Từ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" đến "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá", đó chính là đòi hỏi đối với cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, đặc biệt là đảng viên có chức có quyền. Gốc đã vững thì không sợ gió to bão lớn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở "cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vì vậy, Người đặt ra yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên được khái quát trong 2 chữ “ĐỨC” và “TÀI”. Người chỉ rõ: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nhà nước”. Người căn dặn: “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (1).
Trong bất cứ giai đoạn nào, công tác cán bộ đều được Đảng ta đặt ra như một yêu cầu then chốt, có tính quyết định của sự thành bại, tuân theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Có nghĩa là cán bộ, đảng viên phải tiền phong gương mẫu, đặt lợi ích của dân, của nước, lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết.
1. Ngày nay, trong cuộc chiến đấu phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, lại càng thấy rõ hơn bao giờ hết đòi hỏi về phẩm chất trong sáng đối với từng cán bộ, đảng viên; sự liêm chính của từng tổ chức đảng. Ngày 6/7/2022, Bộ Chính trị ra Quy định số 69-QÐ/TW với nhiều nội dung mới trong việc xem xét vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên. Quy định số 69 là một bước tiến mới, phù hợp với thực tiễn trong cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực; xây dựng và chỉnh đốn đảng. Theo đó, tất cả tổ chức đảng và đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời.
Thông tin tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 (ngày 30/6/2022), cho biết, 10 năm qua, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử rất quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” đã tạo bước đột phá trong công tác PCTN, tiêu cực. Từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng, tiêu cực”, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và PCTN; Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2000 nghị định, quyết định...
Ông Lê Quang Thưởng - nguyên phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương:
Nói phải đi đôi với làm
Đại hội XIII của Ðảng đã nhấn mạnh, về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Ðảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan toả, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và là đạo lý của người đảng viên của Ðảng trước Nhân dân.
Để phát huy tinh thần nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác phấn đấu và tu dưỡng, rèn luyện theo những chuẩn mực đạo đức được xây dựng ở địa phương, cơ quan, đơn vị, trong từng tổ chức đảng. Nêu gương cũng không phải là những gì quá to tát, nó được thể hiện trong công việc, cuộc sống hàng ngày. Theo đó, mỗi người đảng viên cần làm tốt trách nhiệm của một công dân, sống và làm việc theo đúng pháp luật. Luôn luôn gắn bó và giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ cơ quan, với hàng xóm làng giềng. Đặc biệt, nói phải đi đôi với làm.
Ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32-QĐ/TW bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực. Tiếp đó, cùng với Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, Ban Chỉ đạo tại tất cả 63 tỉnh/thành được thành lập, do Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy là Trưởng ban. Điều đó cho thấy, cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực; xây dựng, chỉnh đốn Đảng lan tỏa cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đó là cuộc đấu tranh liên tục, không ngừng nghỉ và không khoan nhượng.
Ngày 4/5/2022, phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh: "Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt; chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt". Cùng đó, dẫn tư tưởng của Lê-nin nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng, theo Tổng Bí thư đó là "thà ít mà tốt"; "những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không chúng ta cũng không cần".
Ngày 10/5/2022, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh: Tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và rèn luyện đảng viên. Coi trọng chất lượng phát triển đảng viên, chú trọng hơn nữa đến việc rèn luyện, bồi dưỡng quần chúng, đối tượng cảm tình đảng, trước khi vào Đảng phải thực sự là những quần chúng ưu tú không chỉ về năng lực công tác mà phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, có động cơ trong sáng. Thường xuyên rà soát, sàng lọc, kịp thời và kiên quyết đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.
2. Trong dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng có bài viết: “Rọi sáng tinh thần “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay”. Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng, trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề đầu tiên là “tư cách người cách mệnh” và trước khi từ biệt thế giới này, trong Di chúc của mình, Người vẫn ân cần căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Nghiêm minh kỷ luật đảng, không bao che, dung túng cho bất cứ hành vi sai phạm nào, nhưng đồng thời cũng phải có cơ chế bảo vệ đảng viên tốt, cán bộ tốt. Chính vì vậy, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận số 14 không chỉ góp phần khơi nguồn sáng tạo cho cán bộ, đảng viên trong mọi mặt công tác và cuộc sống mà còn được coi như tấm khiên/lá chắn để bảo vệ họ, giúp họ phát huy sở trường, tài năng và ý chí quyết đoán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn.
Từ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" đến "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá", đó chính là đòi hỏi đối với cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, đặc biệt là đảng viên có chức có quyền. Gốc đã vững thì không sợ gió to bão lớn. Bảo vệ họ để họ không chỉ hoàn thành nhiệm vụ mà trong những trường hợp cụ thể có thể tránh được những tổn hại không cần thiết cho tập thể, cộng đồng.
Thực tiễn cuộc sống luôn đòi hỏi phải đổi mới và sáng tạo, song khi “khai phá”, "mở đường” có lúc gặp rủi ro, kết quả không đạt được như mong muốn. Thời gian qua, khi Đảng tăng cường công tác kiểm tra và giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm, thì không phải không có xu hướng co lại, không dám làm, sợ sai, sợ bị kỷ luật. Do vậy, sự ra đời của Kết luận số 14 thực sự là một đột phá, là cứu cánh để cán bộ, đảng viên phát huy sức sáng tạo, vì họ tin tưởng rằng nếu làm việc hết mình, cống hiến hết mình với cái tâm trong sáng thì sẽ được bảo vệ.
Kỷ luật cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng vi phạm; đồng thời bảo vệ, ủng hộ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đó chính là căn cốt của cuộc chiến đấu PCTN, tiêu cực; xây dựng, chỉnh đốn Đảng: loại bỏ cái xấu để cái tốt phát triển; để Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mà muốn đạt được điều đó thì trước hết mỗi tổ chức đảng, mỗi đảng viên phải thực sự “là đạo đức, là văn minh”.
(Còn nữa)