Phát huy vai trò của y tế thôn, bản

D.Anh 12/05/2020 08:00

Hiện toàn tỉnh Sơn La có 3.254 nhân viên y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại 3.324 tổ, bản, tiểu khu, chiếm 97,8%; 194 nhân viên y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, gọi là cô đỡ thôn, bản. Những năm qua, mạng lưới nhân viên y tế đóng vai trò là nhân tố quan trọng trong việc tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Phát huy vai trò của y tế thôn, bản

Tuyên truyền về việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em.

Người dân từng bước thay đổi nhận thức

Ông Lò Văn Khiêm (55 tuổi) trú tại bản Nà Hoi, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, đã có 11 năm làm nhân viên y tế thôn, bản. Ông chia sẻ: Công việc của nhân viên y tế thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa rất vất vả. Để đến được nhà dân tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho họ, có khi ông phải đi từ sáng tới trưa mới tới. Thậm chí vào mùa đi nương, người dân không ở nhà, ông phải đi lại rất nhiều lần mới gặp. Vất vả là vậy nhưng ông vẫn thấy vui khi nhìn người dân dần tự biết cách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, biết thế nào là vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... Đặc biệt, nếu trước đây khi mắc bệnh, người dân trong bản thường tìm đến thầy mo, bà mế để cúng bái, thì nay đã thay đổi nhận thức, biết tìm đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh.

Theo ông Tòng Văn Hiêm, Trưởng trạm Y tế xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai: Tại xã Chiềng Khoang có 19/19 thôn, bản, tiểu khu có nhân viên y tế thôn, bản hoạt động. Không chỉ làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, mạng lưới này còn góp phần cùng trạm y tế xã thực hiện hoạt động chuyên môn về y tế cộng đồng. Họ là những người đầu tiên phát hiện, cũng như tham gia giám sát và báo cáo tình hình dịch, bệnh tại thôn, bản. Từ đó, trạm y tế xã dễ dàng sàng lọc các bệnh lý để điều trị, giảm thiểu tình trạng vượt tuyến khi không cần thiết.

Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, còn tồn tại phong tục, tập quán lạc hậu như sinh con tại nhà. Thời gian qua, theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Sơn La, tỷ lệ này chiếm 33,5%. Bên cạnh đó, gần 50% bà mẹ khi sinh không được sự trợ giúp của người đỡ có trình độ chuyên môn; 70% bà mẹ và trẻ sơ sinh không được chăm sóc trong vòng 6 tuần sau sinh…

Chị Lò Thị Tiệp (24 tuổi) làm cô đỡ thôn, bản tại xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, từ năm 2014. Chị nói: Trong 4 năm đảm nhận công việc, chị đã đỡ đẻ cho hơn 40 phụ nữ mang thai khi chuyển dạ không đến, hoặc không kịp đến cơ sở y tế. So với trước đây, tỷ lệ sinh con tại nhà vẫn còn nhưng đã có giảm đi, chủ yếu ở vùng địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn nên bị hạn chế khả năng tiếp cận cơ sở y tế. Phụ nữ thường xuyên được tư vấn về sức khỏe sinh sản nên đa phần đã có ý thức chủ động đến cơ sở y tế đăng ký quản lý thai, khám thai và sinh đẻ; đồng thời chú ý hơn đến việc tiêm chủng cho con em các loại vắc xin phòng chống bệnh, dịch.

Chị Tiệp chia sẻ: Cùng là phụ nữ và cũng đã làm mẹ, chị sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em của mình cho các chị em khác. Chị luôn mong muốn làm sao để các chị em biết nuôi con khỏe, nuôi con bằng sữa mẹ, cách cho trẻ ăn hợp lý cũng như cách chăm sóc bản thân khi mang thai, sau khi sinh để nâng cao đời sống của bản thân và gia đình.

Còn nhiều khó khăn

Thực tế cho thấy, với mạng lưới nhân viên y tế rộng khắp các thôn, bản ở tận vùng sâu, vùng xa, công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại tỉnh Sơn La đã có những bước thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, hoạt động của mạng lưới y tế thôn, bản vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo bà Nguyễn Thị Kim An, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Sơn La: Khó khăn nhất là vấn đề phụ cấp cho nhân viên y tế thôn, bản chưa thực sự tương xứng với công việc. Với địa bàn miền núi vùng cao, giao thông đi lại khó khăn, số tiền này không bảo đảm tiền xăng xe đi tuyên truyền cho người dân, chưa kể còn phải trang trải cho cuộc sống của họ.

Xác định nhân viên y tế thôn, bản chính là cánh tay nối dài trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ngành Y tế tỉnh Sơn La đã phối hợp với chính quyền địa phương từng bước thực hiện lồng ghép cho nhân viên y tế thôn, bản kiêm nhiệm thêm một số công việc như cô đỡ thôn, bản, cộng tác viên dân số...; qua đó tạo điều kiện để nhân viên y tế thôn, bản yên tâm công tác.

Bà Nguyễn Thị Kim An cũng đề xuất cần sớm có những điều chỉnh thích hợp về phụ cấp cho nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản nhằm động viên lực lượng này ngày càng đáp ứng tốt các yêu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy vai trò của y tế thôn, bản