Công trình hào thành được xem như vòng bảo vệ đặc biệt của di sản thành nhà Hồ (Thanh Hoá) đã chính thức được phát lộ thông qua công tác khai quật trong suốt nhiều năm qua. Những cứ liệu lịch sử quan trọng vừa được công bố là tiền đề phục vụ công tác tái thiết, trùng tu, tôn tạo nhằm giúp cho thành đá cổ độc đáo thuộc hàng bậc nhất châu Á “sống lại”, hướng tới việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế, xã hội.
Dấu tích bờ kè tại khu vực phía Tây thành nhà Hồ.
Lòng hào rộng như sông con
Trong đợt khai quật gần như là cuối cùng về công trình hào thành diễn ra năm 2019, Viện Khảo cổ học (KCH) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản thành nhà Hồ (TTBTDS) đã tìm hiểu nhằm đánh giá, làm rõ hơn về mối tương quan giữa kiến trúc hào ở phía Đông, Tây xung quanh công trình kỳ vĩ do triều Hồ kiến tạo. Tổng diện tích ở cả hai điểm rộng hơn 7.000m2, đã thu được một số kết quả rất quan trọng giúp các nhà khoa học đánh giá một cách tổng thể về chiếc “chìa khoá” trả lời câu hỏi, đâu là con đường vành đai bảo vệ trước cố cung?
Theo đó, tại khu vực vách Đông, di vật xuất lộ chủ yếu là các mảnh đá dăm kích thước nhỏ, một số vật liệu sỏi cuội, gạch, ngói sành sứ giai đoạn thời Lê thế kỷ 15-18. Đây là lớp phủ một phần bề mặt nền gia cố chân thành. Đá dăm có kích thước trung bình từ 0,5cm đến 1cm, màu xanh thẫm, trắng đục, cạnh sắc. Sự có mặt của lớp dăm cho thấy quá trình chế tác diễn ra tại khu vực này. Bên cạnh đó, việc tìm thấy lớp sét vàng nhạt, là lớp đất sinh thổ khu vực phía Tây Bắc hào thành xác định độ sâu lớn từ âm 490cm đến dưới 520cm so với cos 0.
Khu vực hào thành, các nhà khảo cổ tìm thấy lớp đất sét xanh: Đây là lớp sét phủ kín toàn bộ bề mặt phía trong lòng hào, đất màu xanh nhạt, mền, dẻo, xuống sâu có màu xám xanh, dạng bùn nhão, độ sâu từ 30cm đến 270cm, cao độ từ âm 450cm đến gần âm 725cm so với cos 0. Di vật xuất lộ nhiều mảnh đá khối kích thước nhỏ, một số mảnh vật liệu kiến trúc như gạch chữ nhật, ngói đỏ và hiện vật sành, sứ thuộc giai đoạn sớm, muộn khác nhau.
Diễn biến địa tầng hố khai quật hào thành Đông, đang tiếp tục được nghiên cứu, hiện trạng hố chạy dài theo chiều Đông - Tây chia thành khu vực nền gia cố chân thành và khu vực hào thành. Khu vực hào thành, di vật xuất lộ khá nhiều các mảnh đá dăm, đá trắng kích thước nhỏ và đặc biệt tại khu vực phía Đông hố khai quật xuất lộ một dải gạch, ngói vụn có niên đại thời Lý, Trần, Hồ.
Quan trọng hơn cả, trong mặt bằng hố khai quật xuất lộ kiến trúc hào thành phía Đông, phía Tây với hai bờ kè trong và ngoài cho thấy: Hào thành phía Tây có nền kiến trúc gia cố chân thành rộng từ 75m đến 80m và hệ thống hào thành gia cố bằng đá khối kích thước nhỏ, vừa và đất sét đầm lẫn nhiều sạn sỏi, phần lòng hào rộng từ 50m đến 55m, sâu nhất tới âm trên 725cm so với cos 0. Kết cấu bờ kè Đông (kè trong) xuất lộ với độ dốc thoai thoải so với chân thành, cách khu vực chân thành khoảng 90m. Bờ kè Tây (kè ngoài) cách khu vực tường thành Tây khoảng 145m.
PGS.TS Tống Trung Tín khẳng định: Kiến trúc Hào thành phía Đông, dựa trên mặt bằng khai quật và xem xét chi tiết các dấu tích văn hóa xuất lộ, chúng tôi xác định có một nền gia cố chân thành rộng từ 75m đến 80m. Hệ thống kè hào được gia cố bằng đá khối kích thước nhỏ, vừa và đất sét lẫn nhiều sạn sỏi laterite đầm chặt. Phần lòng hào thành rộng từ 50m đến 55m, độ sâu âm trên 680cm so với cos 0. Kết cấu bờ kè Tây (kè trong) xuất lộ với độ dốc so với chân thành, cách khu vực tường thành khoảng 90m; bờ kè Đông (kè ngoài) cách khu vực tường thành Đông khoảng 145m”.
Như vậy, sau nhiều đợt khai quật, qua kết quả nghiên cứu, có thể khẳng định cấu trúc tổng thể hào thành rằng: Nền gia cố chân thành phía Bắc rộng 40m, phía Nam, Đông, Tây rộng từ 75m đến 80m. Hệ thống hào thành với phần lòng hào rộng từ 50m đến 55m, sâu từ âm 650cm đến âm 725cm so với cos 0. Điều này minh chứng cho việc các bậc tiền nhân đã tính toán một cách kỹ lưỡng để bảo vệ vững chắc cho khu vực nội thành khi kẻ thù muốn tiến vào đánh phá. Lòng hào tứ phía toà thành rộng như một dòng sông con, có độ sâu tương đối đồng đều từ mức âm 6,5m đến âm 7,25m so với cos 0. Hệ thống dẫn thuỷ thông suốt, ổn định với nguồn nước vào, ra lấy bờ hữu dòng sông Bưởi, hiện vẫn còn dấu tích rất rõ ràng.
Cần sớm khôi phục kiến trúc hào thành
Từ kết quả nghiên cứu, ThS Nguyễn Thắng đưa ra kết luận: Di tích hào thành là kiến trúc hào nước chạy xung quanh 4 tường thành, thành nhà Hồ, quy mô hào khá rộng lớn, bao bọc cho toàn bộ kinh thành phía trong. Kết quả khai quật cung cấp nguồn tư liệu về mặt bằng tổng thể nền gia cố chân thành với dấu tích đá dăm bao phủ trên bề mặt. Điều này, cho thấy sự tồn tại một công trường tinh chế đá tại chỗ trước khi đưa lên dựng thành. Ngoài ra, qua kết quả KCH cũng đã làm rõ kết cấu kiến trúc hào thành bốn phía, đồng thời thấy rõ được độ rộng, cũng như độ sâu của đáy hào.
Việc khôi phục hào thành là hết sức cần thiết để phát huy giá trị di sản.
Dựa trên những kết quả đã khai quật trong ba năm 2015; 2016; 2019 chúng ta có thể hình dung được kết cấu hào thành, thành nhà Hồ, đưa ra những cứ liệu khoa học về hình dáng, kích thước, kết cấu, chức năng, sự tồn tại và vai trò của hào thành trong lịch sử hình thành tồn tại và phát triển của thành nhà Hồ... Tại buổi công bố kết quả khai quật diễn ra ngày 9/1/2020, PGS.TS Hoàng Văn Khoán cho rằng: Cần làm rõ thêm hào thành hình thành dựa trên cơ sở tự nhiên hay do con người tạo dựng! Bên cạnh đó, việc khôi phục toàn bộ hào thành và sinh cảnh hai bên bờ hào là vô cùng cần thiết, đảm bảo việc lưu thông bằng phương tiện đường thuỷ phục vụ việc phát huy giá trị của di sản.
Đồng quan điểm, PGS.TS Hán Văn Khẩn cho rằng: Muốn thu hút du khách, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hoá truyền thống thì ngoài khu vực hào thành, chúng ta cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ khai quật bên trong nội thành. Qua đó, dựng lại bức tranh tổng thể về lịch sử, môi trường, văn hoá. Phần xương sống của di sản với đền đài, cung điện, kiến trúc lớn đã được sử sách ghi chép, tuy nhiên dấu tích của những công trình này vẫn đang còn ẩn sâu dưới lòng đất. “Chúng ta cần mạnh dạn đầu tư cho việc khai quật mở rộng ở trong thành. Nếu chậm trễ sẽ có lỗi với lịch sử, với các bậc tiền nhân” - ông Khẩn nói.
Nói về việc phát huy giá trị của di sản văn hoá thế giới thành nhà Hồ, đại diện Cục Di sản cho biết: Trong quy hoạch tổng thể đã chỉ rõ những việc cần làm đối với di sản thành nhà Hồ. Hơn thế kết quả khai quật KCH rất tốt nhưng chúng ta lại chưa có được thông tin tổng thể, tổng hợp lại toàn bộ kết quả nghiên cứu, đây là yêu cầu cao nhất trong việc củng cố dữ liệu và tìm kiếm nguồn kinh phí. PGS.TS Tống Trung Tín đưa ra quan điểm: “Chúng ta cần sớm tổ chức hội thảo quốc tế để tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, ý kiến của nhà quản lý cũng như ý kiến của các nguồn lực đầu tư trong việc trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di sản thành nhà Hồ”.
Thay cho lời kết, TS Nguyễn Bá Linh - Phó Giám đốc phụ trách TTBTDS thành nhà Hồ khẳng định: Di sản này không chỉ đơn giản tồn tại để phục vụ cho công tác giáo dục truyền thống, lịch sử nữa. Chính vì vậy, ý kiến đóng góp của các nhà khoa học là vô cùng cần thiết để các ngành chức năng từ tỉnh đến trung ương tham khảo và đưa ra kế hoạch cụ thể đối với việc bảo tồn, tôn tạo di sản. “Đối với hào thành, dựa trên các cứ liệu lịch sử cũng như kết quả khai quật KCH khẳng định giá trị của kiến trúc. Qua đó, góp phần thực hiện việc bảo vệ tính nguyên vẹn của di sản. Tôi khẳng định, ngay khi nhát cuốc cuối cùng của các nhà KCH dừng lại, TTBTDS thành nhà Hồ sẽ làm văn bản đề nghị tỉnh xem xét khôi phục lại hào thành, phát huy giá trị di sản, nâng cao đời sống nhân dân vùng phụ cận”- TS Linh nói.