Phát triển BOT giao thông: Bình tĩnh để hạn chế rủi ro

Nhật Minh (thực hiện) 05/06/2016 09:35

Không phủ nhận các dự án BOT giao thông đã tạo nên những diện mạo mới cho giao thông Việt Nam, giảm tải ùn tắc, tai nạn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, vẫn còn tồn tại những điểm tiêu cực, hạn chế tại các dự án BOT.  TS Cấn Văn Lực- Cố vấn cao cấp Ngân hàng BIDV đã có những chia sẻ xoay quanh nội dung này.

Hệ thống đường cao tốc thời gian qua được đầu tư, phát triển mạnh mẽ.

PV:Ngân hàng Nhà nước mới đây đã ra thông điệp cho các ngân hàng thương mại với mục đích kiểm soát rủi ro đối với các nhóm khách hàng lớn, trong đó có các dự án BOT giao thông (xây dựng - vận hành - chuyển giao), ông đánh giá thế nào về động thái này?

TS Cấn Văn Lực: Có thể khẳng định, các dự án BOT giao thông đã mang lại nhiều đổi mới trong lĩnh vực giao thông quốc gia. Nhìn chung, những dự án do tư nhân đầu tư khi hoàn thành đưa vào khai thác đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao năng lực giao thông, giảm tải tình trạng ùn tắc, tai nạn, đảm bảo hàng hóa lưu thông tốt; đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, việc cho vay của các ngân hàng đối với các dự án BOT giải quyết được khá nhiều khúc mắc, từ đó, giúp cho các dự án BOT không bị ách tắc, đẩy nhanh được tiến độ thi công, đặc biệt là Quốc lộ 1A và một số dự án giao thông trọng điểm khác góp phần giúp cho giao thông Việt Nam thông suốt, giảm thiểu các nguy cơ về tai nạn giao thông, tạo thuận lợi cho các DN trong quá trình giao thương, vận chuyển hàng hóa.

Tuy nhiên, như chúng ta đã chứng kiến, hiện nay vẫn đang tồn tại một số bất cập đối với các dự án BOT về cách thu phí cũng như những biểu hiện không minh bạch của các chủ đầu tư, do đó đối với các ngân hàng cho vay các dự án này không phải không tính đến những rủi ro. Xét về nhiều phương diện, rủi ro khá lớn, đơn cử như, chủ đầu tư quản lý khai thác vận hành dự án BOT chưa thực sự có năng lực tốt, chính sách của ta có nhiều thay đổi…

Do đó, cho vay đối với các dự án BOT không hẳn là an toàn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nguồn vốn vay của ngân hàng không hẳn dồi dào mà có phần eo hẹp hơn.

Ông Cấn Văn Lực.

Cho nên tôi nghĩ, chúng ta đã phát triển được hệ thống giao thông một cách mạnh mẽ như thời gian vừa qua cũng là điều đáng ghi nhận đối với các dự án BOT, song cũng cần trấn tĩnh lại, xem xét xem phát triển như vậy đã ổn hay chưa. Thứ hai là kiểm soát rủi ro, nhất là đối với các dự án BOT lâu nay bị điều tiếng về vấn đề thu phí, không minh bạch, khai thác chưa hiệu quả… Đó là những vấn đề mà hiện nay chúng ta phải cân nhắc, xem xét lại.

Trong vấn đề các dự án BOT, có chủ đầu tư “tay không bắt giặc”, có nghĩa là vốn họ chỉ có một đồng nhưng lại vay tại các hệ thống ngân hàng thương mại tới 80-90%, suy nghĩ của ông về vấn đề này?

- Đó chính là một trong những bất cập rủi ro từ phía các chủ đầu tư BOT mà tôi vừa nói đến. Thực tế hiện nay, khi tham gia đầu tư các dự án giao thông, nhà đầu tư tư nhân vẫn chủ yếu trông chờ vào các khoản vay từ ngân hàng thương mại, nhưng chủ yếu vay ngắn hạn và lượng vốn không dồi dào.

Trong khi đó, đa số nhà đầu tư trong nước tham gia các dự án giao thông có năng lực tài chính yếu, năng lực quản trị cũng không cao, chỉ số tín nhiệm thấp, ít có kinh nghiệm đầu tư, quản lý, khai thác và chưa am hiểu về đầu tư công - tư (PPP), chưa đánh giá được rủi ro nên triển khai đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác còn nhiều bất cập. Nhiều chủ đầu tư thiếu năng lực cả về mặt tài chính lẫn quản lý, do đó khi ngân hàng cho vay đối với các dự án BOT như vậy sẽ ẩn chứa những rủi ro khó lường hết được.

Về lâu dài, nguồn vốn BOT hay các nguồn vốn giao thông khác cần phải được xã hội hóa từ nhiều nguồn vốn khác nhau, đặc biệt cần lưu ý đến cơ chế về PPP (hợp tác công tư) mà các nước tiên tiến đều đã phát triển theo mô hình đó. Bên cạnh đó, riêng đối với đặc thù của nước ta, tôi muốn nhấn mạnh đến việc, chúng ta phải có một định chế tài chính chuyên biệt đặc thù riêng đối với các công trình xây dựng cơ bản.

Không thể phủ nhận những điểm tích cực mà các dự án BOT giao thông mang lại, song, bên cạnh đó, người dân, DN lại đang rất bức xúc về mức thu phí BOT hiện nay. Mới đây nhất, Chính phủ đã đồng ý ngừng tăng phí tại các trạm BOT (theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải). Ông có nhận định gì về động thái này?

- Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đưa ra quyết định ngừng tăng phí tại các trạm BOT là rất hợp lý. Tôi cho đây là thời điểm chúng ta cần phải rà soát lại các chính sách về phí BOT, đơn cử như việc xem xét lại việc lắp đặt các trạm phí hiện nay, có nên để kéo dài mãi tình trạng quá dày đặc các trạm thu phí trên một tuyến đường?

Thứ hai, mức phí như vậy đã phù hợp chưa với thu nhập bình quân của người dân, sức chịu đựng của DN hay chưa…

Thứ ba, tôi cho rằng, động thái này cũng là giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh năm nay lạm phát có nguy cơ cao trở lại. Chúng ta đều biết, một trong những lý do đẩy lạm phát lên cao chính là giá cả tăng, mà chi phí giao thông đóng góp một phần khá lớn trong rổ tiền tệ, rổ hàng hóa liên quan đến lạm phát.

Một số ý kiến đã đưa ra đề xuất Nhà nước nên mua lại các trạm BOT, theo ông có hợp lý?

- Tôi nghĩ là không nên, mà chúng ta vẫn nên tiếp tục để tư nhân thực hiện, tất nhiên song song với đó, phải có những chính sách quản lý để tạo sự công khai, minh bạch hơn, hiệu quả hơn đối với việc thu phí của các trạm BOT như tôi đã nói ở trên.

Tôi muốn nhấn mạnh đến việc cần thiết phải đưa các ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thu phí để đảm bảo sự công khai, tránh thất thoát, hạn chế thấp nhất các tiêu cực, đặc biệt giúp cho hệ thống giao thông của chúng ta ngày một phát triển, không còn ách tắc.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển BOT giao thông: Bình tĩnh để hạn chế rủi ro

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO