, địa phương và trao quyền cho người đứng đầu chịu trách nhiệm xem xét, đặc cách lựa chọn/tuyển dụng những cá nhân thực sự có tài năng.
Để phát huy các tiềm năng thế mạnh của đội ngũ trí thức, khoa học NVNONN, ông Từ Thành Huế, Trưởng ban Đối ngoại - Kiều bào (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng cần kiên quyết loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết đối với kiều bào; minh bạch hoá các thủ tục về nhập xuất cảnh, đăng ký công dân, đăng ký thường trú cho người hồi hương. Cùng với đó cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho các dự án đầu tư của kiều bào; sớm hoàn thiện các quy định tạo thuận lợi cho NVNONN được mua và sở hữu nhà ở trong nước, đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam…
Ông Từ Thành Huế cũng đề xuất cần tiếp tục triển khai các biện pháp tranh thủ, thu hút sự hợp tác, đóng góp của trí thức, doanh nhân kiều bào trên các lĩnh vực: tư vấn trong hoạch định chính sách phát triển đất nước, nhất là trong các ngành kinh tế; làm cầu nối hợp tác, tìm kiếm nguồn đầu tư quốc tế cho lĩnh vực khoa học-công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trong nước; khuyến khích các hình thức tập hợp của trí thức, doanh nhân kiều bào.
“Cần tiến hành khảo sát, thu thập danh sách các trí thức, chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn giỏi có thể đáp ứng được yêu cầu từng lĩnh vực trong nước và có chính sách đãi ngộ thoả đáng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bà con phát huy khả năng đóng góp…” ông Từ Thành Huế đề xuất.
Kiến nghị những giải pháp kết nối trí thức người Việt Nam ở nước ngoài nhằm phát triển kinh tế trong nước dựa trên đổi mới sáng tạo và thành tựu Cuộc CMCN 4.0, ông Võ Xuân Hoài, Phó Tổng Thư ký Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng cần xác định rõ những vướng mắc, cản trở sự đóng góp của người Việt ở nước ngoài nói chung và trí thức người Việt ở nước ngoài nói riêng để có những giải pháp tháo gỡ, khơi thông nguồn lực “mềm” đáng quý này; đồng thời cần phải có những chính sách, cơ chế phù hợp để khơi dậy tình yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của NVNONN, phải đem lại cho họ cảm giác được trân trọng, từ đó đóng góp của họ mới thực sự chân thành, hết lòng hết sức và hiệu quả.
“Hiện nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đang xây dựng cơ sở dữ liệu về trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, tập hợp danh sách trên 100.000 người có thông tin từng ngành, nghề và địa chỉ. Nhưng danh sách này còn khá khiêm tốn so với tổng số trí thức NVNONN, vì vậy, cần đẩy nhanh tiến độ điều tra xã hội học và khi có dữ liệu tương đối cần giữ liên hệ thường xuyên với họ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng và sẵn sàng tham vấn những vấn đề trong nước đang cần”, ông Hoài đề xuất.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, nội dung tham luận một lần nữa khẳng định vai trò, tầm quan trọng của trí thức NVNONN đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh việc quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác NVNONN cùng những kết quả đã đạt được trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài NVNONN, đại biểu tham dự đã chỉ ra những bất cập, những vấn đề đặt ra trong thực tiễn công tác vận động trí thức NVNONN tham gia phát triển đất nước.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, trong lĩnh vực thu hút nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay thì cộng đồng trí thức NVNONN chính là một nguồn lực dồi dào còn nhiều tiềm năng chưa khai thác. Để phát huy nguồn lực này, các cấp, các ngành cần có chiến lược cụ thể để phát huy vai trò của kiều bào trong xây dựng đất nước, điều này đòi hỏi các cơ quan, tổ chức cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình trong công tác về NVNONN, việc triển khai phải thực sự đúng vai, nhất quán và giảm thiểu chồng chéo về chức năng đồng thời có sự liên thông, hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong hệ thống về công tác này.
Đặc biệt là vai trò ngày càng quan trọng của MTTQ Việt Nam và các hội thành viên trong việc kết nối, hợp tác và kiến nghị với Đảng và Nhà nước tạo điều kiện tốt hơn nữa để trí thức NVNONN tham gia đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Nhấn mạnh Hội thảo được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đội ngũ trí thức và 40 năm thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, những kiến nghị, đề xuất tại Hội thảo sẽ được ban Tổ chức tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan liên quan. Cùng với đó, những ý kiến này sẽ góp phần tổng kết, đánh giá những chủ trương, nghị quyết quan trọng của Đảng về đại đoàn kết dân tộc, về trí thức, về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và làm cơ sở xây dựng nghị quyết mới, chủ trương chính sách mới trong thời gian tới.