3 năm triển khai Quyết định 217-218 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội không phải quá dài nhưng kết quả, sức ảnh hưởng lại vô cùng to lớn, cho thấy quyết tâm của hệ thống Mặt trận trong triển khai nhiệm vụ trên đã được đền đáp. Ông Nguyễn Đức Minh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã khẳng định như vậy với báo Đại Đoàn Kết.
Ông Nguyễn Đức Minh.
PV:Ông đánh giá thế nào về 3 năm triển khai Quyết định 217-218 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên?
Ông Nguyễn Đức Minh: Với đặc thù là tỉnh miền núi với 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 180 xã, phường, thị trấn, 3.036 xóm, tổ dân phố, 3.019 Ban Công tác Mặt trận, 179 Ban Thanh tra nhân dân, 180 Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, qua 3 năm thực hiện Quyết định 217-218 của Bộ Chính trị, MTTQ các cấp trong tỉnh đã chỉ đạo đồng bộ, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm các nội dung giám sát, phản biện được đông đảo nhân dân quan tâm.
Kết quả giám sát đã phát huy vai trò, quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Bên cạnh đó, làm tốt công tác giám sát cũng góp phần chấn chỉnh những mặt tồn tại, hạn chế của các địa phương, đơn vị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; kịp thời phản biện, góp ý các dự thảo văn bản khi có yêu cầu từ các cơ quan, tổ chức.
Qua đó góp phần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân cũng như hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp.
3 năm triển khai Quyết định 217 và 218 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho công tác Mặt trận. Ông có thể cho biết kết quả giám sát, phản biện xã hội góp phần vào thành công chung của Mặt trận trên địa bàn tỉnh như thế nào?
MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình đã kịp thời phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp lựa chọn các chuyên đề giám sát, xây dựng chương trình giám sát, phản biện và xin ý kiến cấp ủy cùng cấp triển khai thực hiện.
Theo đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức 5 đoàn giám sát bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp; giám sát 9 cuộc tại 9 huyện về chính sách ưu đãi đối với người có công; giám sát 2 cuộc đối với công tác bảo vệ môi trường; giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giám sát việc thu và quản lý sử dụng các khoản thu trong trường học trên địa bàn tỉnh; giám sát việc thực hiện chính sách BHYT cho người nghèo.
Tại các cuộc giám sát chuyên đề do MTTQ chủ trì hoặc do đoàn ĐBQH -HĐND, Viện Kiểm sát, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chủ trì, MTTQ các cấp đã phát huy vai trò trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, biểu dương những cố gắng của các đơn vị, địa phương trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
MTTQ tỉnh Thái Nguyên giám sát về vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, khó khăn lớn nhất mà Mặt trận tỉnh Thái Nguyên gặp phải là gì, thưa ông?
Theo tôi, nói đến khó khăn có lẽ cần phải nói đến cơ chế giám sát và phản biện xã hội còn thiếu. Các quy định về hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể chưa quy định rõ nội dung giám sát, phạm vi giám sát, cơ chế, điều kiện đảm bảo hoạt động giám sát, nhất là việc xử lý các kiến nghị sau giám sát.
Ngoài ra, các điều kiện đảm bảo hoạt động như: chế độ giám sát, phụ cấp cho các thành viên tham gia, các chế tài xử lý kết quả giám sát chưa rõ ràng nên rất khó thực hiện trong thực tế.
Đối với hoạt động phản biện xã hội sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nhà nước vẫn chưa ban hành được cơ chế cụ thể để MTTQ và các tổ chức đoàn thể thực hiện chức năng phản biện xã hội.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ MTTQ và các đoàn thể còn thiếu, yếu, không được đào tạo bài bản, nhất là ở cấp huyện và cơ sở.
Nhiều cán bộ chưa ngang tầm với nhiệm vụ, tính chuyên sâu không cao, năng lực nhìn nhận, phân tích vấn đề, đánh giá và kết luận trong quá trình giám sát và phản biện còn có mặt bất cập. Tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của một số cán bộ làm công tác Mặt trận và đoàn thể có nơi chưa được phát huy đúng mức…
MTTQ tỉnh Thái Nguyên có kiến nghị như thế nào để nhiệm vụ giám sát, phản biện ngày càng sát với yêu cầu thực tế?
Đối với cấp Trung ương, chúng tôi đề nghị xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, thống nhất, nhất là Quốc hội sớm xây dựng và ban hành Luật về giám sát của nhân dân; đánh giá đúng thực trạng để bổ sung hoàn chỉnh các quy định pháp luật để MTTQ và các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội trong thực tế.
Còn đối với địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế, đề nghị Tỉnh ủy tăng cường công tác tuyên truyền về nhận thức trong các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở về vai trò của MTTQ, tạo điều kiện cho MTTQ và các đoàn thể ở địa phương tổ chức thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội; quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ có tâm có tầm làm công tác Mặt trận và các đoàn thể.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng nên phối hợp, tạo điểu kiện để MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên thực hiện chức năng giám sát các hoạt động của Đại biểu dân cử, tham gia giám sát các chuyên đề của Thường trực HĐND, phản biện các dự thảo, đề án, dự án, Nghị quyết của HĐND…
Trân trọng cảm ơn ông!