Bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary cho rằng, những năm gần đây cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài càng ngày càng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Mặt Trận Tổ Quốc quan tâm và cũng nhờ đó khối kiều bào đã phát huy được nhiều hơn tiềm năng của mình trong công tác đối ngoại nhân dân cũng như trong hoạt động hướng về quê hương, đất nước.
Bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary.
Là một người đã và đang sinh sống ở nước ngoài 33 năm, được chứng kiến sự đổi thay và phát triển của cộng đồng người Việt xa xứ, đồng thời trực tiếp tham gia các hoạt động cộng đồng, bà Bích Thiện cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Hungary hiện nay có khoảng hơn 5.000 người, trong đó phần đông bà con đều đang sinh sống và làm việc tại thủ đô Budapest.
Tuy là một cộng đồng không lớn về số lượng song cộng đồng người Việt Nam tại Hungary đã có nhiều đóng góp tích cực trong các hoạt động hướng về quê hương, đất nước cũng như trên mọi mặt của đời sống xã hội nước sở tại, được lãnh đạo nước bạn đánh giá là một cộng đồng người nước ngoài mạnh, có tri thức, đoàn kết và hội nhập tốt.
Từ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác cộng đồng, bà Phan Bích Thiện nhận thấyvai trò của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở mỗi quốc gia vô cùng quan trọng trong các hoạt động đối ngoại nhân dân, là cầu nối thiết thựcgóp phần đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Để hoạt động này ngày càng được phát huy và có hiệu quả hơn nữa, bà Thiện cho rằng, cần quan tâm xây dựng các tổ chức, hội đoàn, câu lạc bộ… của người Việt ở mỗi nước. Nên đa dạng hóa các hội đoàn phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau để vận động được nhiều hơn bà con tham gia vào các hoạt động chung của cộng đồng.
Đặc biệt, cần chú trọng vận động đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân, người thành đạt, người có ảnh hưởng là người Việt Nam ở nước sở tại tham gia vào việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước. Đây là lực lượng có uy tín không chỉ đối với cộng đồng người Việt Nam ở mỗi nước mà còn tới cả người dân bản địa. Khuyến khích, động viên đội ngũ này thông qua tầm ảnh hưởng và các mối quan hệ của họ với chính quyền và các tổ chức nước sở tại để thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, khoa học, thương mại giữa Việt Nam và các nước.
Cũng theo bà Thiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên có cơ chế hỗ trợ thành viên trong việc kết nối với các tổ chức tương đương của nước sở tại. Nếu chúng tôi liên hệ được với các tổ chức tương đương, đề nghị UBTƯ MTTQ có các văn bản chính thức hỗ trợ để giúp cho việc phối hợp hay tổ chức các hoạt động trao đổi được thuận lợi”, bà Phan Bích Thiện nhấn mạnh.