Phát triển giao thông liên kết vùng: Không lo thiếu vốn nhưng cần cơ chế

Nguyên Vũ 17/04/2021 07:43

Ngày 16/4, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo “Nhận diện lực đẩy phát triển thị trường bất động sản vùng TP HCM mở rộng năm 2021”. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng muốn thúc đẩy thị trường bất động sản vùng thì phải phải triển hệ thống giao thông.

Quang cảnh hội thảo.

Tạo đà phát triển cho thị trường bất động sản

Ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho rằng, việc phát triển TP HCM thành đô thị đa trung tâm, việc hình thành hệ thống GTVT đồng bộ, hiện đại vẫn tiếp tục được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Do vậy, những năm tới việc đầu tư hạ tầng kết nối được đặc biệt chú trọng, đặc biệt đối với khu vực vùng TP HCM là một trung tâm kinh tế lớn, năng động và nằm tâm điểm của Đông Nam bộ kết nối với Tây Nam bộ và thuận lợi trong giao thương quốc tế.

Cũng theo ông Mười, một trong những điểm cốt lõi trong chiến lược phát triển của TP HCM là sẽ phát triển các khu đô thị vệ tinh theo mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm, mang tính vùng không gian đô thị. Trong đó, các khu vực như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ dần hình thành nên những trung tâm đô thị mới tiềm năng và hấp dẫn trong xu thế giãn dân đô thị.

Việc phát triển giao thông kết nối tạo đà phát triển cho thị trường bất động sản TPHCM và các tỉnh lân cận hưởng lợi theo hướng bền vững. Đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối đã tạo ra một liên kết vùng không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, mà thị trường bất động sản hưởng lợi đầu tiên.

Thực tế, theo kế hoạch phát triển các dự án hạ tầng giao thông để liên kết vùng TP HCM, lãnh đạo Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải chỉ ra rất nhiều dự án sẽ được triển khai như: Cầu Cát Lái bắc từ TP HCM qua huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai, Cao tốc Biên Hoà - Phú Mỹ - Vũng Tàu (dài 76km), 3 tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài (dài 55 km); TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (dài 69 km); Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt (dài 208 km); vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4.

Thêm đó là các tuyến đường sắt như tuyến Trảng Bom - Hoà Hưng (dài 39 km), tuyến Biên Hoà - Vũng Tàu (dài 84 km); đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành… Chưa kể đó là những dự án đường thuỷ nội địa, hàng không và các tuyến xe điện.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, nhà đầu tư tại hội thảo thì dù hạ tầng giao thông quy hoạch bài bản nhưng hiện nay mới chỉ nằm…trên giấy.

Ông Trần Kim Chung, Chủ tịch HĐQT C.T Group đánh giá, hiện nay tốc độ phát triển giao thông cho TPHCM và vùng phụ cận phải nói là rất chậm. Có tới 10 dự án cao tốc thì chỉ mới triển khai được 3, dẫn tới thực trạng gần như các cửa ngõ tới TP HCM đều tắc nghẽn.

Ông Vũ Quang Các, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, phải định hướng phát triển trước, khi định hướng phát triển rồi thì mới giải quyết các vấn đề tổ chức không gian phát triển và giải quyết các vấn đề về liên kết vùng.

Minh bạch, cởi mở cơ chế

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng nếu khắc phục được những điểm không minh bạch và cởi mở hơn thì không lo về nguồn vốn đầu tư cho các dự án giao thông, vì hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài, đơn cử như Nhật Bản rất muốn đầu tư vào Việt Nam. Điều quan trọng nhất của điều hành hiện nay là khắc phục tình trạng chậm trễ từ cấp phép, triển khai, giải phóng mặt bằng, tính toán chi phí hiệu quả... để nhà đầu tư thực hiện đúng tiến độ.

GS Nguyễn Mại phát biểu tại hội thảo.

“Nghị định BOT đầu tiên ra đời vào năm 1993, sau đó 5 năm thì Luật PPP ra đời, nhưng cuối cùng cũng không để làm gì, vì không giải đáp được quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Nếu chúng ta không có tư duy đổi mới, không nghe các phản biện trái tai, chúng ta không thể sửa những lỗi cơ bản. Làm thế nào để nhà đầu tư trong và ngoài nước có lợi nhuận thỏa đáng? Câu hỏi này có thể giải đáp bắt đầu từ câu chuyện tỷ lệ lợi tức dự án trong khoảng 12-15%, từ đó sẽ tính ra các chi phí và chia sẻ lợi ích nhà nước, doanh nghiệp - người dân. Chúng ta lại tính ngược lại, tính chi phí, bắt nhà đầu tư làm với lợi ích bất kể dù chỉ 7-8%”, GS Nguyễn Mại nêu quan điểm.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Văn Bảy - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM cũng cho rằng một trong những lực đẩy quan trọng nhất của thị trường bất động sản đó chính là những dự án đầu tư về giao thông. Nhưng hiện nay, tiến độ dự án giao thông rất chậm, ngoài câu chuyện về vốn thì còn có khâu giải phóng mặt bằng.

TP HCM sẽ ban hành quy định mới hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất bồi thường cho từng quận, huyện, từng loại, từng vị trí… khác so với trước đây. Khi đi vào từng dự án hạ tầng giao thông thì căn cứ vào điều chỉnh đó và căn cứ vào hệ số bồi thường đã được phê duyệt trong vòng 1 năm, kết hợp lấy ý kiến của người phải thu hồi đất, đưa ngay vào phương án bồi thường, để từ đó triển khai.

“TP HCM rất kỳ vọng vào việc này. Dĩ nhiên là thời gian đầu sẽ có lúng túng nhưng đây là hướng đi hoàn toàn mới để mà đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án hạ tầng giao thông”, ông Bảy cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển giao thông liên kết vùng: Không lo thiếu vốn nhưng cần cơ chế