Ngày 13/7, Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Mạng lưới các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Đại sứ quán Australia và Dự án Investing in Women đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: "Phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng".
Toàn cảnh diễn đàn.
Mục tiêu của diễn đàn là tạo không gian tập trung và cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận, cập nhật thông tin, giao lưu và chia sẻ với các chuyên gia quốc tế về lao động việc làm và bình đẳng giới, từ đó, giúp doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc đảm bảo và thực thi các giá trị bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới ở nơi làm việc trong chính sách, chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Phó tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam nhận định, bình đẳng giới là cơ sở, là nền tảng và là điều kiện tiên quyết, quyết định đến sự tăng trưởng và phát triển bền vững.
"Bất bình đẳng giới đã được xác định có mối liên quan đến những yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán, quan điểm và nhận thức của các chủ thể, do đó, can thiệp và cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới không phải là điều dễ dàng, mà nó đòi hỏi phải có cách tiếp cận phù hợp", ông Bình cho biết.
Cũng theo Đại sự Nguyễn Phú Bình, khu vực doanh nghiệp được xác định là trung tâm của các mục tiêu phát triển, là lực lượng nòng cốt và xung kích của nền kinh tế, theo đó, không ở đâu và không ai khác, chính doanh nghiệp là một phần giải pháp để thực thi và thúc đẩy các giá trị bình đẳng nói chung và bình đẳng giới ở nơi làm việc nói riêng.
Đồng quan điểm Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân chỉ ra hàng loạt các thách thức tồn tại như khoảng cách giới trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp; phụ nữ vẫn khó khăn hơn nam giới trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là nhóm lao động nữ nghèo, nữ nông thôn, nữ di cư, nữ dân tộc thiểu số; thu nhập giữa lao động nữ và lao động nam vẫn còn chênh lệch, xét trong cả hai giai đoạn 2009-2016, tiền lương bình quân của nữ luôn thấp hơn của nam. Phần lớn những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn chưa vượt qua được quy mô siêu nhỏ, hoạt động không chính thức, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp…
Bên cạnh đó, xét về vị thế làm việc, lao động nữ làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương hơn nhiều so với lao động nam. Do đó sự tham gia của các doanh nghiệp, các tập đoàn cùng các chuyên gia quốc tế trong khuôn khổ diễn đàn, chính điều này sẽ phát đi tín hiệu mạnh mẽ về sự cam kết đối với mục tiêu phát triển bền vững.
Diễn đàn có hai phiên thảo luận với nội dung chính: Tạo dựng và duy trì các giá trị bình đẳng ở nơi làm việc-kinh nghiệm quốc tế và góc nhìn chính sách tại Việt Nam; câu chuyện thực tiễn của doanh nghiệp trong triển khai bình đẳng giới ở nơi làm việc.