Sau 2 năm đi vào hoạt động, các Hội đồng tư vấn (HĐTV) của Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An đã khẳng định được vai trò của mình. Ý kiến tham gia góp ý của các thành viên HĐTV chất lượng, hiệu quả, sâu sắc, có cơ sở lý luận và thực tiễn, góp phần vào kết quả hoạt động chung của công tác Mặt trận.
Nâng cao vị thế Mặt trận
Tháng 9/2021, tại cuộc làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Hàng năm, MTTQ cần chủ trì, thảo luận, thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội để xây dựng kế hoạch giám sát, báo cáo cấp ủy cùng cấp cho ý kiến để tiến hành thực hiện. Đồng thời, phải thực hiện thường xuyên để tiếp nhận và phản ánh kịp thời dư luận xã hội, thông tin, phản biện của nhân dân về chính sách, cán bộ… Nếu làm được việc này với tinh thần xây dựng, vì đồng chí, vì sự phát triển thì vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ nâng lên rất cao.
Thực tế, sau 2 năm đi vào hoạt động, các HĐTV đã tham gia sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, trong công tác giám sát dù chủ yếu thông qua hình thức nghiên cứu văn bản nhưng các HĐTV đã giúp Ban Thường trực MTTQ tỉnh chỉ ra những bất cập, hạn chế của lĩnh vực giám sát, đồng thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương, của tỉnh chỉ đạo sửa đổi, ban hành chính sách để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm tính toàn diện, đúng đắn, hài hòa lợi ích của người dân, cơ quan, tổ chức và Nhà nước.
Đối với công tác phản biện xã hội, trong năm 2021 các HĐTV đã tư vấn, góp ý cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh 52 dự thảo văn bản về các dự án luật, đề án, nghị quyết..., trong đó có những dự thảo văn bản quan trọng như: Đề án “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, giai đoạn 2021-2025”; Đề án và Nghị quyết về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giai đoạn 2021-2030…
“Thấu” tận Trung ương
Trong 2 năm hoạt động, mỗi khi Ban Thường trực “đặt hàng”, các tổ HĐTV đã “xắn tay” vào việc ngay. Đơn cử như vào tháng 6/2020, MTTQ tỉnh tiếp cận những phản ánh của dư luận, báo chí và người dân tại dự án thủy điện Hủa Na, dù đã đi vào hoạt động nhưng vấn đề xử lý chênh lệch giá trị đất nông nghiệp, nơi đi và nơi đến tại dự án này còn bất cập. Cụ thể, tại dự án thủy điện Hủa Na theo tính toán của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đến nay số tiền phải bồi thường cho nhân dân do chênh lệch diện tích giữa nơi đi và nơi đến, nếu tính chi tiết theo từng loại đất tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ là hơn 81 tỷ đồng, nếu tính theo tổng giá trị các loại đất sản xuất nông nghiệp (tách đất lâm nghiệp) là hơn 54,7 tỷ đồng; nếu tính tổng giá trị các loại đất nông nghiệp là 38,7 tỷ đồng.
Sau quá trình giám sát, vào ngày 30/11/2020, bà Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An đã ký văn bản số 150/BC-MTTQ-BTT gửi UBTƯ MTTQ Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ kiến nghị nội dung trên. Ngay sau đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành văn bản số 2188/MTTW-BTT gửi đến Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện xử lý chênh lệch giá trị đất nông nghiệp nơi đi và nơi đến thuộc dự án thủy điện Hủa Na. Và đến nay, những kiến nghị này đã được Thủ tướng chỉ đạo rất sát sao nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng của dự án.
Hay như vào cuối năm 2020, dư luận tại tỉnh Nghệ An xôn xao câu chuyện bảng giá đất mới giai đoạn 2020-2024. Xác định là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, ngày 5/12/2020, Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội nghị góp ý, phản biện xã hội dự thảo bảng giá đất tỉnh Nghệ An nói trên. Sau khi ghi nhận, tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, MTTQ tỉnh Nghệ An đề nghị các đơn vị soạn thảo dự thảo bảng giá đất điều chỉnh về việc trình bày bảng giá, tránh gây hiểu nhầm về mặt số học, bổ sung nội dung báo cáo tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các sở, ngành cần phân tích đánh giá thêm tính phù hợp của mức tăng bình quân ở từng khu vực, từng địa bàn, thống nhất quan điểm hài hòa lợi ích giữa các bên, làm tốt công tác tuyên truyền, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội...
Đây là 2 trong số rất nhiều cuộc phản biện xã hội mà các thành viên HĐTV đã giúp Mặt trận đưa ra những kiến nghị phù hợp với thực tiễn, được cấp ủy, chính quyền chỉ đạo sở, ngành chuyên môn thực hiện. Theo bà Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An đánh giá, nhiều nội dung kiến nghị của thành viên HĐTV đã được đưa vào văn bản kiến nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh gửi đến cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu, tiếp thu và chỉ đạo thực hiện. “Thậm chí, đây là lần đầu tiên Mặt trận có văn bản kiến nghị gửi thẳng ra Mặt trận Trung ương, Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một nội dung cụ thể và được Trung ương tiếp thu, chỉ đạo thực hiện” - bà Sinh cho biết.