Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã quy định cụ thể các chế tài, nhưng đến nay, tình trạng vi phạm hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến. Vì vậy, nhiều chuyên gia thống nhất quan điểm rằng, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, cho phép sử dụng công nghệ giám sát để xử phạt người vi phạm.
Nguyên nhân chính gây bệnh không lây nhiễm
PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cho biết, sau dịch Covid-19, số bệnh nhân đến với các bệnh viện ngày càng đông, gây ra sự quá tải bệnh viện ở một số chuyên khoa. Theo báo cáo của 1.400 bệnh viện trên cả nước, có tới 70-75% bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm (tiểu đường, tim mạch, ung thư…). Trong đó, thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh không lây nhiễm.
Ở Việt Nam, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã quy định cụ thể các chế tài, nhưng đến nay, tình trạng vi phạm hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến, trong đó phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Những năm qua, cùng với việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, tình trạng hút thuốc lá thụ động ở các địa điểm công cộng đã giảm một cách rõ rệt, từ 6-13%, tuy nhiên tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động vẫn còn cao.
Theo các chuyên gia, hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi tại Việt Nam. Hút thuốc thụ động là hít phải (hay còn gọi là phơi nhiễm) khói thuốc từ đầu điếu đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn các hóa chất, độc hại. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên sống, làm việc trong môi trường có khói thuốc lá cũng mắc các bệnh như người hút thuốc.
Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Khói thuốc có thể tồn tại ở khắp mọi nơi và đặc biệt không có ngưỡng an toàn khi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động, gây ảnh hưởng đến cộng đồng mà nạn nhân đa phần là phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động chiếm tỷ lệ tới 80%, còn trẻ em là 50%.
Xử lý vi phạm còn nhiều khó khăn
Theo báo cáo của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, giai đoạn 2019-2021, Bộ Y tế phối hợp với các tổ chức có liên quan kiểm tra gần 2.000 đơn vị, xử phạt 376 trường hợp vi phạm quy định về địa điểm hút thuốc. Tổng số tiền xử phạt giai đoạn này là 564,9 triệu đồng.
Một số khó khăn trong công tác xử phạt hiện nay do sự phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, thanh tra còn rất hạn chế, chủ yếu do ngành y tế đề xuất và thực hiện. Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện và được bày bán khắp nơi với giá rẻ; hành vi hút thuốc lá xảy ra nhanh khiến các lực lượng chức năng khó khăn trong việc xác định vi phạm.
So với năm 2015, năm 2020 tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung giảm từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020. Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: Nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.
Thông tin từ Bộ Công an, từ năm 2019-2021, các bộ phận chức năng thuộc Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế đẩy mạnh ra quân kiểm tra xử phạt các vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong 2 năm qua, đã kiểm tra xử phạt các vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại nhiều địa phương với số tiền hơn 550 triệu đồng. Ngoài ra, bắt và xử lý hàng trăm vụ buôn lậu, tàng trữ thuốc lá, với số tiền phạt lên tới hàng chục tỷ đồng.
Đại diện Bộ Công an cho rằng, trong quá trình đi kiểm tra xử phạt tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Khách sạn, nhà hàng là địa điểm có tỷ lệ vi phạm cao và tỷ lệ hút thuốc lá thụ động cao nhất so với các địa điểm quy định trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (80%). Các vi phạm phổ biến là hút thuốc tại các khu trong nhà của nhà hàng, không treo biển có chữ/biểu tượng cấm hút thuốc lá...
Để giải quyết tình trạng này, bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, tới đây các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, theo dõi việc thực thi xây dựng môi trường không khói thuốc ở các điểm cấm, cho phép sử dụng hoặc công nghệ giám sát để tiến hành xử phạt người vi phạm; xử phạt nguội các hành vi vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Cụ thể, Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 cho phép các địa điểm công cộng nếu có điều kiện có thể sử dụng công cụ ghi hình, lắp camera để giám sát, nhắc nhở và phạt các trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng. Nghị định số 117/2020/NĐ-CP cũng quy định mức phạt tiền với hành vi hút thuốc tại nơi bị cấm. Theo quy định, tại một số điểm cấm hút thuốc lá, người hút thuốc sẽ bị phạt tới 500.000 đồng, còn đơn vị kinh doanh sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng nếu không có chữ hoặc biểu tượng "cấm hút thuốc lá" tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật.
Người dân chưa rõ thông tin
Hiện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đã xây dựng phần mềm tiếp nhận phản ánh của người dân về việc thực thi môi trường không khói thuốc, thí điểm tại quận Tây Hồ và quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội).
Mặc dù vậy, khảo sát nhanh trên địa bàn Hà Nội cho thấy, đa phần người dân, đặc biệt là các thanh niên đều không nắm rõ được thông tin người hút thuốc lá tại nơi cấm hút sẽ bị “phạt nguội”. Thậm chí, nhân viên tại các địa điểm này cũng ít người nắm rõ được quy định này và có nắm được cũng ít khi sử dụng.
“Chúng tôi thường nhắc nhở khách nếu hút thuốc lá trong nhà hàng, mặc dù cũng nắm được quy định về xử phạt nhưng phần lớn khách đều có ý thức dập thuốc khi được nhắc nhở nên cũng không có trường hợp nào cần phải thông báo với cơ quan chức năng” - một nhân viên quản lý nhà hàng tại quận Hoàn Kiếm cho biết.
Trong khi đó, Trần Xuân Anh (25 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Tôi không biết về những quy định này. Đương nhiên, nếu những quy định này được thực hiện nghiêm thì bản thân tôi cũng đồng tình. Không ít lần tôi đã chứng kiến cảnh những người phụ nữ, những em nhỏ phải nhăn mặt chịu đựng khi có người hút thuốc lá ở bàn bên cạnh trong nhà hàng, quán nước”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Trưởng phòng y tế UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, đến nay sau 6 tháng thực hiện, quận Hoàn Kiếm đã tiếp nhận và xử lý gần 70 trường hợp phản ánh người hút thuốc lá tại các điểm cấm qua hệ thống phần mềm. Tuy nhiên, việc xử lý thông qua phần mềm còn nhiều hạn chế.
Ông Thẩm Ngọc Trung - Trưởng Phòng Y tế quận Tây Hồ (Hà Nội), Trưởng đoàn kiểm tra cho biết: Nhìn chung, phần lớn các chủ nhà hàng, khách sạn trên địa bàn quận chấp hành tốt các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa treo biển cấm hút thuốc lá. Trong những ngày tới, Phòng Y tế quận Tây Hồ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan đi kiểm tra, vận động và nhắc nhở người dân và các chủ các cơ sở chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá. Chúng tôi kêu gọi tất cả các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn quận Tây Hồ cùng chung tay, góp sức xây dựng môi trường sống trong lành, an toàn và không khói thuốc lá”.
Luật sư Nguyễn Anh Tú - Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Triển khai không đơn giản
Gần đây, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đã xây dựng và thí điểm ứng dụng Vn0khoithuoc (app trên điện thoại di động), giúp người dân phản ánh các vi phạm liên quan đến thuốc lá tới cơ quan chức năng. Ứng dụng này cho phép người dân chụp và gửi hình ảnh vi phạm Luật phòng, chống tác hại thuốc lá tới các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Mặc dù vậy, việc triển khai cũng còn không ít khó khăn. Theo tôi, việc phạt nguội này chưa đem lại hiệu quả, bởi không phải ai cũng có điện thoại thông minh, có kết nối internet để chụp, gửi hình ảnh. Ngoài ra, việc chụp và sử dụng hình ảnh người khác khi không có sự đồng ý của người đó là vi phạm luật pháp.
Thứ nhất, việc kiểm tra, nhắc nhở và xử lý của các cơ quan chức năng đối với người vi phạm chưa được thường xuyên, kịp thời. Chính vì vậy, việc triển khai ứng dụng để xử lý hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc sẽ càng khó khăn hơn.
Thứ hai, hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng xảy ra nhanh chóng, đối tượng vi phạm chủ yếu là người vãng lai. Sau khi hút thuốc xong, người vi phạm sẽ di chuyển đi nơi khác nên không thể có các thông tin như tên, địa chỉ người vi phạm; đồng thời, hành vi vi phạm này cần phải bắt quả tang, lập biên bản tại chỗ và xử lý mới đảm bảo tính khả thi. Mặt khác, một số thông tin phản ánh của người dân không có nghĩa là đã đầy đủ, chính xác, rõ ràng mà phải thông qua việc kiểm tra, xác minh, nhiều trường hợp việc xác minh, kiểm tra sẽ không có kết quả nên không thể xử lý hành vi vi phạm. Việc này có thể làm cho người dân đã phản ánh thông tin sẽ nản lòng và không tiếp tục phản ánh nữa.
Trước những khó khăn trong công tác xử lý hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, tôi cho rằng Chính phủ cần bổ sung quy định thực hiện thí điểm việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá trong các văn bản pháp luật liên quan.
Nghĩa Toàn(ghi)